Vị thần được thờ ở đình là ông Hoàng Phúc Trung, người làng Lệ Mật (Gia Lâm, Hà Nội). Theo truyền thuyết, ông Hoàng Phúc Trung, là người có công lao xuống đáy sông chỗ nước xoáy, giao đấu với các loài thủy tặc, vớt được thi thể công chúa nhà Lý, được vua ban cho vùng đất hoang phía Tây kinh thành Thăng Long. Sau đó ông chiêu mộ dân Lệ Mật sang khai hoang và lập khu Thập tam trại, biến khu đầm lầy, cây cối um tùm, nhiều thú dữ thành khu dân cư sầm uất, làm ăn trù phú. Liễu Giai là một trong 13 trại đó.
Đền, Đình Liễu Giai ngày nay (bên trên) và gần 100 năm về trước (bên dưới)
Liền kề đình là đền Liễu Giai, thờ Thánh Mẫu và Ngọc Nương công chúa. Theo thần tích còn lưu ở đền, tại làng Phan Sơn, huyện Bằng Châu, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương, có một gia đình họ Lý húy là Nghi, vợ họ Hoàng, có truyền thống văn hóa ba bốn đời đều có người làm quan. Lý Nghi làm quan bộ Lễ thời vua Trần Nhân Tông. Hai ông bà sống cung điện ở phía tây kinh thành Thăng Long. Một hôm trời nóng, bà ra hồ Bạch Nhạn tắm. Bỗng dưng sóng gợn, hiện lên một con rắn trắng bơi đến rồi quấn chặt mình bà.
Năm sau, đúng giờ Thìn ngày 21 tháng 3 Giáp Thìn, bà sinh ra một bé gái, đặt tên là Ngọc Nương, càng lớn càng xinh, đức độ hiền hòa thông minh hơn người. Năm 18 tuổi, Ngọc Nương đi thuyền ngắm trăng vào đêm 17 tháng 8 Âm lịch, đến địa phận trại Liễu Giai thì gặp cơn dông. Lúc đó xuất hiện một con rắn dài khoảng 10 trượng đến đón Ngọc Nương về Thủy Quốc. Bố mẹ vô cùng thương xót, xây đền thờ Ngọc Nương trên mảnh đất long chầu hổ phục cạnh hồ Bạch Nhạn, sau gọi là hồ Đống Nước.
Đời Trần Anh Tông, quân giặc Nguyên Mông sang xâm lược nước ta, Ngọc Nương đã âm phù giúp vua đánh thắng quân giặc một trận lớn. Vua bèn ban cho dân làng 100 quan tiền tu bổ sửa chữa đền thờ và sắc phong cho nữ sĩ: “Vạn cổ huyết thực, Dư quốc đông vô viết vi, Nữ bạch hổ trang, Thủy tinh tôn linh công chúa, Hộ nhị đệ nhất tử”. Sang các triều vua: Vĩnh Khánh, Cảnh Hưng, Chiêu Thống, Minh Mịnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Duy Tân, Khải Định đều có Sắc phong: Thủy Tinh công chúa Thượng đẳng phúc thẩm.
Đền Liễu Giai quay hướng Tây Nam. Sau nhiều lần tu sửa hiện nay mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Đền được xây theo hình chữ “Công” trên một khu đất cao nhìn về hướng tây. Sau tam quan là sân trước, hai bên có lầu Cô, lầu Cậu, ở giữa là đền thờ Thánh Mẫu, bên hữu có lầu Mẫu Cửu Trùng Thiên.
Tòa tiền tế 5 gian xây kiểu "đầu hồi bít đốc", kết cấu dạng “thượng chồng rường, hạ kẻ chuyền” với những hàng cột gỗ lim. Hai trụ biểu nhô cao, đỉnh trụ đắp 2 đôi chim phượng ấp bụng chổng đuôi lên. Phía dưới có 2 bức bình phong bằng gạch, đắp hình bạch hổ và thanh long.
Những bức chạm ở cửa bức bàn và bên trong đền mang hình tùng, lộc, mai, hạc và rồng, phượng, rùa, lân, đào, trúc, cúc, sen trông rất phong phú, tinh tế.
