Quảng trường Ba Đình do ai đặt tên?
Quảng trường Ba Đình là quảng trường lớn nhất Việt Nam, nằm trên đường Hùng Vương và trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây đã lưu giữ dấu ấn nhiều sự kiện trọng đại của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, vào ngày 2/9/1945, tại Quảng trường này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Quảng trường Ba Đình nằm ở phía Tây cổng thành cổ Hà Nội. Đến đầu thế kỷ 20, khu vực này là một khoảng trống với bãi hoang, cùng hồ ao mới được san lấp. Người Pháp đã xây dựng ở đây một vườn hoa, đặt tên là Rond Point Puginier, còn gọi là Quảng trường tròn hay vườn hoa Puginier.
Xung quanh Vườn hoa Puginier này một số công trình công sở, biệt thự được xây dựng. Một trong những công trình được xây dựng sớm là Phủ Toàn quyền (1902), sau này là Phủ Chủ tịch. Sau này, nơi đây có thêm các công trình quan trọng khác là trường Albert Sarraut (1919), nay là Cơ quan Trung ương Đảng và Sở Tài chính (1925), nay là Trụ sở Bộ Ngoại giao.
Quảng trường Ba Đình do bác sĩ Trần Văn Lai, người giữ chức Thị trưởng thành phố, từ ngày 20/7 đến 19/8/1945 đặt tên. Sở dĩ, Thị trưởng Trần Văn Lai đặt tên là Ba Đình vì ông cảm phục nghĩa quân Đinh Công Tráng đã chống Pháp rất anh dũng ở căn cứ Ba Đình huyện Nga Sơn, Thanh Hoá vào những năm cuối thế kỷ XIX.
Quảng trường Ba Đình, trái tim của dân tộc
Tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân của quân và dân Việt Nam giành được thắng lợi hoàn toàn. Cách mạng tháng Tám thành công đã đập tan xiềng xích nô lệ kéo dài hàng nghìn năm của chế độ phong kiến, xóa bỏ ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật.
Từ xiềng xích nô lệ, nhân dân Việt Nam đã vươn lên trở thành những người chủ của đất nước, tự quyết định vận mệnh của dân tộc mình dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có nhiều địa điểm được đưa ra lựa chọn để làm nơi diễn ra sự kiện trọng đại: Lễ Độc lập và Quảng trường Ba Đình đã được chọn.
Ngày 2/9/1945, khắp mọi nẻo đường ở Thủ đô Hà Nội đều rộn ràng cờ, hoa và khẩu hiệu chào đón sự kiện trọng đại có một không hai của dân tộc. Những ai từng chứng kiến khoảnh khắc thiêng liêng của lịch sử sẽ không thể quên không khí, bối cảnh Quảng trường Ba Đình ngày lễ Độc lập năm ấy.
Một biển người đứng chật Quảng trường rạng rỡ, hân hoan, náo nức, hồi hộp chờ đợi giây phút vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Đúng 2 giờ chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh bước lên lễ đài với tư cách là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời. Trước toàn thể quốc dân đồng bào và nhân dân thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc từng cho biết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn ngày 2/9 vì đó là ngày Chủ nhật, có thể huy động được quần chúng. Không gian của quảng trường Ba Đình lúc đó trở thành một lễ đài rất trang nghiêm và hội tụ lòng dân vào trong nền độc lập của đất nước.”
Bà Nguyễn Thị Loan, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, chia sẻ cảm xúc khi thăm lại Quảng trường Ba Đình giữa những ngày thu lịch sử: “Trong những ngày này, gần đến ngày Quốc khánh 2/9, tôi và gia đình rất tự hào khi được đến quảng trường Ba Đình. Tình cảm của tôi đối với đất nước dâng trào khi nhớ lại ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Quảng trường Ba Đình có không gian rộng lớn, thoáng mát và đẹp. Trong những ngày lễ cũng như ngày thường, chúng tôi đưa con cháu đến quảng trường Ba Đình để ôn lại những trang sử vẻ vang của đất nước.”
Ngày nay, Quảng trường Ba Đình có khuôn viên với chiều dài 320m và rộng 100m, có nhiều ô cỏ lớn, xen giữa là lối đi rộng 1,4m. Giữa quảng trường là cột cờ cao 25m. Ba Đình trở thành mảnh đất thiêng cùng những dấu ấn lịch sử không bao giờ phai nhạt, cùng những kiến trúc tâm linh hiện hữu: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ. Quảng trường Ba Đình cũng là một địa điểm tham quan, vui chơi của người dân cũng như khách du lịch Hà Nội.
Đã 74 năm trôi qua kể từ lễ Độc lập 2/9/1945, Quảng trường Ba Đình vẫn còn giữ nguyên giá trị lịch sử, văn hóa. Quảng Trường Ba Đình vẫn là trung tâm chính trị - văn hóa, là nơi diễn ra những sự kiện trọng đại của đất nước, xứng danh niềm tự hào của Hà Nội, trái tim của một nước Việt Nam độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và không ngừng vươn lên sánh vai cùng Năm châu.
Hữu Phúc/ dulichvietnam.com.vn