Quán phở bà Thành luôn đông khách chờ đợi ăn phở suốt mùa dịch Conora.
Bà Thành thường nghỉ Tết như lịch của Nhà nước. Năm nay, từ ngày mùng 6 Tết, các cơ quan bắt đầu làm việc, bà Thành lại bán phở theo nếp cũ: chưa đến 9 giờ sáng bà đã hết hàng.Gần 20 năm nay, kể từ ngày làm việc ở phố Hàng Chuối, chị Hoàng Thị Kim (Đông Anh, Hà Nội), vẫn giữ thói quen tuần hai đến ba lần ghé quán phở bò quen ở ngõ 1 Hàng Chuối.
Chị Kim kể, công ty chị có tới gần chục người có thói quen giống chị. Tuần nào không được ăn phở bà Thành là thấy nhớ không chịu nổi. Phố Hàng Chuối không dài nhưng có tới mấy hàng phở bò. Lạ là quán phở không treo biển như các quán phở khác cùng phố của bà Thành ở ngõ 1 lúc nào cũng đắt hàng như tôm tươi từ 30 năm nay. Thậm chí, nếu định ăn phở mà đến sau 9 giờ sáng thì cứ xác định có thể hàng đã dọn mất. Vì bán ở ngõ, đông người qua lại nên quán phở của bà Thành cực kỳ đơn giản, một chiếc bàn- nơi bà ngồi bán hàng - bày biện thịt, gia vị… chiếc bàn này có thể ngồi được ba khách hàng; kế bên là chiếc bàn nhựa ngay gần bếp nấu nướng ngồi tối đa được ba người và chiếc bàn cuối cùng cũng nhỏ xinh nếu khách ngồi quây quanh chắc được từ bốn đến năm người.
Bà Thành đã bán phở được 30 năm ở Hàng Chuối
Sáng sớm đông, khách có thể vào ngồi ăn trong phòng khách nhà bà, ở cách đó một đoạn ngắn. Như vậy, nếu tính cùng một thời điểm, quán phở bà Thành có thể phục vụ cùng lúc khoảng 20 người. Mấy tiếng buổi sáng bà phục vụ hơn trăm khách hàng, mà đa phần là khách quen.Nếu từng ăn phở ở đây, bạn sẽ không tò mò vì sao quán lúc nào cũng đông khách, bất kể lúc mưa hay nắng. Đơn giản là tất cả đồ phục vụ cho món phở sáng bà Thành đều sử dụng nguyên liệu tươi mới, không có thực phẩm tồn từ hôm trước sang hôm sau. Thậm chí, sau khoảng 2 tiếng đồng hồ bán hàng, nhiều khách còn phải sốt ruột vì khi đó bà mới gọi bổ sung bánh phở hoặc thịt bò. Mà mỗi lần gọi cũng không nhiều. Lý giải về điều này, bà Thành cho biết, bà không gọi nhiều vì lúc đó đã xác định chỉ còn vài bát, bà không muốn thừa đồ, một là nhà phải ăn, hai là tồn hàng. Bà không chấp nhận cả hai lý do này nên bao năm nay, bà vẫn giữ thói quen mỗi sáng phải gọi tới vài lần “ít một” bánh phở và thịt như thế.
Quán phở bà Thành hấp dẫn còn bởi có món tái lăn. Thịt bò bà chọn loại ngon, thịt mềm, mỗi lần bà xào một chảo nhỏ, đủ cho khoảng chục người ăn. Ngày trước còn dùng bếp than, mỗi lần bà xào món tái lăn, thực khách “điếc hết cả mũi”, “tứa nước miếng” vì thèm bởi mùi tỏi cháy xém rất thơm, quyện với mùi thịt bò tươi mới bắt lửa cháy đùng đùng nhìn vô cùng đẹp mắt… Để làm món tái lăn, mỗi ngày bà dùng tới hơn nửa kg tỏi đập dập để phi thơm.
