Cạnh tranh sòng phẳng
LHP Việt Nam lần thứ 21 có 74 tác phẩm tranh giải Bông sen vàng. Trong đó có 16 phim điện ảnh, 29 phim tài liệu, 9 phim khoa học và 20 phim hoạt hình. Trong danh sách 16 phim điện ảnh hiện nay, khán giả nhận thấy sự tham gia tranh giải của nhiều bộ phim do Nhà nước đặt hàng sau một mùa LHP vắng bóng, gồm: “Truyền thuyết về Quán Tiên”, “Hợp đồng bán mình”, “Nơi ta không thuộc về”, “Thạch Thảo”. Tại LHP, số lượng có sự cân bằng giữa phim Nhà nước và phim tư nhân.
Một cảnh trong phim ''Truyền thuyết về Quán Tiên''.
Những năm qua, phim do Nhà nước đặt hàng đang thể hiện sự trở lại mãnh mẽ, là đối thủ nặng ký của phim tư nhân. Trong đó phải kể đến bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ. Ra mắt khán giả vào háng 10/2015, sau hơn 1 tháng công chiếu, bộ phim đạt doanh thu hơn 70 tỷ đồng, được xếp vào hàng những bộ phim ăn khách nhất của điện ảnh Việt Nam từ trước đến nay.
"Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" được làm theo đơn đặt hàng của Cục Điện ảnh – đại diện cho nhà đầu tư (Nhà nước) và cũng là đơn vị lo bảo vệ bản quyền tác phẩm. Cùng với đó, Hãng phim Phương Nam đóng vai trò là nhà đồng sản xuất, tìm đạo diễn, khâu phát hành và quảng bá được giao cho Công ty Thiên Ngân.
Bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được coi là sự đánh dấu mang tính bước ngoặt cho một hướng hợp tác mới giữa điện ảnh Nhà nước và tư nhân. Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" đạt được doanh thu mà chưa bao giờ phim Nhà nước có được. Qua đó cho thấy, nếu như có thể đặt hàng, giao cho tư nhân thì các nhà làm phim có thể bảo đảm được vốn, danh tiếng, hiệu quả kinh doanh. "Nếu chúng ta chỉ đặt hàng phim để cứu đói thì số tiền dành để làm phim rất ít, hiệu quả không cao” - đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chia sẻ.
16 phim có thể là con số không nhiều nếu nhìn vào danh sách khoảng gần 70 phim được sản xuất và ra rạp trong 2 năm 2018 - 2019 nhưng sự cạnh tranh, đa dạng và yếu tố bất ngờ có thể nhìn thấy được với sự trở lại của phim do Nhà nước đặt hàng sản xuất. Trong LHP Việt Nam lần thứ 21, yếu tố bất ngờ không chỉ ở giải Phim hay nhất mà còn ở những cú nước rút trong danh sách giải thưởng cá nhân.
Phim không bị thị trường hóa
Có một thực tế được nhiều nhà làm phim thừa nhận, phim do Nhà nước đặt hàng nhiều năm trước đây nhàm chán do kịch bản yếu, nội dung không hay. Chính vì thế, phim do Nhà nước đặt hàng khó có thể cạnh tranh với phim tư nhân và đạt giải tại các LHP quốc tế. Lý giải về điều này, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho biết: “Tôi gửi phim "Ma làng" sang Nhật, người Nhật bảo họ chẳng hiểu gì. Họ hỏi tôi khoán, đổi mới, chi bộ là gì vì đó là những vấn đề chỉ có ở Việt Nam. Trái lại, phim Hàn Quốc làm để cả thế giới hiểu được. Đó vẫn là những vấn đề về văn hóa Hàn Quốc nhưng họ làm về tình cảm gia đình, anh em - những thứ mà ở các nước phương Tây đang thiết hụt”.
Tuy nhiên, phim truyện do Nhà nước sản xuất đã có nhiều đổi mới. Gần đây, phim “Sinh tử” của Hãng phim truyền hình Việt Nam cho thấy nhiều cảnh quay với quy mô lớn, kỹ xảo hiện đại.
Theo chia sẻ của một thành viên đoàn làm phim: “Đại cảnh sập mỏ đá thực sự khiến người ta sửng sốt vì không nghĩ phim truyền hình nước ta lại làm được như vậy. Thực ra thì, không quá khi nói đây là một trong những đại cảnh quy mô, dàn dựng công phu nhất từ trước đến nay của chúng tôi. Hôm đó, có tới 3 đoàn phim khác đã dồn nhân lực hỗ trợ cho đại cảnh này, đồng thời khiến “Sinh tử” trở thành phim có nhiều đạo diễn, quay phim, trợ lý diễn xuất, trợ lý sản xuất... nhất trong lịch sử VFC”.
Điều đó cho thấy, lực lượng trẻ của các hãng phim Nhà nước nói riêng và làng điện ảnh nói chung đang không ngừng học hỏi, tiếp cận tư duy, công nghệ mới để sản xuất ra những bộ phim có chất lượng tốt hơn, không bị thị trường hóa đơn giản.
Theo kinhtedothi.vn