Trung Quốc
Đối với người Trung Quốc, sủi cảo là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm Tết truyền thống, giống như người Việt Nam không thể không có bánh chưng trong ngày Tết vậy.
Sủi cảo là loại thức ăn chế biến từ bột mì có từ thời Hán. Tiền thân của món bánh này là vằn thắn, lấy bột mì gói nhân thịt làm thành hình tròn đem luộc. Về sau có người thay đổi hình tròn của vằn thắn thành hình mặt trăng non mà người miền Bắc gọi thành "giao tử" tức Sủi cảo.
Người Trung Quốc cho rằng ăn sủi cảo vào đêm giao thừa, ngày đầu năm mới sẽ mang lại may mắn và tài lộc cho mọi người, giúp "cầu được, ước thấy". Ở nông thôn, ngoài vỏ sủi cảo còn in hình bông lúa ngụ ý sang năm mới ngũ cốc được mùa.
Sủi cảo thông thường bao gồm các loại thịt lợn, gà, bò xay nhỏ, kết hợp cùng rau và tôm băm nhuyễn. Tất cả phần nhân này lại được gói trong một lớp bột mỏng, đem luộc, hấp, rán hay nướng tùy khẩu vị. Theo phong tục của người Trung Quốc, trước thời khắc giao thừa, các thành viên trong gia đình cùng nhau chuẩn bị món sủi cảo. Công đoạn cầu kỳ và tỉ mỉ nhất là phần băm nhân thịt và rau.
Người Trung Quốc quan niệm cách băm các loại nhân cũng có thể dự báo sự ấm no, sung túc của cả gia đình. Băm nhân tiếng to mà thời gian lại dài có nghĩa là "lâu dài và dư thừa". Trong lúc nấu sủi cảo, thường phải cho thêm 3 lần nước lạnh vì từ này đồng âm với "phúc đi rồi lại đến".
Một điều đặc biệt nữa là khi ăn sủi cảo, người Trung Quốc chỉ ăn số bánh chẵn, không ăn số lẻ. Họ cũng không ăn hết những chiếc bánh đã chế biến mà luôn để lại vài cái (số chẵn). Người dân quan niệm rằng, như thế họ sẽ có được hạnh phúc và may mắn trọn vẹn, dư thừa suốt cả năm.
Nhật Bản
Người dân xứ sở hoa Anh Đào đón Tết theo dương lịch và ngày tết của họ mang đậm nét văn hóa truyền thống, trong đó không thể thiếu mâm cỗ Osechi.
Ngày xưa, cứ đến những ngày cận Tết là người Nhật lại tất bật chuẩn bị các món cho Osechi để cùng thưởng thức với gia đình trong dịp Tết, giống như người Việt Nam chuẩn bị nấu bánh chưng và các món truyền thống khác trong dịp Tết vậy.
Một mâm Osechi phải có các món sau: Súp Ozoni (được nấu với các nguyên liệu như bánh gạo tẻ, rong biển, hải sản hoặc thịt gà), mứt đậu đen, Tazukuri (từ cá mòi tẩm đường và tương rán giòn), Ie Sebi (tôm rán vàng), bánh dày... với hương vị và màu sắc phong phú, được xếp trong một hộp hình khối chữ nhật (làm thủ công bằng tay) trong đỏ, ngoài đen.
Tất cả các món trong mâm Osechi đều được nấu chín một phần vì người Nhật muốn tránh việc sử dụng lửa vào ngày đầu năm, một phần cũng có ý muốn cho các bà nội trợ thoải mái tận hưởng những ngày năm mới.
Người Nhật rất coi trọng việc trang trí món ăn để mang lại cảm giác ngon mắt cho thực khách. Họ quan niệm hộp đựng "Osechi" càng đẹp thì may mắn càng nhiều.
Phong tục là vậy nhưng càng ngày, Osechi càng được cải tiến để phù hợp với thời đại. Bây giờ, thực đơn phong phú hơn nhiều. Tất cả các món ăn Tây, Tàu… đều có thể được sử dụng để làm Osechi. Đây là mâm cơm sum vầy đầu năm nên các thành viên trong gia đình thích ăn món gì thì chuẩn bị món đó, cốt không khí đầm ấm, vui vẻ, hạnh phúc.
Hàn Quốc
Tết Năm mới của người Hàn có tên gọi là Tết Seolla. Trong Tết Seolla, người Hàn quan niệm đồ ăn phải được tự tay người trong nhà chế biến để dâng lên bàn thờ tổ tiên thì mới đem lại nhiều tài lộc.
Món ăn truyền thống dịp Tết Seolla của người Hàn Quốc là canh bánh gạo Teok-kuk, có nghĩa là “tăng xuân”. Món này được chế biến từ bánh Teok thái lát có màu trắng tinh, nấu với nước xương bò hầm và các loại gia vị đặc trưng của Hàn Quốc. Vào ngày đầu tiên của năm mới, mỗi người Hàn Quốc đều ăn một bát canh Teok-kuk để cầu mong một năm mới sức khỏe và trường thọ.
