Đảo Hải Tặc gây hứng thú cho du khách ngay từ tên gọi. Ảnh: Lê Nam
Lời đồn cất giữ kho báu...
Hải Tặc là quần đảo gồm 16 hòn đảo khác nhau, lớn nhất chính là đảo Hòn Tre, hay còn gọi là Hòn Đốc, nằm ở xã Tiên Hải, huyện Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.
Quần đảo này cách bờ biển Hà Tiên gần 28 km và đảo Phú Quốc 40 km. Hải Tặc có sức hút riêng nhờ tên gọi và vẻ đẹp hoang sơ ít người biết đến. Từ bến tàu Hà Tiên đi khoảng gần 2 tiếng là khách tới được đảo Hải Tặc.
Cột mốc Đảo Hải Tặc cũng là địa điểm được nhiều người tham quan chụp ảnh. Ảnh: Lê Nam
Ông Trần Chí Thành, 45 tuổi, người dân sống trên đảo từ năm 1983 đến nay giải thích: “Tôi cũng nghe các ông, các chú kể lại ngày xưa do băng hải tặc trụ ở đây, đón các ghe tàu qua hòng cướp hàng hóa rồi đem lên đảo hải tặc sinh sống nên mới có tên gọi đảo Hải Tặc”.
Nằm trong khu vực vịnh Hà Tiên – Rạch Giá ra đến vịnh Thái Lan, một tuyến đường thông thương quan trọng từ Trung Quốc sang các nước phương Tây, nên từ nhiều thế kỷ trước, quần đảo này là nơi lý tưởng để cướp biển đồn trú, ẩn nấp, mai phục và tấn công các tàu buôn qua lại. Đến tận những năm đầu thế kỷ 20, ở vùng biển này nạn cướp biển vẫn hoành hành.
Không chỉ là nỗi ám ảnh của nhiều tàu thuyền, đảo Hải Tặc còn được cho là nơi cất giấu kho báu. Lời kể về một tấm bản đồ 300 tuổi chỉ dẫn đến kho báu cất giấu trên đảo, cùng một lượng lớn tiền cổ tìm được ở đây càng khiến đảo Hải Tặc trở nên đặc biệt hơn.
Vẻ đẹp hoang sơ của đảo Hải Tặc
Du lịch làm cuộc sống đổi thay
Ngồi nghỉ chân tại một trong những quán nước ít ỏi ven bờ biển trên đảo Hòn Tre, hòn đảo có nhiều cư dân sinh sống, chúng tôi có dịp trò chuyện với chị Lê Thị Nga, chủ quán. Chị Nga không phải là người địa phương mà chỉ mới cùng chồng con ra đảo chưa đầy một năm.
Chị quyết tâm từ đất liền ra đảo sống là vì nghe theo tiếng gọi của… du lịch. “Tôi cũng buôn bán trong Hà Tiên, ra đây vì có mảnh đất của ông bà để lại. Vài năm trở lại đây thấy du khách đến thăm đảo nhiều nên ra đây phát triển kinh tế. Lúc mới ra được mọi người giúp đỡ nhiều lắm, dân bản địa gần gũi và thân thiện”.
Mực tươi chế biến ngay sát bờ biển. Ảnh: Lê Nam
Nhum là đặc sản không thể bỏ qua khi đến đảo Hải Tặc. Ảnh: Lê Nam
Chị Nga chia sẻ, trên đảo có nhiều đặc sản biển tươi ngon, trong đó phải kể đến cồi dương mai, nhum hay còn gọi là cầu Gai, mực… Ở đảo có các dịch vụ vui chơi như thuê thuyền thăm các đảo lân cận, ngắm san hồ, câu cá, mực các loại. Về đêm có thể cắm trại. Ngoài ra, đảo cũng có hai địa danh là cột mốc Đảo Hải Tặc và Dinh Bà có thể tham quan được.
Chị Lê Thị Nga, chủ quán nước cho biết mới ra đảo chưa đầy 1 năm để làm du lịch. Ảnh: Lê Nam
“Ở đây hoang sơ lắm, điện đài còn chưa đủ, cơm chỉ nấu bằng bếp ga, tối ngủ bị muỗi cắn nhiều nhưng cuộc sống nhìn chung ổn hơn lúc mình trên đất liền, vì có thể làm này làm kia”, bà chủ quán nước kiêm bán đồ hải sản cho biết.
