Ông Nguyễn Đình Do, 88 tuổi, ở xã Tiên Phương (Chương Mỹ, Hà Nội) là chủ nhân đời thứ 5 của căn nhà. Ông cho biết, vì không biết chữ Nho nên ông chỉ nghe các cụ truyền lại căn nhà được xây dựng vào năm Mậu Tuất, còn cụ thể như thế nào đều được khắc lên gỗ trên mái nhà.
Ngôi nhà được làm toàn bộ từ gỗ mít và xoan rừng, nằm trên một quả đồi cao hàng trăm mét, với lối kiến trúc mang đậm nét đồng bằng Bắc Bộ.
Theo các cụ cao niên trong làng, căn nhà được dựng trên thế đất "cưỡi sơn, vờn mây", nghĩa là trong những ngày mây mù, nhìn từ xa ngôi nhà như quyện vào trong mây chiều. Xung quanh căn nhà có nhiều cây sấu cổ hàng trăm tuổi quanh năm toả bóng mát. Nằm trên đồi cao lại nhiều cây cối nên không khi rất trong lành.
Những tấm liếp trên hiên nhà được đan bằng tre hiện đang ngả màu thời gian. Liếp có chức năng che nắng, mưa, ngoài ra còn có tác dụng như một bức tường che chỗ để đồ dùng hàng ngày.
Ngôi nhà 5 gian, gian chính giữa là gian thờ tổ tiên, hai gian hai bên thờ ông bà, bố mẹ...Ông Do cho biết, kỵ nội của ông trước đây là người đi buôn bán quả bồ kết khắp các tỉnh thành, khi tích cóp được lưng vốn kha khá đã dựng nên căn nhà này.
Hệ thống cửa ra vào cũng được làm toàn bộ từ gỗ, do thời gian nhiều chi tiết đã mối mọt
Một khung cửa không còn nguyên vẹn
Trong căn nhà nhiều chi tiết bằng gỗ được đục đẽo cầu kỳ, tinh xảo
Hình một đầu rồng được đục đẽo trên phần gỗ của mái nhà
Căn nhà luôn được giới làm phim, nhất là phim truyền thống của Miền Bắc tìm đến với mong muốn làm bối cảnh để sản xuất phim truyền hình. Ông Do cho biết mỗi năm cũng phải có vài người đến tìm hiểu.
Tuổi đã cao, ông Do cho biết ông cũng như những người đi trước sẽ sống rồi chết đi trong căn nhà này. Vì điều kiện kinh tế khó khăn nên ông cũng không thể sửa chữa lại căn nhà cho khang trang, chắc chắn. Giờ nhiều chi tiết đã mối mọt xuống cấp, trời mưa luôn ẩm ướt.