Nghệ thuật múa rối nước Đào Thục đã có hơn 300 năm tồn tại và phát triển, là sự kết tinh từ quá trình sáng tạo, lao động của người nông dân gắn liền với nghề trồng lúa nước ở đồng bằng Bắc Bộ. Cho đến nay, Phường rối nước Đào Thục vẫn còn lưu giữ nhiều tích trò cổ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, gửi gắm khát vọng về cuộc sống bình yên, hạnh phúc, ca ngợi sự cần cù, chịu khó của người nông dân, phản ánh bối cảnh lịch sử, đời sống văn hoá đương thời như: “Trâu đi cày”, “Trâu chui ống”, “Lên võng xuống ngựa”, “Tễu bắt ác”,“Đánh cáo bắt vịt”,“Đốt pháo bật cờ”, “Ba khí giáo trò”…
Nghệ thuật múa rối nước Đào Thục lấy mặt nước làm sân khấu, lấy sự tinh tế, công phu trong điều khiển con rối, sự phối hợp nhịp nhàng giữa người điều khiển rối với diễn viên hát, nhạc công tạo nên sự khác biệt và hấp dẫn. Những nghệ nhân của Phường múa rối nước Đào Thục là những người nông dân, những người thợ thủ công... mang trong mình đam mê với môn nghệ thuật truyền thống của địa phương. Theo thời gian, nghệ thuật múa rối nước Đào Thục được truyền từ đời này sang đời khác, trở thành một sản phẩm nghệ thuật truyền thống độc đáo của huyện Đông Anh.
Theo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh