Cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng 13km, đình Chèm cổ kính uy nghiêm có niên đại hàng nghìn năm ngự bên dòng sông Hồng lộng gió.
Được coi là một trong số ít những ngôi đình cổ nhất Việt Nam, đình Chèm thờ đức Hy Khang Thiên Vương Lý Ông Trọng - người làm quan dưới hai triều đại của Việt Nam và Trung Quốc xưa kia và trở thành nhà ngoại giao đầu tiên của dân tộc ta. Ông có công giúp An Dương Vương chống giặc Tần xâm lược, sau lại được cử sang giúp nhà Tần chống giặc Hung Nô, góp phần tạo mối bang giao giữa hai nước. Lập công với nhà Tần, ông được Tần Thủy Hoàng phong chức vị và mời ở lại Tần, nhưng ông đã từ bỏ vinh hoa phú quý, đem theo vợ con trở về quê hương.
Đức Thánh Chèm trong tâm thức của những người con đất Chèm là người có sức khoẻ phi thường, cao hai trượng sáu, uy nghi hơn người. Ngày xưa Người bảo vệ bờ cõi giang sơn, ngày nay Người tiếp tục chở che cho những người con làng Chèm. Tại đình Chèm hiện nay, bên cạnh ban thờ Lý Ông Trọng là bàn thờ Bạch Tĩnh Cung công chúa – vợ của ông, đó cũng là lí do vì sao trong những nghi lễ ở đình Chèm luôn có "Hai bà hộ giá”.
Trải qua những biến thiên của lịch sử, đình Chèm ngày nay vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống trong kiến trúc, rất Việt Nam nhưng lại đặc biệt khác với những ngôi đình khác. Đình được xây theo lối kiến trức “nội công ngoại quốc”, đa dạng các hạng mục công trình tạo nên một quy mô bề thế.
Đặc sắc nhất phải kể đến cổng tam quan của đình, có bốn trụ đồng cao vút, uy nghi. Bên trong đình có hai đơn nguyên chính, mỗi đơn nguyên có sáu cụm, các cụm nối nhau thành trục hoàng đạo. Điểm đặc biệt trong kiến trúc đình Chèm là nghệ thuật chạm trổ hoa văn: chạm bong, chạm thuỷ, chạm nổi với hình ảnh tứ linh, cá vượt vũ môn, rồng cuốn thuỷ, hoa lá, vân mây sóng nước…
Lễ hội đình Chèm từ ngày 14 đến 16/5 âm lịch hàng năm với nhiều nét đặc sắc có ý nghĩa và giá trị di sản đã được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia năm 2016.
Địa chỉ: Làng Chèm, xã Thuỵ Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội Giờ mở cửa: 8h – 21h30 hàng ngày |
Thu Hiền/Vietnam Journey