Nhật Bản, xứ sở của thiên nhiên tươi đẹp
Nói đến Nhật Bản, du khách thường nghĩ đến chiều sâu văn hóa và hay sự hiện đại về công nghệ. Tuy nhiên, với nhiều người từng sống ở Nhật Bản, thiên nhiên mới là điều hấp dẫn nhất ở xứ Mặt trời mọc này.
Thiên nhiên Nhật Bản đẹp nao lòng, từ những mùa hoa anh đào, hoa tử đằng, hoa đỗ quyên... cho tới những mùa lá đỏ, và tuyết trắng.
Vùng núi thuộc tỉnh Wakayama có một mạng lưới đường trekking dài hàng trăm km
Nhưng thiên nhiên Nhật Bản còn đẹp bởi màu xanh của rừng phủ trên những dãy núi cao vút, những sườn đồi thoai thoải, khiến cho quốc gia này trở thành điểm đến tuyệt vời của những chuyến trekking.
Một đoạn đường có từ cách đây 1000 năm ở miền tây Nhật Bản
Và càng tuyệt vời hơn khi trekking trên những con đường hành hương hay đường mòn cổ đã từng in lớp lớp dấu chân từ cả nghìn năm.
Cổ đạo nghìn năm tuổi
Nhật Bản có rất nhiều tuyến đường mòn cổ xưa, ngày nay đã được khai thác, phát triển thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Trong đó, nổi tiếng nhất, là đích đến của rất nhiều du khách yêu thích môn đi bộ đường dài là con đường hành hương Kumano Kodo (Cổ đạo), mạng lưới đường hành hương ở miền tây Nhật Bản mà đích đến là ba ngôi đền thiêng nằm trong vùng núi Kii: Hongu Taisha, Hatayama Taisha, Naichi Taisha.
Kumano Cổ đạo đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới (cùng với đường Camino de Santiago ở Tây Ban Nha)
Ngày nay, hầu hết các tuyến đường ven biển (Ohechi/màu xanh nước biển, hay Iseji/màu tím) đã không còn, nhưng những con đường vượt núi qua đèo (Nakahechi, Kohechi, Omine Okugake) đều vẫn còn với những dấu vết cổ.
Nakahechi (màu nâu đỏ) là đường được bảo tồn tốt nhất và tương đối dễ đi, cũng là con đường được nhiều du khách chọn lựa nhất.
Điểm xuất phát của đường thường là thị trấn Tanabe nhỏ nhắn, vắng vẻ, nhưng có đủ khách sạn và các homestay thú vị cho du khách dừng chân trước khi bước vào hành trình có thể kéo dài cả tháng tùy theo chọn lựa của du khách.
Một nhà trọ nhỏ cũ kỹ nhưng đầy đủ tiện nghi ở Tanabe, khi khách đến chủ nhà sẽ xuất hiện hướng dẫn kỹ càng, sau đó... biến mất để cho khách hoàn toàn tự do trong nhà cho tới tận khi rời đi
Đường Nakahechi dẫn qua những ngọn đồi thấp và vài ngôi làng nhỏ xinh đẹp. Đường dài 38,5 km, có thể đi thong thả trong hai ngày. Con đường này còn được mệnh danh là đường Đế vương, vì từ thế kỷ thứ 10 trở đi, các đời cựu Thiên hoàng Nhật bản chủ yếu dùng con đường này.
Một điểm dừng chân tuyệt đẹp trên con đường NakahechiThường thì du khách sẽ nghỉ chân ở Chikatsuya Oji, nơi họ có thể ở trong nhà trọ ở cùng gia chủ
Con đường Nakahechi còn được mệnh danh là đường Đế vương, vì từ thế kỷ thứ 10 trở đi, các đời cựu Thiên hoàng Nhật bản chủ yếu dùng con đường này.
Trong số các con đường còn lại, đường Ohechi men theo biển từ Tanabe đến Nachi Taisha đã biến mất; đường Iseji nối Kumano với đền Ise ở tỉnh Mie phần lớn cũng đã không còn, ngoại trừ vài đoạn ngắn được để lại làm dấu tích về con đường cũ.
