Một nghệ sĩ "đam mê" Hà Nội
Hơn 80 năm gắn bó với nhiếp ảnh, từ lúc còn là chàng thanh niên 18 tuổi cầm chiếc máy ảnh phim cũ kỹ rong ruổi khắp phố phường, kiếm tìm cảm hứng ở những ngóc ngách thân quen, cho đến tận hôm nay khi đã bước qua tuổi bách niên, nhiếp ảnh gia Lê Vượng vẫn giữ cho mình vẹn nguyên một tình yêu dành cho Thủ đô văn hiến.
“Tôi từng đi rất nhiều nơi trên thế giới, thế nhưng về đến Hà Nội, tôi mới cảm nhận được tất cả sự ấm cúng. Tôi chụp rất nhiều, có khi đứng từ trên cao chụp xuống, cũng có khi đứng từ dưới chụp lên…, tất thảy đều thấy Hà Nội thật đẹp – một vẻ đẹp bất diệt” – nhiếp ảnh gia Lê Vượng tâm sự.
Bồi hồi nhớ về lần đầu tiên cầm máy, Lê Vượng nói đó là năm 1936, khi ông vừa tròn 18 tuổi. Thời điểm đó, nhiếp ảnh chỉ là một thú vui của Lê Vượng. Ông cũng không chú ý quá nhiều đến bố cục hay các nguyên tắc chụp ảnh mà chỉ đơn thuần muốn ghi lại nét đẹp giản dị trong cuộc sống.
Đó là cầu Thê Húc có cây phượng già nghiêng nghiêng in bóng xuống mặt hồ phẳng lặng; đó là bóng Tháp Rùa với những ghế đá rêu phong, là cổng chùa Trấn Quốc giản dị trầm mặc bên hồ Tây sương khói, là phố cổ Hà Nội mái ngói vảy cá lô xô, là cầu Long Biên sừng sững vắt ngang sông Hồng...
Ông cũng lái ống kính của mình về phía cuộc sống đời thường, nơi có những bác xích lô mệt mỏi ngủ gật đợi khách, nơi có những đứa trẻ bám đu tàu điện... Dấu chân của Lê Vượng đã in trên mọi phố phường và cũng chẳng nhiều nghệ sĩ miệt mài, say đắm và đầy tâm cảm với Hà Nội như ông.
Lê Vượng gặp gỡ, kết bạn với nhiều nghệ sĩ lớn của Hà Nội cùng thời như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Duy Kiên, Quang Phùng… không chỉ đơn thuần là vì công việc, mà là sự chia sẻ tâm đắc về nghệ thuật, về cuộc sống, về những điều đau đáu của người nghệ sĩ với thành phố thân thương. Đó là những con người luôn trăn trở với Hà Nội, với những vẻ đẹp có thể sẽ vĩnh viễn mất đi với thời gian.
Lê Vượng cho biết, ông rất thích chụp những mái ngói cổ kính nhấp nhô của Hà Nội xưa. Vẻ đẹp của những mái ngói màu nâu sẫm phủ đầy rêu phong nằm nép mình sau những tán cây chính là điều làm nên sự khác biệt của Hà Nội với những thành phố khác.
Những mái ngói lô xô mang nét dung dị, đời thường của Hà Nội đã dần chỉ còn là hoài niệm. Hà Nội nay đã khác xưa nhiều. Không ít con đường, đình, đền, miếu mạo của Tràng An xưa đã đổi thay, đã bị tân trang cho trở nên mới mẻ, trơn láng... đôi khi đến vô cảm. Điều đó khiến những bức ảnh của ông trở thành những ký ức thật đẹp đẽ, dịu êm và là nguồn tư liệu di sản về Hà Nội vô cùng quý giá.
Lê Vượng chụp ảnh đã thành "tinh"
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, gia phả nhà ông có 5-6 thế kỷ ở đây rồi, chính vì thế, ông có tình yêu tha thiết, có thể nói là đắm mình với Hà Nội. Gần như những lúc rỗi, bất luận là sáng, trưa, chiều, tối, ông đều cầm máy và lững thững đi tìm những khoảnh khắc đẹp về đời sống của con người và phong cảnh của Hà Nội. Thói quen ấy được Lê Vượng duy trì đều đặn chỉ đến khi tuổi cao sức yếu không thể đi được ông mới chịu ngồi yên.
Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng, đi săn tìm những bức ảnh nghệ thuật không phải là những cuộc rong chơi mà đòi hỏi người nghệ sĩ phải làm việc nghiêm túc, khoa học và thật sự tâm huyết. Với ông, để ghi lại được một khoảnh khắc đẹp tại một nơi nào đó, có khi phải mất cả tuần, cả tháng, đi lại nhiều lần và vào mọi thời điểm khác nhau. Trước khi chụp ảnh, ông thường suy nghĩ, ngắm khuôn hình rất lâu và khi đã bắt được khoảnh khắc quan trọng thì bấm máy liên tục để kịp thời lưu giữ được trọn vẹn cái hồn của con người, cảnh vật.
Có người nói rằng tâm hồn của Lê Vượng là sự hòa hợp tư chất của hai họa sĩ bậc thầy là họa sĩ Lê Phổ và họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung.
Là cháu ruột của danh họa Lê Phổ, ngay từ tuổi hoa niên, Lê Vượng đã được người chú tài năng của mình truyền thụ những kiến thức về nghệ thuật thị giác, những quan điểm về mỹ thuật như màu sắc, đường nét… và ông đã biết phát huy trong các bức ảnh nghệ thuật của mình.
Năm 1962, khi Viện Bảo tàng Mỹ thuật được thành lập, Lê Vượng được điều về với nhiệm vụ xây dựng hệ thống tư liệu ảnh phục vụ cho nghiên cứu mỹ thuật. Được đắm mình trong không gian nghệ thuật, Lê Vượng thỏa sức thể hiện sự sáng tạo của mình qua ống kính.
Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung nguyên là Giám đốc Viện Bảo tàng mỹ thuật - nơi Lê Vượng gắn bó trong suốt gần 20 năm - là người giúp ông “thói quen cẩn trọng trong nhận thức, tư duy thẩm mỹ, để hình thành một Lê Vượng hài hòa trong vị thế nghệ sĩ tài năng”.
Đúng như nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng từng nhận xét: “Lê Vượng chụp ảnh đã thành "tinh”", các bức ảnh của Lê Vượng luôn có tố chất riêng, khó trộn lẫn, không chỉ ghi lại những khoảnh khắc, mà còn chất chứa rất nhiều yếu tố hội họa. Chúng thường có bố cục chặt chẽ với chiều sâu về không gian và các màu sắc trong ảnh có sự tương phản rõ nét, thể hiện được sự sang trọng nhưng cũng rất chân phương, gần gũi, bởi cái đời, cái tình thấm đẫm qua góc nhìn của người nghệ sĩ.
Một đời gắn bó hết mình với nhiếp ảnh và tình yêu Hà Nội, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng đã gặt hái được nhiều thành công, nhận được nhiều giải thưởng danh giá trong và ngoài nước. Tuổi đã cao, mái tóc bạc trắng, sức khỏe không còn như xưa nhưng ông vẫn giữ được cho mình một tình yêu sâu sắc với Hà Nội.
Thu Hằng, hanoimoi.com.vn. Ảnh: Lê Vượng