Tin tức

Nghệ nhân Ngô Văn Đảm: Người giữ nhịp cho Xẩm

12:58 - 11/06/2021
Hát Xẩm là nghệ thuật dân gian đặc sắc gắn bó lâu đời với người Việt. Trong xã hội hiện đại ngày nay, rất ít người có sở thích hay đam mê với bộ môn này. Tuy vậy, vẫn có những người ngày đêm giữ nhịp cho xẩm, tỏa “hồn” cho nét truyền thống cần được bảo tồn của dân tộc.

Dưới cái nắng yếu ớt của buổi chiều tà, chúng tôi đặt chân đến đình Quan Nhân, (Thanh Xuân, Hà Nội). Dừng xe hỏi thăm NNƯT Ngô Văn Đảm, đứng cạnh cổng đình, một người đàn ông nói vọng ra: “Các cháu tìm cụ Đảm hát Xẩm phải không? Hôm nay cụ đang sinh hoạt văn nghệ cùng mọi người trong đình đấy. Các cháu đi vào đây, chú chỉ cho.” 

Đi sâu bên trong đình, nghe vọng ra tiếng đàn, tiếng hát đầy tha thiết, bình yên mà lắng đọng giữa lòng Hà Nội - nơi phố thị phồn hoa này. Hiện ra trước mắt chúng tôi là khung cảnh người đàn, người hát, người gõ phách, kéo nhị, tất cả phối hợp với nhau thật nhịp nhàng ăn ý.

Chân dung Nghệ nhân ưu tú Ngô Văn Đảm

Cả đời gắn bó với Xẩm

Cụ Đảm sinh ra tại mảnh đất chèo huyện Kiến Xương, quê lúa Thái Bình. Gặp cụ, tôi thật bất ngờ, ở tuổi 93, cụ vẫn giữ được một giọng hát trong và sáng. Đôi tay liên tục gõ phách, kéo đàn, hát cho chúng tôi nghe các làn điệu của Xẩm.

Ngay từ khi lên 6 tuổi, cụ đã được tiếp xúc với Xẩm - thứ mà có lẽ chính cụ cũng không ngờ tới lại theo cụ suốt cả đời người. Cụ kể đã cùng bà ngoại đi bán thuốc nam ở khắp nơi, ngày ấy phương tiện đi lại còn khó khăn, phải đi qua đò dọc, đò ngang. Chính những nơi ấy đã giúp cụ gặp được nhiều người hát Xẩm, hình thành một tình yêu với Xẩm từ lúc nào không hay. “Người hát Xẩm họ nằm ở những cái đò dọc, đò ngang đấy và hát nên tôi cũng hát theo, còn chép được cả lời vì tôi biết chữ nho nữa” - cụ Đảm hào hứng kể lại.   

Lên 8, lên 9, cụ đã có thể gõ trống một cách thành thục. Cứ như vậy, cụ tự mày mò học, tích lũy, ghi lại những kiến thức về Xẩm. Cụ chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về Xẩm một cách mạch lạc, đủ thấy cụ còn minh mẫn nhường nào. “Hát Xẩm là người mù đi hát rong để kiếm kế sinh nhai, nhưng những người đi hát rong thì chưa chắc đã là người mù.”  

Cụ Đảm say xưa đàn hát những giai điệu của Xẩm

Có lẽ đối với cụ, Xẩm đã đi sâu vào trong tiềm thức, trở thành một thứ gắn bó mật thiết, chỉ có vậy nên cụ mới có thể giảng giải cho chúng tôi một cách chi tiết, tường tận về nguồn gốc của loại hình nghệ thuật này. Ngoài ra, cụ còn say mê cả hát chèo, ca trù, chầu văn, đối đáp quan họ. Đủ để thấy tình yêu của cụ dành cho âm nhạc truyền thống Việt Nam lớn tới chừng nào.

Cụ hào hứng lục trong tủ ra những tờ báo vẫn còn mới, “khoe” với chúng tôi một cách đầy tự hào rằng cụ đã viết thơ về Xẩm và được đăng báo. “Sau khi bài báo của cụ được đăng, mấy hội hát Xẩm ở Thái Bình, Hải Phòng đều gọi điện cảm ơn. Các cô chú ấy thích lắm” - gương mặt cụ lộ rõ vẻ mãn nguyện, hạnh phúc. Tuy đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, cụ vẫn chẳng cần dùng kính lão, ấy vậy mà đôi mắt vẫn tinh anh lật từng trang báo. Cụ chậm rãi đọc trọn vẹn những câu thơ về Xẩm: “Hiên ngang một gậy chống trời/Dọc ngang quét đất chiếu ngồi nửa manh” (bài thơ do chính cụ Đảm sáng tác).

Vừa nghe giới thiệu về Xẩm, vừa lân la hỏi chuyện, chúng tôi thắc mắc “bí quyết” nào ở tuổi 93, cụ vẫn mắt sáng, chân khỏe, trí tuệ minh mẫn, giọng hát vẫn trong và sáng như vậy? Cụ chỉ cười và nói rằng mình chăm tập thể dục, ăn ngủ điều độ, đặc biệt là chăm hát Xẩm.

Người giữ nhịp cho Xẩm

Suốt hơn 80 năm biểu diễn và nghiên cứu, NNƯT Ngô Văn Đảm đã truyền lửa cho biết bao thế hệ học viên tại Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam (thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam), nơi cụ đang giữ cương vị Trưởng ban Nghiên cứu.

