Chạy bộ khám phá Hoàng Liên Sơn
Sapa (Lào Cai) là điểm đến nổi tiếng đã quá quen thuộc ở vùng Tây Bắc. Đỉnh Fansipan, nóc nhà Đông Dương, cùng những cánh rừng thuộc vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn hoang sơ, đã trở thành đích đến khám phá của nhiều du khách trong và ngoài nước. Để tạo một sân chơi cũng như trải nghiệm theo cách riêng cho du khách, năm 2013 giải chạy địa hình vượt núi mang tên Vietnam Mountain Marathon đã ra đời.
Giải chạy marathon này được những người nước ngoài yêu du lịch và thể thao mang đến Việt Nam, họ yêu thích môn chạy với niềm say mê cảnh quan, đất nước, con người Việt Nam. Càng tuyệt vời hơn khi các mùa giải marathon khám phá Hoàng Liên Sơn được chọn diễn ra vào nửa cuối tháng 9, đây chính là mùa lúa chín với bức tranh thiên nhiên đặc sắc, ấn tượng.
Mùa giải đầu tiên của Vietnam Mountain Marathon (2013) chỉ có 155 vận động viên (VĐV) tham dự ở các cự ly 21km, 42km và 70km. Trong đó VĐV Việt Nam tham dự chỉ dừng lại ở con số 18 người. Đến mùa giải thứ 4 (2016), số VĐV đã tăng lên 1.481 người, tham dự 5 cự ly 10km, 21km, 42km, 70km và 100km. Trong đó VĐV Việt Nam đã đạt con số 381. Mùa giải thứ 7 (2019) vừa qua số VĐV đã tăng lên đột biến gần 4.000 người đến từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ, tranh tài ở 6 cự ly 10km, 15km, 21km, 42km, 70km, 100km.
Điều thú vị ở cuộc thi marathon qua 7 mùa giải, đã có những VĐV chuyên nghiệp chạy vượt địa hình núi nổi tiếng thế giới đến tham dự cùng những người chạy nghiệp dư, và cả nhóm doanh nhân du khách đam mê thể thao, du lịch. Có nghĩa cuộc thi mở rộng dành cho tất cả mọi người, cả nam lẫn nữ chỉ cần đủ sức khỏe.
Về cung đường chạy, các VĐV và du khách tham dự sẽ được trải nghiệm và khám phá vùng núi rừng Hoàng Liên Sơn hùng vỹ, những thửa ruộng bậc thang mùa lúa chín vàng, bản làng đơn sơ của người Mông… và chinh phục các độ cao từ 1.000-3.000m so với mực nước biển. Cho đến nay Vietnam Mountain Marathon diễn ra ở vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn đã trở thành 1 trong số các cuộc thi chạy việt dã địa hình ngoạn mục và mạo hiểm bậc nhất châu Á.
Đạp xe chinh phục núi cao
Những năm gần đây loại hình du lịch bằng xe đạp thể thao, xe đạp địa hình đã được nhiều người sử dụng để khám phá các điểm đến hấp dẫn ở vùng núi. Trong những chuyến đi của mình, chúng tình cờ gặp những du khách kể cả người Việt Nam và nước ngoài đang đạp xe thể thao chinh phục các đoạn đèo dốc. Ai đã từng vượt đèo Mã Phục (Cao Bằng), Mã Pí Lèng (Hà Giang), Ô Quy Hồ (Lai Châu-Lào Cai) bằng ô tô, xe máy… có lẽ đều khâm phục tinh thần, nghị lực và sức khỏe của những người đạp xe chinh phục độ cao.
Trong một lần du ngoạn, chúng tôi gặp anh Daniel James (người Anh) vừa chinh phục đỉnh đèo Mã Pí Lèng với đỉnh cao nhất lên tới 2.000m so với mực nước biển. Anh cho biết đã đi xe đạp chinh phục thành công 3 trên 4 con đèo nổi tiếng nhất vùng phía Bắc Việt Nam, chỉ còn thiếu đèo Pha-Đin. Dân phượt đã đặt tên Tứ đại đỉnh đèo hấp dẫn nhất gồm Mã Pí Lèng, Khau Phạ, Ô Quy Hồ và Pha-Đin.
Đã từng đến Việt Nam để đạp xe khám phá nhiều lần từ năm 2015 đến nay, Daniel chụp được rất nhiều ảnh đẹp ở các vùng núi cao Việt Nam. Được đi xe đạp trên những cung đường đồi núi ở Việt Nam đã mang lại cho Daniel nhiều cảm giác thú vị chưa từng có, đặc biệt là những lúc phải ngủ nhờ ở nhà người Mông tại Yên Minh (Hà Giang) hay bị lạc trong rừng ở Mù Cang Chải (Yên Bái) phải nhờ người dân chỉ đường…
Chúng tôi cũng gặp nhiều đoàn du khách đến từ các nước Đức, Anh, Pháp, Nhật dùng xe đạp thể thao để chinh phục Mã Pí Lèng, Khau Phạ… Cùng với đó, nhiều nhóm bạn trẻ người Việt cũng đam mê xe đạp thể thao đã chinh phục những đỉnh Tam Đảo, Ba Vì cho đến Mù Cang Chải (Yên Bái) hay Sống Lưng Khủng Long Tà Xùa (Sơn La)…
Trong nhóm bạn trẻ đó, chúng tôi ấn tượng nhất với Trần Việt Anh (sinh năm 1991, quê Hải Phòng), lúc mới 23 tuổi đã thực hiện hành trình xuyên Việt đi qua 63 tỉnh thành ở Việt Nam. Việt Anh cho biết, mục đích của chuyến đi để vừa rèn luyện sức khỏe, ý chí bản thân, đồng thời quảng bá đất nước con người Việt, chung tay giúp đỡ trẻ em nghèo, khó khăn ở những vùng đất xa xôi, hẻo lánh.