Đảo Hải Tặc đúng là vẫn chưa có điện hoàn toàn. Mạng lưới điện vẫn đang được lắp đặt, một ngày chỉ có vài giờ điện, còn lại dân xài bình ắc-quy. “Điện cúp từ 23 giờ đến 5 giờ sáng. Sau đó có đến khoảng 11 giờ lại cúp tiếp. 11 giờ ngưng đến 16 giờ chiều. Ngày cứ mấy cữ điện như vậy”, chị thông tin.
Ông Trần Chí Thành làm dịch vụ lái tàu tham quan đảo, đưa khách đi câu cá, lặn biển bắt nhum. Ảnh: Lê Nam
Ông Trần Chí Thành kể, du lịch mới chỉ có trên đảo 4 năm qua, mà mạnh nhất là 2 năm vừa rồi, khách rất đông. Ông Thành không chỉ đi đánh cá mà còn mở thêm homestay, rồi nấu hải sản tươi ngon cho khách ăn.
Khi nào có người gọi ông lại lái tàu chở khách đi tham quan các đảo lận cận. Với giá khoảng 800.000 đồng/ buổi, ông Thành dẫn khách đến các khu có nhiều cá, mực và chuẩn bị sẵn mồi câu cho khách câu. Tại một số đảo khác, khách còn được lặn ngắm san hô và tự tay bắt nhum tươi.
Người dân bắt nhum sống cho du khách tưởng thức. Ảnh: Lê Nam
Tại đảo, bạn có thể tự lái xe đi lòng vòng mà không sợ lạc đường, bởi cả đảo chỉ có một con đường, một bên là núi non hùng vĩ, một bên là biển rất đẹp.
Từ Sài Gòn bạn có thể đi xe khách xuống Hà Tiên, đi tham quan các điểm ở Hà Tiên rồi từ Hà Tiên đi đảo Hải Tặc luôn. Có thể đi du lịch đảo Hải Tặc vào tất cả các mùa trong năm, tuy nhiên thời gian đẹp nhất là vào mùa khô, vì khoảng thời gian này biển khá êm và trong xanh, do vậy những bạn bị say sóng cũng sẽ giảm được nhiều khó chịu khi di chuyển bằng tàu. Trước chuyến đi, nên theo dõi dự báo thời tiết để tránh những ngày mưa bão. |
Lê Nam/thanhnien.vn
Với mục tiêu xây dựng khu vực tham quan trở thành điểm đến văn minh, giảm thiểu rác thải nhựa, UBND thành phố...
Phú Quốc vừa có thêm một tổ hợp thể thao giải trí biển chính thức đi vào hoạt động phục vụ du khách bắt đầu...
Dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay, nhiều điểm du lịch trên cả nước đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan, giải...
Chào mừng ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, từ ngày 29/4 - 2/5 tới đây, tại khu du lịch nghỉ...
Chiều 8/4, tại TP Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp với Đại sứ quán và Tổng lãnh sự Ấn Độ tại Việt Nam...
Sau gần 2 năm tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid 19, khu du lịch Chùa Hang – Hòn Phụ Tử, một điểm...
Do kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 nên từ đầu năm đến nay, du lịch tại quần đảo Nam Du (thuộc huyện Kiên...
Năm 2021, tỉnh Kiên Giang thu hút hơn 3,13 triệu lượt du khách (giảm 41,8% so với năm 2020); trong đó khách...
Sau gần hai năm “đóng băng” do dịch COVID-19, thành phố đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, đã thí điểm đón khách...
Ngày 20/11, Phú Quốc chính thức mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Đây là cơ hội để Kiên Giang phục hồi lại...
Kể từ khi mở cửa lại thị trường du lịch nội địa từ ngày 1/11, đến nay, lượng khách đến với tỉnh Kiên Giang...
Để phát triển du lịch, huyện Kiên Hải, Kiên Giang đang đẩy mạnh huy động, tập trung các nguồn lực đầu tư xây...