Niềm ao ước của tôi, dù không phải Phật tử, là được một lần đặt chân tới bốn thánh tích đã được ghi lại trong kinh sách, đó là Lâm Tỳ Ni, nơi đức Phật sinh ra, Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Đức Phật thành đạo, Vườn Lộc Uyển, nơi Ngài thuyết giảng bài kinh đầu tiên “Tứ diệu đế” và Câu Thi Na, nơi Đức Phật nhập niết bàn.
Đoá hoa dâng Phật tại tháp Chà Tỳ
Ngắm hoàng hôn ở Lâm Tỳ Ni
Chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Koltaka của Ấn Độ chỉ sau khoảng hai tiếng rưỡi bay từ Nội Bài. Chuyến bay thẳng của IndiGo từ Hà Nội giúp chúng tôi tiết kiệm được không ít tiền bạc và thời gian vì không phải transit qua các sân bay khác.
Nếu trước đây, hành trình đi bốn thánh tích kéo dài đến hai tuần thì nay có thể gói gọn trong bảy ngày. Thậm chí, với những người ít thời gian, chỉ cần chuyến bay thẳng của IndiGo từ Hà Nội sang Bồ Đề Đạo Tràng với giá vé chỉ bằng chặng Hà Nội –TP.HCM là đã có thể ngồi thiền để tìm sự tĩnh tâm trong một không gian đặc biệt đầy năng lượng ở nơi được coi là “rốn của vũ trụ”.
Đồng hành cùng tôi trên hành trình khám phá đất nước của sự huyền bí, nơi khởi nguồn của Phật giáo, không chỉ có những người bạn, mà còn là những người dẫn đường đặc biệt, đó là các thượng toạ, đại đức đã từng nhiều năm theo học tại Ấn Độ, là Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, Bhutan và Nepal - Đại sứ Phạm Sanh Châu.
Chúng tôi đến Lâm Tỳ Ni khi hoàng hôn đã buông những giọt nắng cuối cùng xuống những vạt lau. Thánh tích nơi Đức Phật đản sinh trong buổi chiều về tối đã chuyển sang màu hồng sẫm.
Đại sứ Phạm Sanh Châu nhiệt tình giới thiệu với chúng tôi về nơi Hoàng hậu Maya hạ sinh Thái tử Siddhattha Gotama dưới gốc cây sala (vô ưu).
Theo tập tục của người dân bấy giờ, hoàng hậu Maya phải về quê ngoại để sinh nở. Khi nghỉ chân tại vườn Lâm Tỳ Ni, hoàng hậu tắm trong một hồ nước trong xanh và mát. Sau khi tắm gội xong bà đi dạo trong vườn khoảng hai mươi bước chân, tay vin vào nhánh cây Vô ưu quay về hướng đông và hạ sinh thái tử.
Dù là thánh tích quan trọng nhưng một thời gian rất dài, Lâm Tỳ Ni bị lãng quên. Ðến tận năm1896, tức là khoảng 2500 năm sau, hai nhà khảo cổ người Ðức Alois A. Fuhrer và Khadga Samsher mới khai quật và phát hiện tại nơi đây một trụ đá có ghi khắc sắc lệnh của vua A Dục (Asoka), mới biết đây là nơi Đức Phật đản sinh.
Sau khi được các nhà khảo cổ xác nhận các chứng tích lịch sử, năm 1997, UNESCO đã chính thức công nhận Lâm Tỳ Ni là Di sản văn hóa của nhân loại.
Chiếc lá hình trái tim
Thái tử Siddhattha Gotama đã tu khổ hạnh trong 6 năm. Khi thân xác và tinh thần gần như đã đi đến cái chết, cũng là lúc Ngài nhận thấy lối tu khổ hạnh này chưa phải là cứu cánh giải thoát cho mình và cho chúng sinh.
Từ bỏ lối tu khổ hạnh, Ngài nhặt miếng vải liệm làm y phục và nhận bát cháo sữa từ người thiếu nữ Sujata dâng cúng. Sau đó ngài xuống sông Ni Liên Thuyền tắm gội sạch sẽ và thọ dụng thức ăn. Sức khoẻ dần bình phục, ngài thong thả đi đến cội cây bồ đề trải cỏ và thiền định.
Năm 574 trước công nguyên, dưới bóng cây bồ đề ở phía Nam thành Gaya, nước Ma Kiệt Đà (Magadha) thời Ấn Độ cổ đại, nay là vùng ngoại ô Bodhgaya, Thái tử Siddhattha đã trở thành Phật sau 49 ngày đêm ngồi thiền nhập định.
Chân trần, không điện thoại thông minh, chúng tôi bước vào nơi Đức Phật thiền định 49 ngày đêm dưới gốc cây bồ đề ở Bồ Đề Đạo Tràng bằng những bước chân rất nhẹ.
Tháp Đại Giác (Mahabodhi Vihar Temple) đứng sừng sững với chiều cao khoảng 52 mét, mỗi cạnh vuông là 15 mét, được vua A Dục (Asoka) xây dựng vào khoảng 250 năm sau khi Đức Phật nhập Niết bàn nhằm để tưởng niệm nơi thành đạo của Đức Phật Thích Ca.
Ngôi bảo tháp được bao bọc xung quanh bởi 4 tháp nhỏ với cấu trúc tương tự tháp nhọn, phía trên thờ xá lợi của Đức Phật, còn phần phía dưới là chính điện gọi là tháp Mahabodhi.
