Cẩm nang du lịch

Những cách "vớt vát" tiền khi hủy kế hoạch du lịch

07:15 - 06/12/2019
Phí dịch vụ xin visa, phí sân bay, vé tàu xe, khách sạn hay tour lẻ đều có thể được hoàn lại.

Ảnh: Nguyên Chi

Khi đi du lịch, bạn thường phải lên kế hoạch trước ngày khởi hành khá lâu, đặc biệt là trước khi xin visa. Do đó, nếu trượt thị thực hay vì các lý do bất khả kháng khác mà bạn buộc phải hủy kế hoạch du lịch thì sẽ mất một khoản tiền kha khá. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ, bạn vẫn có thể "vớt vát" lại phần nào số tiền đã bỏ ra. 

Tiền visa 

Với trường hợp tự xin visa, phần lớn các đại sứ quán, lãnh sự quán sẽ thu trước một khoản lệ phí khi nộp hồ sơ xin visa và khoản tiền này không được hoàn lại, ngay cả khi bạn không đậu.

Nếu bạn xin qua công ty du lịch hay công ty chuyên làm visa dịch vụ, bạn phải nộp số tiền lớn hơn khoản phí chính thức của đại sứ quán khá nhiều. Không ít công ty có cam kết nếu không đậu sẽ hoàn tiền để thu hút khách (không tính khoản phí của đại sứ quán). Do đó, bạn có thể yêu cầu để được hoàn lại một phần số tiền đã bỏ ra theo quy định của họ

Tiền vé máy bay

Vé hạng thương gia đều có điều khoản hoàn tiền khi hủy vé. Với hạng phổ thông, bạn chỉ có thể đổi tên và sang nhượng lại cho người khác hoặc đổi ngày bay hay đổi chặng bay cho phù hợp. Còn vé tiết kiệm, bạn không thể thay đổi tên, ngày hay chặng bay.

Tuy nhiên, ngay cả khi mua vé hạng thấp nhất, bạn vẫn có thể được hoàn lại khoản lệ phí sân bay và phụ phí... thường được tính kèm vào giá vé. Quy định này không phải hãng nào cũng áp dụng nhưng vẫn có một số hãng hàng không mở điều khoản này cho khách.

Air Asia cho phép khách được lấy lại phí sân bay nếu tới ngày bay mà không check in. Khoản tiền này không quá nhiều nhưng vẫn giúp bạn vớt vát được phần nào. Ví dụ, với chặng Hà Nội - Bangkok, bạn có thể được hoàn gần một triệu đồng phí sân bay. 

Nhưng lưu ý, bạn chỉ có thể thực hiện lệnh hoàn phí khi quá ngày bay chứ không được làm trong hay trước ngày khởi hành. Bạn truy cập vào webiste của hãng, vào phần Support, điền mẫu và chờ đợi. Thông thường, thời gian xử lý là 90 ngày.

Hướng dẫn hoàn phí sân bay của Air Asia.

Hướng dẫn hoàn phí sân bay của Air Asia

Tiền vé tàu, xe

Vé tàu xe dường như "dễ thở" hơn vé máy bay khi hầu hết các hãng đều cho phép bạn lấy lại số tiền đã bỏ ra nếu không khởi hành. Bạn nên liên hệ với bên bán (website bán vé tàu xe hoặc gọi số hotline của nhà xe) để yêu cầu hoàn tiền càng sớm càng tốt.

Với các trang web nước ngoài, bạn có thể vào phần chat trực tuyến với tổng đài viên bằng tiếng Anh, nêu rõ yêu cầu của mình, số chuyến tàu xe. Thông thường, tiền sẽ được hoàn vào thẻ tín dụng cũng trong khoảng 30-90 ngày, tùy quy định từng hãng.

Khi mua vé tàu online, bạn thường chỉ được cung cấp code vé, ra đến nhà ga mới đổi thành vé thật. Với nhiều quốc gia như Trung Quốc, chỉ cần bạn chưa đổi sang thẻ lên tàu xe thì ngay cả khi quá giờ mà bạn không yêu cầu hủy chuyến thì vẫn được tự động hoàn tiền vào thẻ sau khi bị trừ một khoản phí nhỏ.

Tiền khách sạn

Các website đặt phòng khách sạn, nhà nghỉ đều cho phép khách hoàn tiền nếu không sử dụng dịch vụ. Bạn nên hủy càng sớm càng tốt vì thông thường chỉ được hoàn 100% trước một số thời hạn nhất định như 7 ngày, 3 ngày trước ngày đặt. Quá thời hạn này, bạn chỉ được hoàn một phần hoặc mất trắng.

Cách hủy khá đơn giản, bạn chỉ cần vào tài khoản trên website đặt phòng, vào phần booking, sau đó làm theo hướng dẫn hủy phòng.

Nhiều du khách hay mua tour lẻ khi đi du lịch tự túc. Ảnh: Nguyên Chi

Nhiều du khách hay mua tour lẻ khi đi du lịch tự túc

Tiền tour

Hiện nay, nhiều khách du lịch tự túc hay đặt các loại tour lẻ dạng land tour của các nhà cung cấp địa phương. Điều này có nghĩa là bạn đến nơi, sau đó mới mua thêm các gói tour một ngày, hai ngày... đến các địa điểm xa xôi, khó di chuyển bằng phương tiện công cộng. Giống như khi đặt khách sạn hay tàu xe, bạn cũng được miễn phí hoàn tiền nếu hủy trước thời hạn quy định. Điều quan trọng nhất vẫn là hủy sớm nhất có thể.

Nguyên Chi/ngoisao.net