Singapore và Malaysia
Vào dịp năm mới, nếu đến Singapore và Malaysia, chắc chắn du khách sẽ được thưởng thức món Yusheng (gỏi cá thịnh vượng) vô cùng thơm ngon. Đây là món ăn đặc trưng không thể thiếu trong các bàn tiệc chúc mừng năm mới của người Singapore và Malaysia, biểu tượng cho tài và lộc.
Yusheng có nguyên liệu chính là cá hồi sống và rau củ bào sợi đủ màu sắc mang những ý nghĩa khác nhau: Cà rốt cầu cho phát đạt, dưa leo cầu trẻ mãi không già…, nước sốt rưới lên các nguyên liệu ngụ ý tăng may mắn, phát tài. Sự đa màu sắc của món ăn giúp cho người dân nơi đây tin vào một năm mới tươi sáng, nhiều may mắn.
Khi thưởng thức Yusheng, thực khách sẽ xới tung các nguyên liệu lên càng cao càng tốt, không được để rơi ra ngoài, sau đó hét lên “Lohei” – có nghĩa là trộn đều, đồng âm với từ “thịnh vượng”, rồi trộn xốt vào và thưởng thức.
Mông Cổ
Ở đất nước thảo nguyên rộng lớn này, cừu đông hơn người. Hầu hết các món ăn ngày Tết của người Mông Cổ đều được chế biến từ sữa cừu và trên mâm cỗ lúc nào cũng có thịt cừu nướng.
Người Mông Cổ gọi Tết là Tsagaan Sar, có nghĩa là “mặt trăng trắng”. Tết cổ truyền của Mông Cổ cũng được kéo dài 3 ngày như ở Việt Nam. Người Mông Cổ ăn Tết không thể thiếu bánh buuz, thịt cừu, thịt bò, bánh ngọt và trà sữa. Những món này trong bữa ăn hằng ngày của họ cũng có nhưng sẽ được chăm chút hơn vào ngày Tết. Đó là những chiếc bánh buuz (giống như bánh bao) nhân thịt cừu nóng hổi, uống cùng sữa ngựa lên men hoặc trà nóng. Các thành viên trong gia đình sẽ quây quần đón giao thừa trong không khí ấm cúng, cầu một năm sung túc, an lành.
Lào
Tết của người Lào có tên là Songkran. Bữa cơm đầu tiên trong năm mới của người Lào không thể thiếu món lạp.
Theo tiếng Lào, “lạp” có ý nghĩa là phúc lộc dồi dào và nhiều may mắn. Món ăn này làm từ thịt bò hoặc thịt gà băm nhỏ, trộn cùng nhiều loại rau thơm, nước cốt chanh và thính nếp rang vàng, ăn cùng cơm nếp hoặc xôi.
Người Lào dùng món ăn này với ý nghĩa cầu tài lộc dồi dào trong năm mới. Bên cạnh đó, họ còn biếu tặng món lạp cho những người thân thay lời chúc đầu năm mới và mong ước tài lộc đến với người thân.
Món ăn này được nấu rất cẩn thận vì theo người Lào, nếu Lạp không ngon tức là cả năm đó họ sẽ gặp điều không may.
Campuchia
Ngày Tết của người Campuchia được gọi là Chol Chnam Thmay. Đặc sản ngày Tết của người dân Campuchia chính là món cà ri. Người dân Campuchia thường đem món ăn này lên chùa để làm lễ trước rồi sau đó cả nhà mới ngồi quây quần cùng nhau thưởng thức.
Thu Hằng/ hanoimoi.com.vn
Hôm nay, ngày 10/11/2024, Cuộc thi Giải toán trên máy tính cầm tay Lần thứ Nhất năm 2024 chính thức được phát...
Sáng ngày 6/7 tại Cần Thơ, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch thành phố Cần Thơ phối hợp với Liên Đoàn Cờ Việt...
Ngày 6/11/2023, tại Hà Nội diễn ra Lễ ký kết giữa Liên đoàn Cờ Việt Nam với Công ty Cổ phần MasterTran- nhãn...
Nằm cách trung tâm thủ đô Seoul của Hàn Quốc khoảng 35 phút đi tàu điện ngầm, công viên Seoul Land nằm ở...
Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, tối 18/3, đêm trao giải Cuộc thi Tiếng hát Người làm báo mở rộng năm...
Trải qua 4 tháng với nhiều vòng tuyển chọn, 18 tiết mục đặc sắc nhất đến từ 25 giọng ca chính thức tranh tài...
“Phiên chợ vùng cao” là hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội hoa Ban lần 6 do tỉnh Điện Biên tổ chức. Tham dự...
Thời điểm cuối tháng 2, sắc trắng tinh khôi của hoa sưa trở thành điểm nhấn phố phường Hà Nội.
Ngày 12/2 và 19/2 vừa qua, sự kiện HBDC Konnect thuộc mùa giải High School Best Dance Crew 2023 đã diễn ra...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định về việc xếp hạng Di tích cấp quốc gia đối với quần thể di...
Theo Thông tư 02/2023/TT-BYT sửa đổi Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm...
Trận động đất kinh hoàng xảy ra vào rạng sáng 6/2 (giờ địa phương) tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khiến hơn 11.000...