Anh Bảo Nguyên (Đội Cấn, Hà Nội), có công ty đóng trên địa bàn phố Hàng Chuối, cũng là khách quen của quán phở bà Thành hơn chục năm nay chia sẻ: Trên đường tôi đi làm có rất nhiều quán phở, nhưng dù ăn ở đâu cũng thấy không bằng ăn phở bà Thành. Thế nên, sáng nào định ăn phở bà Thành là tôi phải thu xếp đi làm sớm hơn để có đủ thời gian ăn sáng rồi vào làm việc đúng thời gian quy định. Căn giờ là vậy nhưng nhiều hôm đến phải xếp hàng mãi mới tới lượt. Quán phở bà Thành vào lúc đầu giờ sáng, nhiều hôm khách phải vòng trong vòng ngoài chờ tới lượt.
“Tôi rất thích ăn món phở bò tái lăn ở đây vì ăn thấy ‘vào’ hơn các loại phở khác. Vị thơm, ngậy và nước dùng thì đặc biệt chất lượng. Nhiều hàng phở khác, gần cuối nồi thường sẵn sàng đổ thêm nước sôi để bán thêm vài bát, nhưng hơn chục năm ăn phở bà Thành, tôi thấy bà tuân thủ đúng nguyên tắc, dù là bát cuối cùng cũng là nước phở chất lượng, không pha trộn” - chị Phạm Thu (Phương Mai, Hà Nội), cũng là khách quen của quán bà Thành chia sẻ.
Chị Hoàng Thị Kim thì thường xuyên ăn món phở bò tái, sốt vang. “Bát phở kết hợp giữa bò tái và sốt vang mềm thơm rất hợp nên bao năm nay tôi vẫn giữ thói quen ăn kiểu phở này. Nhiều hôm bò sốt vang ngon quá, tôi còn mua luôn một hộp về để bữa trưa hoặc bữa tối ăn” - chị Kim nói.
Bà Thành thường vừa nhanh tay chế biến, vừa luôn miệng trò chuyện cùng khách. Bà bảo, chẳng có bí quyết gì nhiều, từ hồi bán phở cách đây gần 30 năm bà đã tâm niệm, nấu cho nhà mình ăn thế nào thì phục vụ khách như thế, nên không có chuyện dùng viên làm ngọt nước hay mì chính kém chất lượng… để phục vụ thực khách. Ngay cả khi khách không ăn mì chính, bát phở vẫn có vị ngọt của nước xương hầm kỹ.Và có thể vì lý do đó mà thực khách bất kể người ta kiêng ăn hàng quán mùa dịch Corona, vẫn đến quán bà Thành ăn đều đặn. Và cũng có lẽ bởi vì hàng phở nồi nước dùng nóng sùng sục thế kia, virus nào dám sống?
Theo thanhnien.vn
Cận Tết, cả làng nghề Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) nhộn nhịp, tất bật, đi đến đâu cũng nghe tiếng đục đẽo lách...
Năm nay thời tiết khá thuận lợi, ít mưa có nắng hanh khô nên hầu hết các gốc bưởi Diễn của người dân Phú Diễn...
Các hoạt động của Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2022 cần được tổ chức trang trọng, sáng tạo, độc đáo thu hút...
Ngày 8/9, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội vinh dự được đề cử và nhận Giải thưởng “Điểm đến du...
Những ngày này, trong không khí Kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, 50 năm thực hiện Di...
Vở diễn "Tấm Cám" chuẩn bị cho dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6 tới của sân khấu Lệ Ngọc sẽ không có nhân vật Bụt mà...
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được thế giới công nhận là một trong những vị tướng lỗi lạc nhất mọi thời đại. Ông...
Chiều 27/4 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây phối hợp với Sở Thông...
Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2022 được tố chức từ ngày 29/4/2022 - 1/5/2022 tại khu vực tuyến phố đi bộ...
Sáng 16/4, tại Khu du lịch Ao Vua, UBND huyện Ba Vì tổ chức Lễ khai trương du lịch huyện Ba Vì năm 2022 với...
Trang tin chuyên về du lịch của Đức Travelbook.de vừa đăng bài viết nêu 6 điểm hấp dẫn khiến du khách phải...
Ngày 7/4, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội đã xây dựng phương án đón khách du lịch quốc tế trong...