Chèo kayak trên biên cương
Kayak là một loại thuyền có kích thước nhỏ và hẹp, được sáng chế và sử dụng đầu tiên bởi người Eskimo sinh sống ở vùng cận Bắc Cực lạnh giá cách đây khoảng 4.000 năm. Trải qua hàng ngàn năm, đến nay thuyền Kayak đã được cải tiến rất nhiều về hình dáng và chất liệu, nó trở thành một môn thể thao được đưa vào thi đấu ở các kỳ Olympic.
Môn chèo thuyền Kayak mới chỉ du nhập vào Việt Nam khoảng gần 10 năm trước. Ngoài mục đích tập luyện thi đấu, gần đây môn thể thao này đã được nhiều người thích du lịch mạo hiểm ưa chuộng. Nhiều CLB, nhóm chơi thuyền Kayak đã ra đời ở: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Vũng Tàu…
Trao đổi với anh Nguyễn Đức Hải, Giám đốc CTCP Du lịch và Thể thao dưới nước Hải, có trụ sở ở Hạ Long, Quảng Ninh, năm 2014 anh và một số bạn trẻ đã thành lập nhóm chơi quanh vùng Hạ Long. Đến nay CLB Kayak ở Hạ Long đã phát triển mạnh mẽ với số người chơi thuyền thường xuyên lên đến hơn 200 người, và là CLB chơi Kayak hoạt động chuyên nghiệp và đầy đủ thiết bị nhất.
Từ năm 2016, CLB Kayak Hạ Long đã thực hiện nhiều chuyến chèo thuyền ở các điểm có phong cảnh hùng vỹ tại Việt Nam. Các thành viên CLB ấn tượng nhất là chuyến chèo thuyền Kayak trên đoạn sông Nho Quế từ khu nhà máy thủy điện Nho Quế đến vùng hẻm vực Tu Sản, hay ở sông Quây Sơn đoạn từ thác Bản Giốc đến Đồn biên phòng Đàm Thủy với nhiều cảnh quan hoang sơ và ấn tượng. Cảnh vật núi sông khi nhìn từ dưới thuyền Kayak lên sẽ có góc độ hoàn toàn mới lạ so với đứng ngắm trên bờ.
Nhảy dù ở đèo Khau Phạ
Nếu chạy bộ, đi xe đạp thể thao, chèo thuyền Kayak vẫn chưa đủ tạo ra cảm giác mạnh, du khách hãy thử môn nhảy dù lượn từ trên đỉnh đèo Khau Phạ (Mù Cang Chải, Yên Bái). Môn thể thao dù lượn cũng còn khá mới ở Việt Nam, du nhập và được chơi khoảng 7-8 năm nay. Có nhiều điểm du lịch vùng núi cao được người chơi chọn để nhảy dù như: Bình Liêu, Hoành Bồ (Quảng Ninh), Thạch Thất (Hà Nội), núi Bái Nhạ (Hòa Bình)… nhưng điểm ấn tượng, tuyệt vời nhất chính là nhảy từ đỉnh đèo Khau Phạ xuống thung lũng Tú Lệ (Yên Bái) vào mùa nước đổ và mùa lúa chín.
Cứ vào độ cuối tháng 5 và trung tuần tháng 9 hàng năm, rất nhiều du khách và người dân địa phương lại đổ về đèo Khau Phạ để chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên hùng vỹ. Điểm xuất phát bay ở đỉnh đèo Khau Phạ cao khoảng 1.200m so với mực nước biển còn bên dưới là vùng thung lũng ruộng bậc thang rộng lớn, đây là địa hình lý tưởng cho môn dù lượn.
Ngoài một khoản chi phí, du khách cần đăng ký trước để bay cùng với phi công chuyên nghiệp. Dù lượn có hai kiểu bay: bay đơn (do phi công chuyên nghiệp thực hiện) và bay đôi (1 phi công bay kèm 1 du khách). Du khách bay trên dù lượn sẽ có được những cảm giác thăng hoa mà những cách thức tham quan khác không có được. Toàn thân lơ lửng trên bầu trời, làm bạn với mây gió, còn phía dưới chính là núi non hùng vỹ, ngút ngàn.
Vài lưu ý cho du khách khi tham gia các môn thể thao khám phá vùng cao: - Phải đảm bảo sức khỏe trước khi đăng ký, tập luyện thể dục thể thao. - Trang bị các phương tiện, dụng cụ, trang phục chuyên dụng như: giày chạy, leo núi, kính râm, mũ mềm, áo mưa, kem chống nắng, bộ sơ cứu y tế cơ bản, đồ ăn, nước điện giải cơ thể. - Phải có kiến thức và tìm hiểu trước về địa hình, thời tiết nếu là cá nhân, nhóm đơn lẻ hoặc theo sự chỉ dẫn của người dẫn đoàn nếu đông người. - Am hiểu văn hóa bản địa. |
Văn Hải- Đức Hải-Nguyễn Duy/saigondautu.com