Hướng dẫn viên, bạn đồng hành nhiệt tình của du khách |
Ông Shiraishi Hiroyuki, du khách Nhật Bản chọn Hà Nội là điểm đến trong chuyến du lịch mùa hè. Ông cho biết, đây không phải lần đầu tiên ông đến Việt Nam (trước đó ông đã đến TPHCM). Lý do ông quay trở lại là vì ấn tượng với ẩm thực và con người Việt Nam, và đặc biệt vì người bạn đồng hành Lê Huy Phú, hướng dẫn viên tiếng Nhật của công ty Apex. “Việt Nam rất đẹp, các món ăn ngon và con người rất dễ mến. Anh Phú, hướng dẫn viên của tôi luôn rất nhiệt tình giới thiệu những điểm đến trong hành trình và chăm sóc tôi rất chu đáo."
Anh Lê Huy Phú (bên phải) và ông Shiraishi Hiroyuki trong chuyến du lịch tại Hà Nội
Ông Hiroyuki còn khoe chiếc máy phiên dịch mà ông luôn mang theo trong những chuyến du lịch và sử dụng khi không có hướng dẫn viên. Tuy nhiên ông bảo, có hướng dẫn viên vẫn là thích nhất, vì qua họ, du khách sẽ được tiếp xúc nhiều hơn với văn hóa bản địa, được hòa mình vào không gian sống thực sự, chứ không phải chỉ là đứng ngoài nhìn vào.
Cũng như ông Hiroyuki, ông Alain Fontaine, du khách Pháp cũng hết lời khen hướng dẫn viên Vũ Bảo Ngọc của công ty Chân trời mới, người bạn đồng hành giúp ông và vợ có được những trải nghiệm thú vị trong suốt hành trình du lịch ở Việt Nam.
“Hướng dẫn viên của tôi rất nhiệt tình, chu đáo. Anh ấy đón chúng tôi ở sân bay, nhiệt tình giới thiệu với chúng tôi những địa danh du lịch nổi tiếng, đưa chúng tôi đi ăn những món đặc sản Hà Nội. Tôi thực sự rất hài lòng với chuyến đi của mình, nếu có cơ hội, chắc chắn tôi sẽ còn quay lại” – ông Alain Fontaine chia sẻ.
Hướng dẫn viên Vũ Bảo Ngọc (ngoài cùng, bên phải) và ông bà Alain Fontaine
Hướng dẫn viên, vừa... thừa, vừa... thiếu |
Mọi tour du lịch đều thất bại nếu gặp phải hướng dẫn viên kém. Nhưng bất kỳ tour du lịch nào có hướng dẫn viên giỏi, dù gặp có cũng vẫn có thể thành công. Câu nói đó được lan truyền trong giới hướng dẫn viên, khẳng định vai trò của người hướng dẫn viên đối với các công ty lữ hành và đặc biệt, đối với cảm nhận của du khách về đất nước, con người ở điểm đến.
Hướng dẫn viên đưa đoàn du khách đến thăm Lăng Bác
Với đa số du khách, hướng dẫn viên là thành phần không thể thiếu, giúp du khách có được những trải nghiệm tốt nhất. “Hướng dẫn viên được ví như những sứ giả của du lịch, góp phần mang hình ảnh đất nước ra thế giới và đóng vai trò quyết định vào sự thành công của bất cứ tour du lịch nào” - ông Nguyễn Tiến Đạt, phó giám đốc Công ty TransViet khẳng định.
Quan trọng là thế, nhưng theo ông Bùi Văn Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Hướng dẫn viên Việt Nam, số lượng hướng dẫn viên hiện nay thừa thì vẫn thừa, nhưng thiếu thì vẫn… thiếu.
“Tính đến hết tháng 5, Việt Nam có 21.119 hướng dẫn viên được cấp thẻ hành nghề, trong đó có hơn 15.000 hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Số lượng này về cơ bản đáp ứng được nhu cầu của thị trường, nhưng lại thiếu về chất lượng, chẳng hạn như thiếu HDV các ngôn ngữ hiếm: Hàn Quốc, Malaysia… bên cạnh đó là thiếu hướng dẫn viên giỏi về nghiệp vụ và vững vàng về kỹ năng và đạo đức hành nghề” – ông Bùi Văn Dũng cho biết.
Nỗ lực để trở thành lực lượng không thể thay thế |
Thực tế, nhiều doanh nghiệp du lịch đã và đang phải tiến hành tự đào tạo lại để "chuẩn hóa" các hướng dẫn viên, bồi dưỡng thêm cho họ kinh nghiệm và kỹ năng nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu công việc.Tuy nhiên, điểm cốt yếu vẫn là ý thức tự học hỏi, trau dồi của bản thân mỗi hướng dẫn viên.
Anh Vũ Bảo Ngọc, hướng dẫn viên của công ty Chân trời mới cho biết: “Đặc thù của nghề hướng dẫn viên là thường xuyên phải trau dồi, đổi mới, bởi những kiến thức trong trường thôi thì chưa đủ. Tôi thường đọc thêm sách báo để cập nhật kiến thức và học hỏi từ những anh chị đi trước trong nghề.”
Còn anh Lê Huy Phú, người đã từng đi du học Nhật Bản và hiện đang công tác tại công ty Apex cho biết: “Nhiều người cho rằng, nghề hướng dẫn viên rất thích vì được đi nhiều nơi, nhưng chúng tôi cũng có những áp lực nhất định. Thẻ hướng dẫn viên của chúng tôi có thời hạn 3 năm, trước thời hạn đổi thẻ, chúng tôi phải tham gia một khóa học bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, nếu vượt qua được thì mới được đổi thẻ. Đó cũng là tiêu chí khiến mỗi hướng dẫn viên phải không ngừng trau dồi, nâng cao kỹ năng chuyên môn.”
“Đặc biệt, thời đại công nghệ 4.0, máy móc có thể thay thế con người. Nếu không tự đổi mới, nâng cao chất lượng, sẽ có ngày hướng dẫn viên sẽ trở thành… dư thừa” – anh Lê Huy Phú nhấn mạnh.
Hướng dẫn viên đưa khách đi tìm hiểu về Tả Phìn, Sapa
Nhắc đến du lịch Việt Nam, người ta nhắc đến những bờ biển tuyệt đẹp, những món ăn hấp dẫn và những phong tục văn hóa đa dạng. Để hành trình trải nghiệm ấy được thành công có vai trò rất lớn của những hướng dẫn viên.
Họ chính là người thay mặt các công ty lữ hành, đại diện cho đất nước đón tiếp và đồng hành với du khách trong suốt cuộc hành trình khám phá. Do đó, mỗi hướng dẫn viên đều cần nâng cao ý thức về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới.
Anh Vũ – Ngọc Quỳnh/ Vietnam Journey