Ẩm thực

Wagashi - Nét tinh tế trong ẩm thực Nhật Bản

17:24 - 23/09/2020
Khác với bánh trung thu truyền thống ở Việt Nam, Wagashi được nhào nặn bằng tay và mất khá nhiều thời gian để hoàn thiện. Dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, chiếc bánh trở nên vô cùng sinh động và hấp dẫn.

Wagashi được xem là nét văn hóa ẩm thực truyền thống có từ rất lâu đời ở Nhật Bản. Đây là loại bánh ngọt thường có mặt trong các buổi tiệc trà của người Nhật. Có rất nhiều loại Wagashi khác nhau, nhưng đặc điểm chung nhất của các món bánh này là được tạo hình rất kỳ công và đẹp mắt. Bởi vậy có thể nói Wagashi không đơn thuần là một món ăn mà còn là một môn nghệ thuật ẩm thực tinh tế và đặc sắc.

Wagashi thể hiện sự hài hòa giữa giá trị mỹ cảm và giá trị dinh dưỡng

Thành phần chính của vỏ bánh Wagashi là bột đậu trắng kết hợp với bột nếp và đường, nhân bánh làm từ đỗ xanh, đậu đỏ, hạt sen, hạt dẻ… khá tương đồng với nguyên liệu bánh trung thu ở Việt Nam. Trong đó, đậu đỏ là phổ biến nhất bởi trong văn hóa Nhật Bản thì đậu đỏ có tác dụng xua đuổi tà ma, bệnh tật, là biểu tượng của may mắn, thịnh vượng. 

Nguyên liệu làm Wagashi hoàn toàn từ thực vật

Các loại Wagashi khác nhau bởi độ ẩm, được chia chủ yếu theo 3 nhóm chính: nhóm Namagashi có độ ẩm trên 30%   (Mochi, Nerikiri, Kimi shigure...); nhóm Hannamagashi có độ ẩm từ 10 – 30% (Youkan, Kingyoku, Monaka) và nhóm Higashi với độ ẩm thấp nhất dưới 10% (Uchimono, Kakemono).

Wagashi này có ưu điểm so với bánh trung thu truyền thống là hình thù đẹp mắt, độ ngọt vừa phải

Khi nói đến Wagashi người Nhật thường nói đây là “nghệ thuật 5 giác quan” bởi mỗi chiếc bánh bé nhỏ nhưng đều có khả năng đánh thức 5 giác quan của người thưởng thức.

Thị giác: Đối với người Nhật, một món ăn nogn không chỉ đem đến hương vị bùng nổ mà còn làm "mãn nhãn" về mặt hình thức. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng. Mỗi chiếc bánh là đa hình dạng, màu sắc, được lấy cảm hứng từ thơ ca, tranh vẽ hoặc họa tiết, thường gợi liên tưởng đến thiên nhiên, chim muông, hoa lá…

Thính giác: Sức lôi cuốn của Wagashi đối với thính giác xuất phát từ những tên gọi trữ tình của chúng. Nhiều tên gọi bắt nguồn từ văn thơ kinh điển, một số khác lại gợi nhớ về một mùa nào đó trong năm. Tên gọi của các loại bánh Wagashi đều rất trang nhã, dễ nghe. Đó thường là tên gọi những loài hoa đẹp, những cảnh thiên nhiên thanh tịnh, được rút ra từ những bài thơ trữ tình Nhật.

Khứu giác: Wagashi có hương thơm rất nhẹ nhàng, tinh tế. Mùi thơm thoang thoảng, ngọt dịu của Wagashi vừa gia tăng hương vị của món ăn, vừa giữ được vị của đồ uống đi kèm.

Vị giác: Trong văn hóa ẩm thực Nhật, người dân rất coi trọng hương vị tự nhiên. Wagashi được làm hoàn toàn từ thực vật, phần lớn từ các loại đậu và ngũ cốc bổ dưỡng nên khi thưởng thức, ta có thể cảm nhận được những hương vị đặc trưng của những nguyên liệu nguyên chất từ tự nhiên.

Xúc giác: Sử dụng xúc giác để cảm nhận độ mềm mịn, độ ẩm cũng như độ giòn khi cầm trên tay một miếng Wagashi, khi cắt bánh mời bạn bè hoặc khi cho vào miệng thưởng thức.

Có thể thấy, với việc tận hưởng cả 5 giác quan khi thưởng thức Wagashi sẽ khiến thực khách cảm nhận được nhiều hương vị và có cảm xúc riêng.

Wagashi có rất nhiều loại khác nhau, được sử dụng cho nhiều mục đích, nhiều dịp khác nhau 

Thưởng thức Wagashi, thực khách không chỉ cảm nhận độ ngon của bánh mà còn phải trầm trồ khâm phục đôi bàn tay khéo léo của người thợ bánh. Họ phải trải qua quá trình rèn luyện nhiều năm mới có thể “điêu khắc” thuần thục ra những chiếc bánh xinh xắn đến thế.

Khâu tạo hình bánh Wagashi

Mỗi sản phẩm được làm ra đều làm tâm huyết của các nghệ nhân

Wagashi là một lựa chọn mới mẻ cho mùa Trung thu

Wagashi đã trở thành món bánh tráng miệng rất được yêu thích và là một lựa chọn mới mẻ cho mùa Trung thu năm nay. Nhiều người sau khi thưởng thức còn xem đây như một đỉnh cao nghệ thuật ẩm thực của Nhật Bản bởi linh hồn và tinh hoa của đất nước mặt trời mọc dường như đều được gói gọn trong những chiếc bánh bé xíu, nhưng cực kỳ tinh tế này./.

PV