Đường Kohechi nối Kumano với núi Koya là đường khó đi nhất vì núi cao, hiểm trở, khoảng cách giữa các chặng nghỉ dài nên cần phải thật có nhiều kinh nghiệm và sức khỏe mới có thể đi được. Ngay cả trước đây, đường này cũng chỉ có các nhà sư trong núi Koya sử dụng.
Đường Omine Okugake nối Kumano với núi Yoshino cũng tương tự, là đường dài, khó đi, hầu như không đi qua làng mạc nào nên chủ yếu chỉ có các tín đồ ẩn tu trên núi Shugendo sử dụng.
Những con đường mòn luôn phủ lá dày Một đoạn đường Nakahechi cắt ngang đường quốc lộĐường Nakahechi cũng dẫn qua những ngôi làng nhỏ xinh đẹp
Tất cả các con đường đều hội tụ ở một điểm: đền Hongu Taisha, ngôi đền thiêng lớn nhất trong ba ngôi đền ở vùng Kumano và đứng đầu trong hệ thống 3000 đền Kumano trong toàn Nhật Bản.
Chiếc cổng tori lớn nhất thế giới, cao 33 mét
Đi theo đường Nakahechi, đến cuối đường sẽ nhìn thấy từ xa chiếc cổng Tori lớn nhất thế giới này. Cổng nằm phía trước nơi được cho là vị trí nguyên thủy của đền, mà sau các trận lũ lụt năm 1889, đền đã phải chuyển đi đến vị trí cao hơn cách đó 1km.
Lối đi vào vị trí của ngôi đền nguyên thủy Vị trí của ngôi đền nguyên thủy, phía trước mặt là lòng sông
Đền Hongu Taisha ở vị trí mới
Không chỉ là con đường dẫn tới ba ngôi đền thiêng, đường hành hương Kumano cổ còn là một trải nghiệm tôn giáo, nơi để các tín đồ vượt qua những khó khăn, gian khổ trên đường, chứng tỏ quyết tâm và tấm lòng thành kính của mình đối với các vị thần.
Trong hơn 1.000 năm, người hành hương từ khắp nơi trong nước Nhật, từ cựu Thiên hoàng tới dân thường, từ người già tới người trẻ, bất kể tuổi tác, địa vị xã hội, đã không quản ngại gian nan, đi theo những lối mòn hiểm trở, vượt núi cao, vực sâu, đối mặt với thú dữ, đói khát để đến Kumano để cầu nguyện các vị thần trong những ngôi đền thiêng, thanh tẩy mình, cầu xin sự may mắn và bình an. Nhiều người hành hương với bộ đồ màu trắng, sẵn sàng chấp nhận bỏ mạng trên đường, mang tấm lòng thành kính hòa vào trong thế giới của các vị thần.
Ngày nay, đường mòn Kumano vẫn còn đó, vẫn xuyên qua những cánh rừng thông vút cao, những con suối tung thác trắng xóa, hay những sống núi, sườn núi phóng tầm mắt nhìn ra quang cảnh bao la. Cái có hình có thể đổi thay, nhưng cái vô hình vẫn luôn ngự trị trong dòng chảy liên tục của sự sống.
Bước đi trên những đoạn đường trải sỏi từ hàng trăm năm trước
Bước đi trên những lối mòn hành hương đan chằng chịt trong vùng núi Kii là một trải nghiệm tuyệt vời không chỉ bởi cảnh quan văn hóa độc đáo, mà còn bởi cảm giác tĩnh lặng tuyệt đối giữa núi rừng. Hít thở mùi hương của cỏ cây hoa lá, cảm nhận thảm lá êm trải dày dưới gót chân, hay gặp gỡ bất ngờ với các loài động vật nhỏ trong rừng, là những điều thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới.
Đạo Phật từ Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên truyền vào Nhật Bản, đã ăn sâu bám rễ trong đời sống tinh thần của người Nhật và hòa quyện vào trong Thần đạo, tín ngưỡng bản địa của người Nhật. Dọc đường đi sẽ dễ dàng bắt gặp những bức tượng nhỏ bằng đá quàng khăn đỏ, là tượng Phật Địa tạng, vị bồ tát trong tiếng Nhật gọi là Jizo, hộ mệnh cho những lữ khách, trẻ nhỏ hay bảo vệ vong linh của trẻ em hoặc bào thai chết yểu.
