Tổ chức Động vật Châu Á tại Việt Nam kiến nghị tỉnh Đắk Lắk cần chấm dứt tour du lịch cưỡi voi để bảo tồn voi nhà hiệu quả
Sự việc mới nhất xảy ra vào chiều (19/7), khi chị Nguyễn Thị Bích, trú huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên cùng hai con nhỏ đến Khu du lịch Bản Đôn (huyện Buôn Đôn) trải nghiệm tour du lịch cưỡi voi thì bị voi hất xuống đất dẫn tới trọng thương nhập viện cấp cứu. Ngay sau sự việc, đại diện Công ty Du lịch Biệt Điện (đơn vị quản lý và khai thác Khu du lịch Bản Đôn) đã ra thông báo tạm dừng khai thác tour du lịch trải nghiệm cưỡi voi.
Trước đó, vào ngày (22/5), tại Khu du lịch Hồ Lắk, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk một nài voi (người điều khiển voi) cũng đã bị một voi đực 48 tuổi chuyên chở khách du lịch hung hãn quật tử vong.
Anh Nguyễn Xuân Thủy, một du khách ở tỉnh Vĩnh Phúc nhiều lần tới Bản Đôn tham quan cho rằng, hình ảnh voi đã gắn liền với địa danh Bản Đôn nhiều năm qua và được du khách trong và ngoài nước biết tới. Tuy nhiên, việc cưỡi voi đi vòng quanh khu du lịch và vượt sông Srêpốk đã không còn hấp dẫn, địa phương cần thay đổi loại hình tour du lịch này để thu hút hơn.
Theo anh Thủy, du lịch cưỡi voi rất nguy hiểm, cần loại bỏ. 3-4 người ngồi lên lưng voi rồi đi lanh quanh một thời gian ngắn cũng không thú vị. "Gia đình tôi từng đến Thái Lan du lịch. Tại đây, họ làm du lịch về voi rất chuyên nghiệp. Người Thái để voi trong một khu có hàng rào cách ly, tổ chức cho voi đá bóng, chạy đua maraton, làm xiếc ... rất thú vị. Các con tôi đứng sát hàng rào tương tác với voi rồi lấy chuối cho voi ăn rất an toàn...," anh Thủy kể.
Nhiều ý kiến cho rằng, tour du lịch cưỡi voi ở Bản Đôn không còn phù hợp, ngành du lịch địa phương nên chuyển đổi theo xu thế của thế giới
Còn chị Hà Nhi Phương Thảo, du khách thành phố Hồ Chí Minh đến Bản Đôn du lịch bày tỏ, hiện nay đàn voi nhà ở Đắk Lắk đang suy giảm nhanh chóng do chưa thể sinh sản. Việc vẫn khai thác mô hình du lịch trải nghiệm cưỡi voi sẽ làm đàn voi suy giảm nhanh hơn, thậm chí dẫn tới tuyệt chủng. Ngành du lịch địa phương cần xây dựng các tour du lịch liên quan tới voi hấp dẫn hơn.
Chị Hà Nhi Phương Thảo nêu ý kiến, nên xây dựng các mô hình tour du lịch liên quan tới voi chứ không nên tổ chức tour cưỡi voi như hiện nay. Chẳng hạn, xây dựng các tour tìm hiểu truy tìm dấu chân voi ở Bản Đôn, tổ chức các tour tham gia các hoạt động chụp hình, tắm và chăm sóc cho voi, không nên duy trì cưỡi voi vì sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của voi, rồi voi sẽ tuyệt chủng.
Nhiều ý kiến cho rằng cần xây dựng các tour du lịch thân thiên với voi hơn là duy trì việc cưỡi voi
Số liệu thống kê của Tổ chức Động vật Châu Á tại Việt Nam (Animals Asia) cho thấy, toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 145 cá thể voi. Trong đó, khoảng 100 cá thể là voi hoang dã, còn lại là 44 con voi được thuần dưỡng (voi nhà). Số này tập trung chủ yếu ở các huyện Lắk, Buôn Đôn, Krông Ana và thành phố Buôn Ma Thuột.
