Lối kiến trúc “vô tiền khoáng hậu” |
Nhà thờ St Paul (còn gọi là Nhà thờ đổ) do các linh mục Dòng Tên xây dựng từ năm 1602-1640 để kính Thánh Paul khi họ đặt chân đến vùng Viễn Đông để truyền đạo Công giáo. Ban đầu, nhà thờ St Paul là một tổ hợp gồm nhà thờ chính tòa Thánh Paul, trường Đại học St Paul – ngôi trường phương Tây đầu tiên ở vùng Đông Á. Thời điểm đó, đây được coi là một trong những nhà thờ lớn nhất khu vực Châu Á.
Đối với bất cứ ai đặt chân đến đây lần đầu tiên, cảm giác đầu tiên là choáng ngợp. Từ dưới nhìn lên, qua khoảng trăm bậc đá là một nhà thờ nguy nga, cổ kính và lộng lẫy, dường như thách thức mọi thăng trầm của thời gian và lịch sử. Sự hào hứng, niềm phấn khích muốn vượt qua những bậc thang đá thật nhanh để được lại gần chiêm ngưỡng công trình công giáo đồ sộ này khiến bất cứ ai đều háo hức.
Nhà thờ St Paul nhìn từ dưới lên
Để rồi khi đến gần, thật gần… cảm giác tò mò, choáng ngợp ban đầu sẽ biến mất, chỉ còn lại sự ngỡ ngàng. Bước qua cánh cổng nhà thờ sừng sững, nguy nga ấy chỉ là… một khoảng không trống rỗng, dường như chưa từng có một nhà thờ nào với những thánh đường cổ kính tồn tại ở nơi này.
Phía sau chiếc cổng vòm của nhà thờ là khoảng không trống rỗng, đổ nát
Sự sững sờ ấy lại khiến người ta tò mò muốn tìm hiểu căn nguyên.
Di sản thế giới được UNESCO công nhận |
Theo thiết kế nguyên bản ban đầu, nhà thờ St Paul được xây hoàn toàn bằng gỗ tự nhiên, với mặt tiền lát đá hoa cương tráng lệ. Nhưng do những vụ hỏa hoạn lớn xảy ra trong lịch sử khiến nhà thờ gần như bị thiêu rụi hoàn toàn. Đến nay, phần mặt tiền làm bằng đá hoa cương gần như là phần duy nhất còn giữ lại được của công trình đồ sộ này.
Tuy vậy, cấu trúc mặt tiền còn sót lại của nhà thờ cũng nói lên nhiều điều. Cổng vòm chính của nhà thờ chính là một tác phẩm điêu khắc khổng lồ với 4 tầng kiến trúc, pha trộn nhiều nền văn hóa: những bức tượng Chúa, thiên thần, ác quỷ, hình rồng Trung Quốc, hoa cúc Nhật Bản đến các tàu thuyền Bồ Đào Nha…
Mặt tiền nhà thờ có phong cách kiến trúc độc đáo, giao thoa của nhiều nền văn hóa
Với ý nghĩa thiêng liêng về tôn giáo và phong cách kiến trúc đặc trưng lúc bấy giờ, nhà thờ St Paul đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 2005 và trở thành địa danh lịch sử nổi tiếng bậc nhất Macau.
Để nói về Macau - vùng lãnh thổ từng là thuộc địa của Bồ Đào Nha, người ta có thể liên tưởng đến nhiều khái niệm: miền đất của những casino sang trọng nhất, xứ sở của món bánh tart trứng Bồ Đào Nha, hay vùng đất của các nhà thờ. Nhưng riêng với những tín đồ Thiên Chúa giáo, biểu tượng của vùng lãnh thổ Macau có lẽ chính là nhà thờ St Paul không còn nguyên vẹn này.
Anh Vũ - Phạm Hằng/ Vietnam Journey