Từ tiền tế, du khách đi qua một "ống muống" xây đơn giản, có bày hương án thờ rồi tới hậu cung gồm 3 gian kiểu “vì kèo quá giang”, trang trí với chút ít hoa văn truyền thống, nơi đặt các pho tượng Cô, Cậu và Tam Phủ Hồng Nương trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu của dân gian. Bên tả ngôi đền còn có một Phật điện xây theo hình chữ "Đinh".
Nghi môn đình Liễu Giai nằm liền tam quan ngôi đền, sau cổng là sân trước, bên trái có phòng họp và nhà khách. Đình rộng 5 gian, kiến trúc kiểu chữ "Nhất" khá đơn giản. Bên tả có xây thêm một nếp nhà nhỏ làm nơi tưởng niệm Hồ Chủ tịch.
Ngoài tác phẩm kiến trúc và điêu khắc, đền Liễu Giai còn lưu giữ nhiều di vật quý. Một cỗ kiệu gỗ sơn son thếp vàng khá lớn, bên trên đặt long đình hình tháp kiểu chồng diêm. Phần xung quanh của long đình còn được chạm hình nghê, phượng, chữ triện… Đáng chú ý, hai điểm giữa của tay kiệu chạm hình song phượng, lưỡng long chầu hổ phù. Hai đòn giữa chạm hai đầu rồng hướng ra ngoài, đòn nhỏ ở dưới lại chạm nguyên một hình rồng, thể hiện sự tài hoa về cách trang trí tỉ mỉ cầu kỳ của nghệ nhân xưa. Đây chính là một hiện vật hiếm thấy, có giá trị cao trong kho tàng nghệ thuật chạm khắc thế kỷ XIX ở nước ta.
Ngoài ra, trong đền còn có một số đồ sứ, đồ đồng gồm bát hương lớn tráng men trắng vẽ lam, hai cỗ tam sự và một chuông đồng thời nhà Nguyễn. Bên cạnh đó, đền còn lưu giữ được một số thần phả, sắc phong của các triều đại trước đây gồm hai cuốn thần phả do Quan hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn vào năm 1572 và một đạo sắc phong cho Thủy tinh phu nhân vào năm Thành Thái nguyên niên 1888.
Ngoài ra, đền còn có một số bộ cánh cửa bức bàn làm kiểu thượng song hạ bàn, chạm nổi tùng, lộc, cúc, mai liên hoàn và các bộ phận của kiến trúc nhà tiền tế như đầu dư, cốn nách đều được chạm khắc rồng, phượng, có niên đại thế kỉ XIX.
Theo petrotimes.vn
Cận Tết, cả làng nghề Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) nhộn nhịp, tất bật, đi đến đâu cũng nghe tiếng đục đẽo lách...
Năm nay thời tiết khá thuận lợi, ít mưa có nắng hanh khô nên hầu hết các gốc bưởi Diễn của người dân Phú Diễn...
Các hoạt động của Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2022 cần được tổ chức trang trọng, sáng tạo, độc đáo thu hút...
Ngày 8/9, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội vinh dự được đề cử và nhận Giải thưởng “Điểm đến du...
Những ngày này, trong không khí Kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, 50 năm thực hiện Di...
Vở diễn "Tấm Cám" chuẩn bị cho dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6 tới của sân khấu Lệ Ngọc sẽ không có nhân vật Bụt mà...
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được thế giới công nhận là một trong những vị tướng lỗi lạc nhất mọi thời đại. Ông...
Chiều 27/4 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây phối hợp với Sở Thông...
Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2022 được tố chức từ ngày 29/4/2022 - 1/5/2022 tại khu vực tuyến phố đi bộ...
Sáng 16/4, tại Khu du lịch Ao Vua, UBND huyện Ba Vì tổ chức Lễ khai trương du lịch huyện Ba Vì năm 2022 với...
Trang tin chuyên về du lịch của Đức Travelbook.de vừa đăng bài viết nêu 6 điểm hấp dẫn khiến du khách phải...
Ngày 7/4, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội đã xây dựng phương án đón khách du lịch quốc tế trong...