Theo Tiến sỹ Tuấn Bendixsen – Trưởng đại diện Tổ chức Động vật Châu Á tại Việt Nam, hiện nay trên thế giới không còn quốc gia nào sử dụng voi thuần dưỡng để tổ chức các tour du lịch, đặc biệt là cưỡi voi. Tại Việt Nam, số lượng voi thuần dưỡng ngày càng suy giảm có nguyên nhân rất lớn từ việc các chủ voi sử dụng vào các tour du lịch trải nghiệm cưỡi voi. Nếu việc này tiếp tục thì việc bảo tồn voi sẽ không thể đạt kết quả như mong đợi.
Tiến sỹ Tuấn Bendixsen chia sẻ, từ năm 2018 đến nay, Tổ chức Động vật Châu Á tại Việt Nam đã hỗ trợ Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk trên 60 nghìn đô la Mỹ (khoảng 1,4 tỷ đồng) để trung tâm hỗ trợ các chủ voi chuyển dần mô hình du lịch cưỡi voi sang các loại hình du lịch thân thiện với voi.
Một voi cái ở Bản Đôn chết vào năm 2019 do kiệt sức vì liên tục phải phục vụ khách du lịch cưỡi
Theo tiến sĩ Tuấn Bendisxen, du lịch cưỡi voi sẽ tạo ra những tai nạn khá nguy hiểm cho du khách. Bản chất của voi là doang dã, dù được thuần dưỡng, khi lao động mệt hay vì tâm sinh lý, phần hoang dã trỗi dậy gây ra tai nạn là điều thuận tự nhiên.
"Chúng tôi đã nhiều lần khuyến cáo ngành du lịch Đắk Lắk cần dừng các tour du lịch cưỡi voi vừa tránh tai nạn đáng tiếc và hỗ trợ công tác bảo tồn voi. Tổ chức Động vật Châu Á tại Việt Nam cũng đã đề xuất với UBND tỉnh Đắk Lắk chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình tương tác và đã hỗ trợ một phần kinh phí để thực hiện. Nếu chúng ta làm được việc này thì voi nhà sẽ được bảo tồn và phát triển," tiến sĩ Tuấn nhấn mạnh./.
Tuấn Long/VOV Tây Nguyên
Lễ hội Đêm trắng Ban Mê sẽ được tổ chức tại Đắk Lắk với sự tham gia của hoa hậu H’Hen Niê trong vai trò đại...
Sau một thời gian dài phải tạm ngưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, hiện tại, du lịch cộng đồng ở Đắk Lắk đã...
Sau thời gian tạm ngưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tối 14/5, tại Trung tâm văn hóa tỉnh Đắk Lắk, Sở Văn...
Sáng 22/4, tại TP. Buôn Ma Thuột, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức khai mạc Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt...
Ngày 1/5 tới đây, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk sẽ phối hợp với nhạc...
Sáng 19/4, Bảo tàng Đắk Lắk khai mạc trưng bày chuyên đề Hồn tre Tây Nguyên với nhiều hoạt động trải nghiệm...
Chiều 4/1, UBND thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk có công văn số 01/TB-UBND về việc áp dụng một số biện...
Chiều 27/12, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức họp với các doanh nghiệp du lịch để trao...
Ngày 20/12, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk...
Sáng 15/12, tại thành phố Buôn Ma Thuột, UBND tỉnh Đắk Lắk và tổ chức Động vật Châu Á đã tổ chức lễ ký kết...
Sáng 21/4, nhằm ngày 10/3 âm lịch, tại Di tích lịch sử quốc gia Đình Lạc Giao, thành phố Buôn Ma Thuột, Sở...
Những bông hoa cà phê bung nở trắng xóa trên nương rẫy tạo nên một khung cảnh vừa hùng vĩ vừa nên thơ, báo...