Du khách qua đường thường dừng chân khấn Jizo cầu mong phù hộ Tùng cổ thụ 800 năm tuổi trên dốc Đại Môn (Daimonzaka), đường Nakahechi gần Hongu Taisha
Đường lên dốc Đại Môn hướng từ đền Hongu Taisha. Nhiều người chỉ đến thăm dốc Đại Môn với những cây tùng gần nghìn năm tuổi đã chọn cách đi từ Hongu Taisha cho gần
Lưu ý khi đi trên Cổ đạo Kumano: Nếu không thông thạo địa hình, tiếng Nhật, và không có nhiều kinh nghiệm, không nên chọn các con đường hoặc đã biến mất (đường Ohechi, Iseji) hoặc rất dài và khó đi (Kohechi, Omine Okugake), chỉ nên chọn đường Nakahechi. Cả hai đoạn đường Kohechi và Omine Okugake đều dài trên dưới 70km, một số chặng độ dốc lớn hơn 1.000m, cần có sự chuẩn bị cẩn thận về thể lực cũng như đồ đạc mang theo người bởi dọc đường không có điểm nghỉ qua đêm. Nếu muốn nghỉ đêm cần rẽ xuống các làng mạc nằm cách khá xa đường trên núi. Có thể cắm trại dọc đường Nakahechi, nhưng cần liên hệ trước để cắm trại trong các khu có người quản lý. Đây là di sản thế giới nên không cho phép cắm trại tùy ý để tránh làm tổn hại đến thiên nhiên. Có thể đi du lịch trên đường Kumano Kodo quanh năm tùy theo ý thích của bạn, song cần tránh mùa mưa bão, thường diễn ra từ tháng 7 tới tháng 8 và tháng 9. Trong mùa mưa bão năm 2018, đã có một số đoạn đường bị sạt lở khiến cho quãng đường đi bị kéo dài thêm tới trên dưới 10km. Muốn bước đi trên con đường hành hương tuyệt đẹp và yên tĩnh lạ kỳ này, hãy tìm hiểu thật kỹ thông tin trên trang web của thành phố Tanabe. Vì đây là một trong hai con đường hành hương được công nhận là đường hành hương di sản thế giới nên các nhà trọ, lữ quán, khách sạn thường dễ dàng hết chỗ. Một khu cắm trại dọc đường Nakahechi |
Lương Anh/Vietnam Journey
Hôm nay, ngày 10/11/2024, Cuộc thi Giải toán trên máy tính cầm tay Lần thứ Nhất năm 2024 chính thức được phát...
Sáng ngày 6/7 tại Cần Thơ, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch thành phố Cần Thơ phối hợp với Liên Đoàn Cờ Việt...
Ngày 6/11/2023, tại Hà Nội diễn ra Lễ ký kết giữa Liên đoàn Cờ Việt Nam với Công ty Cổ phần MasterTran- nhãn...
Nằm cách trung tâm thủ đô Seoul của Hàn Quốc khoảng 35 phút đi tàu điện ngầm, công viên Seoul Land nằm ở...
Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, tối 18/3, đêm trao giải Cuộc thi Tiếng hát Người làm báo mở rộng năm...
Trải qua 4 tháng với nhiều vòng tuyển chọn, 18 tiết mục đặc sắc nhất đến từ 25 giọng ca chính thức tranh tài...
“Phiên chợ vùng cao” là hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội hoa Ban lần 6 do tỉnh Điện Biên tổ chức. Tham dự...
Thời điểm cuối tháng 2, sắc trắng tinh khôi của hoa sưa trở thành điểm nhấn phố phường Hà Nội.
Ngày 12/2 và 19/2 vừa qua, sự kiện HBDC Konnect thuộc mùa giải High School Best Dance Crew 2023 đã diễn ra...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định về việc xếp hạng Di tích cấp quốc gia đối với quần thể di...
Theo Thông tư 02/2023/TT-BYT sửa đổi Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm...
Trận động đất kinh hoàng xảy ra vào rạng sáng 6/2 (giờ địa phương) tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khiến hơn 11.000...