Hậu cung đình Hàng Thịt Hoàng Xá.
Từ nhu cầu củng cố phường hội
Vào đầu thế kỷ XX, những người “hàng thịt” ở làng Hoàng Xá lập phường với mục đích bảo đảm cho mỗi người đều có “chỗ” trên thị trường.
Cụ Bùi Văn Hoan, có 70 năm thâm niên trong “nghề dao thớt”, cho biết: Ban đầu, anh em trong phường chủ yếu bảo nhau để bán róc (bán hết hàng) hằng ngày. Do số người hành nghề đông nên phải thỏa thuận luân phiên giết mổ, vì nếu tất cả cùng làm trong ngày thì dễ bị ế hàng. Đầu năm 1926, phường thịt hàng huyện được thành lập với nòng cốt là phường thịt Hoàng Xá. Thực chất, sự ra đời của phường là để dàn xếp, phân chia địa bàn hoạt động của từng thành viên, và quan trọng hơn là “cầm” được giá trên thị trường.
Mang tên Hoàng Xá nhưng phường hàng thịt có sự tham gia của những người làm nghề ở 5 xã: Hoàng Xá (nay thuộc thị trấn Quốc Oai), Sài Sơn, Ngọc Than (nay thuộc xã Ngọc Mỹ), Yên Nội (nay thuộc xã Đồng Quang), Thạch Thán; có thời gian còn thêm các “tay dao” ở Gồ (nay thuộc xã Yên Sơn) và Sơn Lộ (nay thuộc hai xã Cộng Hòa và Tân Hòa).
Suốt mấy chục năm liền, mối liên kết giữa các thành viên của phường hàng thịt Hoàng Xá rất chặt chẽ. Thời kỳ đầu, được sự bảo trợ của quan án sát Nguyễn Duy Luyện, người ta xúc tiến xây dựng một ngôi đình riêng của phường hàng thịt. Những người chủ chốt đứng ra trông coi việc xây dựng đình là cụ Bùi Văn Duyên, Bùi Văn Do (bố cụ Hoan), Bùi Văn Vát (chú cụ Hoan)...
Mùa đông năm Mậu Thìn (1928), trên mảnh đất 1 mẫu 2 sào ở xóm Cầu Đìa (nay thuộc thôn Du Nghệ, thị trấn Quốc Oai), đình Hàng Thịt Hoàng Xá đã được khánh thành.
Theo mô tả của cụ Bùi Văn Hoan, cổng đình Hàng Thịt rộng 3,7m, hai bên xây trụ biểu, tường bao xây gạch chỉ. Hai bên sân gạch có tả mạc, hữu mạc mỗi nhà 3 gian, tiếp đó là đại bái, sân rộng 2m, rồi đến hậu cung. Đại bái gồm 5 gian 2 dĩ, lòng đình rộng trên 7m, có 4 hàng cột cái, kiến trúc kiểu chồng rường, kẻ truyền, chạm lộng, bong kênh, trang trí hình rồng, hoa lá.
Hậu cung 3 gian, mỗi gian thông thủy 2,2m, có 4 hàng cột từ trong ra ngoài, lòng nhà rộng 4,1m, hiên rộng 1,7m, đều lát gạch bát. Ở ngoài hiên gian giữa, phía dưới kèo nhà là bức chạm gỗ hình rồng và ngựa rất đẹp. Trong hậu cung, hiện còn 1 bức hoành phi, 3 đôi câu đối khắc gỗ từ thời vua Bảo Đại, nội dung bày tỏ tâm nguyện được hành nghề lâu dài và chắc chắn. Ở gian bên phải có bia “Kỷ niệm bi ký” dựng ngày 16 tháng Sáu năm Bảo Đại thứ 5 (1930) cho biết: Đình thờ Nguyễn tướng công (? - ?), húy Duy Luyện, hiệu Như Đan. Gian bên trái có bia “Hậu bi ký”, dựng ngày 12 tháng Ba năm Bảo Đại thứ 9 (1934) cho biết hàng thịt ở các xã cùng cung tiến dựng đình. Phía sau có bia “Kỷ niệm tiên lão”, đầu hồi có bia “Kỷ niệm bi đình”, cùng dựng ngày 18 tháng Tư năm Bảo Đại thứ 6 (1931) và ghi danh những người dựng đình và tâm nguyện hành nghề của phường hàng thịt.