Các học viên đang đàn hát Xẩm

Hàng tuần, cụ lên lớp 2 buổi để dạy cho học viên ở trung tâm. Mỗi năm cụ đào tạo được khoảng 3 đến 4 học viên ở trình độ thạc sĩ, cụ nói nhiều khi các lớp học ở trong Ninh Bình, Huế, họ bắt xe ra tận đây để được nghe cụ giảng dạy. Ngoài việc dạy học ở trung tâm, cụ còn mở các lớp học miễn phí khác, cụ bảo “Học sinh nhiều đứa nó nghèo lắm, với lại cụ cũng muốn truyền lại tình yêu Xẩm của mình cho những ai thật sự đam mê và yêu thích nó”.

Tâm sự với chúng tôi, cô Lê Thị Hà Thuận, học viên của lớp hát Xẩm cho biết: “Vì yêu thích Xẩm nên bọn cô đến đình để theo học. Mỗi tháng cụ Đảm đến dạy các cô 2 lần, cụ dạy miễn phí, không lấy một đồng nào hết, nhiệt tình lắm!”

Khi được hỏi sẽ tiếp tục theo đuổi niềm đam mê với nghệ thuật hát Xẩm tới chừng nào, cụ Đảm khẽ mỉm cười mà nói rằng mình sẽ theo Xẩm tới chừng nào không đi được nữa thì thôi.

Theo VOV.VN

Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV

Tin tức liên quan

Chính thức phát động cuộc thi giải toán trên máy tính bằng hình thức online
Chính thức phát động cuộc thi giải toán trên máy tính bằng hình thức online

10/11/2024

Hôm nay, ngày 10/11/2024, Cuộc thi Giải toán trên máy tính cầm tay Lần thứ Nhất năm 2024 chính thức được phát...

Tưng bừng giải Vô địch cờ vua trẻ xuất sắc Quốc gia năm 2024 tranh cúp GIGA GIFT
Tưng bừng giải Vô địch cờ vua trẻ xuất sắc Quốc gia năm 2024 tranh cúp GIGA GIFT

06/07/2024

Sáng ngày 6/7 tại Cần Thơ, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch thành phố Cần Thơ phối hợp với Liên Đoàn Cờ Việt...

Lễ ký kết giữa Liên đoàn Cờ Việt Nam và nhãn hàng Doppelherz
Lễ ký kết giữa Liên đoàn Cờ Việt Nam và nhãn hàng Doppelherz

06/11/2023

Ngày 6/11/2023, tại Hà Nội diễn ra Lễ ký kết giữa Liên đoàn Cờ Việt Nam với Công ty Cổ phần MasterTran- nhãn...

Có gì ở Seoul Land – Công viên giải trí đầu tiên của Hàn Quốc?
Có gì ở Seoul Land – Công viên giải trí đầu tiên của Hàn Quốc?

09/10/2023

Nằm cách trung tâm thủ đô Seoul của Hàn Quốc khoảng 35 phút đi tàu điện ngầm, công viên Seoul Land nằm ở...

Ấn tượng Lễ Trao giải Tiếng hát Người làm báo mở rộng năm 2023
Ấn tượng Lễ Trao giải Tiếng hát Người làm báo mở rộng năm 2023

19/03/2023

Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, tối 18/3, đêm trao giải Cuộc thi Tiếng hát Người làm báo mở rộng năm...

Nhìn lại 18 sắc màu trong đêm Chung kết Tiếng hát Người làm báo mở rộng năm 2023
Nhìn lại 18 sắc màu trong đêm Chung kết Tiếng hát Người làm báo mở rộng năm 2023

18/03/2023

Trải qua 4 tháng với nhiều vòng tuyển chọn, 18 tiết mục đặc sắc nhất đến từ 25 giọng ca chính thức tranh tài...

Phiên chợ Vùng cao và những nét đặc trưng Tây Bắc
Phiên chợ Vùng cao và những nét đặc trưng Tây Bắc

17/03/2019

“Phiên chợ vùng cao” là hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội hoa Ban lần 6 do tỉnh Điện Biên tổ chức. Tham dự...

Đắm say sắc trắng hoa sưa giữa trời Hà Nội
Đắm say sắc trắng hoa sưa giữa trời Hà Nội

22/02/2023

Thời điểm cuối tháng 2, sắc trắng tinh khôi của hoa sưa trở thành điểm nhấn phố phường Hà Nội.

Học sinh Hà Nội so tài nhảy đối kháng tại sàn đấu HBDC Konnect 2023
Học sinh Hà Nội so tài nhảy đối kháng tại sàn đấu HBDC Konnect 2023

20/02/2023

Ngày 12/2 và 19/2 vừa qua, sự kiện HBDC Konnect thuộc mùa giải High School Best Dance Crew 2023 đã diễn ra...

Hang động Huổi Cang, Huổi Đáp (Điện Biên) trở thành di tích quốc gia
Hang động Huổi Cang, Huổi Đáp (Điện Biên) trở thành di tích quốc gia

31/03/2019

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định về việc xếp hạng Di tích cấp quốc gia đối với quần thể di...

Infographics: Người dân khi bị mắc COVID-19 sẽ được hưởng những quyền lợi gì?
Infographics: Người dân khi bị mắc COVID-19 sẽ được hưởng những quyền lợi gì?

14/02/2023

Theo Thông tư 02/2023/TT-BYT sửa đổi Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm...

Infographics: Toàn cảnh trận động đất Thổ Nhĩ Kỳ - Syria
Infographics: Toàn cảnh trận động đất Thổ Nhĩ Kỳ - Syria

10/02/2023

Trận động đất kinh hoàng xảy ra vào rạng sáng 6/2 (giờ địa phương) tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khiến hơn 11.000...