Cây bồ đề lịch sử nằm sau lưng tòa tháp, chung quanh có hàng rào bảo vệ, bao nhiêu thế kỷ đã trôi qua, vòm cây nguy nga, tán trùm rợp ra cả phía ngoài khuôn viên và người ta phải chống đỡ những cành ngang bằng trụ sắt.
Cây bồ đề này đã bị huỷ hoại nhiều lần, nhưng kỳ diệu, ở nơi mà nó bị huỷ diệt, sức sống mãnh liệt lại đâm lên những chồi non, sống mạnh mẽ đến bây giờ.
Khi chúng tôi làm lễ cây bồ đề mà Thái tử Tất Đạt Đa ngồi thiền 49 ngày, nhắm mắt, tôi cảm nhận được năng lượng đặc biệt từ vùng đất linh thiêng ấy.
Nhẹ nhõm, buông bỏ, hoan hỉ, đó là những trạng thái mà tôi cảm nhận được ở sự thay đổi trong mình. Thỉnh thoảng dưới gốc cây bồ đề rợp bóng mát ấy, người ta có thể nghe một tiếng rơi rất mỏng, một chiếc là bồ đề in hình trái tim rời cây đậu xuống bên cạnh bạn, như một thứ nhân duyên không thể lý giải.
Hành trình giác ngộ
Người dẫn đường đặc biệt của chúng tôi, Đại sứ Phạm Sanh Châu kể ông không phải là một người theo đạo Phật, nhưng là người tâm hướng Phật.
Trước khi có Phật giáo, Ấn Độ chưa từng biết đến sự bình đẳng. Nhưng Đức Phật đã làm một cuộc cách mạng chống lại những luật lệ xã hội áp bức đó và lên án hệ thống giai cấp. Đạo Phật đã đem đến tư tưởng của hòa bình, của lòng từ bi hỉ xả, giúp con người thoát khổ.
Và vì vậy, hành trình đến bốn thánh tích là hành trình mà những người hướng Phật, ngưỡng mộ đạo Phật, nên trải nghiệm ít nhất một lần trong đời.
Năm tuần sau khi giác ngộ dưới gốc cây Bồ đề, Ðức Phật đã đi từ Bồ Ðề Ðạo Tràng, vượt hơn 120 km để đến vườn Lộc Uyển ở bang Varanasi.
Ðến đây ngài đã thuyết giảng bài kinh “Tứ diệu đế” về quy luật tự nhiên của vạn vật cho năm vị tu sĩ khổ hạnh và cũng là những người bạn đồng tu khổ hạnh - năm anh em Kiều Trần Như, trong lần thuyết pháp đầu tiên.
Ðức Phật đã giác ngộ họ về nguyên nhân của sự khổ, con đường thoát khổ và Phật giáo bắt đầu từ đây được truyền bá rộng rãi.
Hình như, chúng tôi cũng đã được giác ngộ ít nhiều sau khi đọc bài kinh chuyển pháp luân tại chính nơi Đức Phật đã giảng bài kinh đầu tiên, cách đây gần 2600 năm.
Đôi khi, chỉ một chuyến đi, bạn có thể có những chuyển biến rất kinh ngạc về tâm trí và ý thức. Đặc biệt, khi vùng đất ấy mang đầy năng lượng của sự chuyển đổi.
Những thay đổi ấy, được cảm nhận rõ hơn khi chúng tôi đến Kushinagar (Câu Thi Na), nơi Đức Phật nhập niết bàn sau 49 năm thuyết pháp.
Đặt những đoá hoa tinh khôi buổi sớm mai nơi Đức Phật nằm xuống, đọc bài kinh chuyển pháp luân, bước ra khỏi tháp đại Niết Bàn, tôi thở một hơi thật sâu, tự nhiên, thấy mình đã có thể bỏ lại phía sau những hờn giận, âu lo, chỉ để nghĩ về những niềm vui, những điều tốt đẹp.
Bạch An Nhiên/ dantri.com.vn
Hôm nay, ngày 10/11/2024, Cuộc thi Giải toán trên máy tính cầm tay Lần thứ Nhất năm 2024 chính thức được phát...
Sáng ngày 6/7 tại Cần Thơ, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch thành phố Cần Thơ phối hợp với Liên Đoàn Cờ Việt...
Ngày 6/11/2023, tại Hà Nội diễn ra Lễ ký kết giữa Liên đoàn Cờ Việt Nam với Công ty Cổ phần MasterTran- nhãn...
Nằm cách trung tâm thủ đô Seoul của Hàn Quốc khoảng 35 phút đi tàu điện ngầm, công viên Seoul Land nằm ở...
Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, tối 18/3, đêm trao giải Cuộc thi Tiếng hát Người làm báo mở rộng năm...
Trải qua 4 tháng với nhiều vòng tuyển chọn, 18 tiết mục đặc sắc nhất đến từ 25 giọng ca chính thức tranh tài...
“Phiên chợ vùng cao” là hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội hoa Ban lần 6 do tỉnh Điện Biên tổ chức. Tham dự...
Thời điểm cuối tháng 2, sắc trắng tinh khôi của hoa sưa trở thành điểm nhấn phố phường Hà Nội.
Ngày 12/2 và 19/2 vừa qua, sự kiện HBDC Konnect thuộc mùa giải High School Best Dance Crew 2023 đã diễn ra...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định về việc xếp hạng Di tích cấp quốc gia đối với quần thể di...
Theo Thông tư 02/2023/TT-BYT sửa đổi Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm...
Trận động đất kinh hoàng xảy ra vào rạng sáng 6/2 (giờ địa phương) tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khiến hơn 11.000...