Các bức chạm gỗ ở hiên gian giữa hậu cung đình Hàng Thịt.
Hấp dẫn nhưng còn thiếu kết nối
Đình làng là địa chỉ văn hóa hàng đầu ở mỗi làng quê, là điểm đến của du khách. Tuy nhiên, đình Hàng Thịt Hoàng Xá là “của hiếm”, du khách đến thăm núi và động Hoàng Xá trong Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách nghe nói đến đình Hàng Thịt thì đều háo hức nhưng phải mất thời gian hỏi, tìm thì mới đến được.
Tại đây, du khách bị “hút” vào chuyện xung quanh một ngôi đình độc đáo. Trước năm 1945, phường hàng thịt duy trì 2 kỳ tế lễ vào ngày 16 tháng Hai và 16 tháng Tám (ngày sinh và ngày mất của Nguyễn tướng công). Trong ngày lễ có các tuần tế, hát múa và các trò chơi dân gian. Đặc biệt, trong kỳ tế tháng Tám, hàng thịt ở các xã trong phường mang lợn do chính nhà nuôi đến dự thi. Lợn thắng cuộc là lợn to nhất, đẹp nhất và chủ nhân được nhận một phần thưởng nhỏ.
Đối với thủ từ, phường thịt hàng huyện thực hiện một cái lệ: Mỗi năm định ra một ngày tất cả hàng thịt trong phường đều không được giết mổ lợn để bán mà dành riêng cho thủ từ. Vào ngày đó (thường chọn ngày hội làng), thủ từ và người nhà thịt bao nhiêu con lợn, bán với giá bao nhiêu (thường là cao hơn) tùy ý. Toàn bộ số tiền thu được, thủ từ dùng vào việc hương khói ở đình. Sau năm 1945 thì mọi việc ở đình không còn lệ ngạch gì nữa.
Tuy nhiên, nhiều du khách băn khoăn vì di tích này còn thiếu sự kết nối với các điểm tham quan khác và chưa được bảo tồn đúng cách. Ông Vũ Danh Đông, con trai một người hàng thịt ở xóm Cầu Đìa, là người từng nhiều năm trông coi di tích cho biết: Từ giữa những năm 1950, đình được trưng dụng làm nơi dạy học. Đến năm 1968 thì đại bái và tả mạc, hữu mạc bị dỡ bỏ, chỉ còn lại hậu cung. Đất của đình chỉ còn trên 1 sào (hơn 360m2).
Chứng kiến sự thăng trầm của ngôi đình, ngoài cụ Hoan còn có các cụ Nguyễn Văn Thinh, Vũ Danh Kết, Nguyễn Trọng Tiến... Từ năm 1969, phường thịt hàng huyện chấm dứt hoạt động, chỉ còn vài người gắn bó với đình, làm việc công đức với mong muốn giữ gìn những hạng mục còn lại. Do không được tu bổ thường xuyên nên một số cấu kiện gỗ bị mối mọt, mái bị thấm dột. Hai cột trụ ở cổng đình xuống cấp nghiêm trọng; nhiều viên gạch ở tường bao bị mủn... Gần đây, hậu cung được tu sửa nhưng chưa được như mong muốn.
Đình Hàng Thịt là một hiện tượng văn hóa độc đáo. Theo ông Vũ Danh Đông, mong muốn của người dân là hậu cung của đình được tu bổ, bảo tồn đúng cách; rồi cả công trình được phục dựng. Thêm nữa, có thể tính đến việc xem xét xếp hạng đình Hàng Thịt Hoàng Xá để dễ bề phát huy giá trị di sản, góp phần phát triển du lịch.
Theo hanoimoi.com.vn