Mùa gặt luôn gợi nhiều cảm xúc trong mỗi người. Ảnh: Sơn Nam
Sinh ra từ vùng nông thôn, từ nhỏ tôi đã rất quen với công việc đồng áng, từ tiếng điều khiển trâu “vắt ra, vắt vào…” cho đến cách cấy từng cây mạ non sao cho thẳng hàng, đứng cây, rồi cách cầm liềm (hái) để cắt lúa sao cho "ngọt thớ" mà người lớn ân cần chỉ dạy mỗi khi thấy tôi lóng ngóng. Nhiều người qua đường vẫn bông đùa rằng “đàn ông cũng gặt…”. Thay vì bối rối, tôi lại thấy rất vui, thậm chí tự hào, bởi mình là con nhà nông mà không biết làm nông thì đó mới là điều thực sự xấu hổ.
Giờ vẫn còn đó những nguyên sơ, cảm giác khi được hòa mình vào mọi người gặt hái nhộn nhịp trên những cánh đồng làng quen thuộc. Nếu là người tinh tế, mỗi mùa lúa chín, người ta sẽ cảm nhận được rõ mùi hương tỏa ra từ những cánh đồng quê, mùi rơm rạ mới thơm lừng, hương cỏ mật trên đồng thơm mát, hòa vào những cơn gió đồng nội thổi về. Nếu được hít vào lồng ngực một hơi thật sâu, chúng ta sẽ cảm nhận rõ sự ấm áp, no đủ, khoan khoái lạ thường.
Vì thế, hương thơm trên đồng mùa lúa chín còn “gây nghiện” cho tôi những ngày đi học ở thành phố. Có buổi nhớ mùi hương quen thuộc ấy quá, tôi thường bớt chút thời gian buổi chiều đạp xe ra các cánh đồng ngoại thành ở Phú Xuyên (Hà Nội). Khi tới nơi, việc đầu tiên là tôi cố hít một hơi thật sâu để cảm nhận hương vị ngày mùa quen thuộc không bao giờ chán, sau đó nhắm nghiền mắt lại để dò tìm một hơi hướng, lập tức cảm giác quê nhà như bao bọc lấy tôi ở đâu đây. Và hình ảnh ký ức về người mẹ gầy tần tảo, ôm những bó lúa nơi thôn dã hiện ra trong mường tượng...
Quê hương là chốn để ta đi về. Người xa quê chỉ về đến đầu làng là đã được vơi đi rất nhiều nỗi nhớ quê. Những ngả đường quê phơi đầy rạ rơm, trải dài khắp các ngõ ngách vào tận giữa làng. Niềm vui ngày mùa – hẳn là niềm vui không của riêng ai, nhất là người sinh ra từ quê. Tôi đã cảm nhận được những hân hoan hiện qua từng gương mặt người, trong cảnh chồng trước vợ sau đun những xe lúa lặc lè về nhà. Rồi trước cửa nhà ai cũng có những sân lúa lớn như thảm vàng...
Con đường rơm mùa gặt. Ảnh: Trần Kháng
Thiên nhiên, tạo vật có rất nhiều hương vị đặc trưng, nhưng riêng mùi hương thơm tỏa ra từ những mùa lúa chín, mùi rơm rạ cứ quấn quýt, mùi khói rạ chiều hôm vấn vương bao tâm hồn, khi xa quê thì nhớ vô cùng...
Thường trong một năm sẽ có hai vụ lúa chính, và tôi yêu vụ mùa hơn, vì màu vàng của lúa vụ mùa bao giờ cũng đẹp và tươi tắn hơn. Cạnh đó, nó luôn gợi về một kí ức xa xăm trong tôi.
Nhớ lắm! Tuổi thơ của những đứa trẻ lam lũ thôn quê ngày xưa, niềm vui nhất là vào những buổi chiều rủ nhau đi mót lúa trên đồng, nhặt nhạnh những bông lúa rơi rớt còn sót lại trên những thửa ruộng chỉ còn trơ gốc rạ để về gom lấy hạt rang bỏng cốm, rồi vừa nhấm nháp, vừa rong ruổi đuổi nhau trên những cánh đồng mùa thu ngập sắc vàng.
Buổi chiều hôm nay cũng như bao buổi chiều của những ngày mùa, tôi bước ra cánh đồng ngoại thành. Cái cảm giác rộn ngợp, thích thú trước một màu vàng ruộm trải rộng đến mênh mông của biển lúa lại bồi tụ cho tôi những khoảnh khắc ngày thơ bé đã đi qua.
Ở đây, dường như bao nhiêu cái sắc vàng của nắng đã kết tinh, dồn cả vào từng hạt lúa, gọi đàn chim sẻ tìm về ríu rít nô đùa làm bạn với các bác nông dân. Những bông lúa to, dài uốn cong như lưỡi câu với những hạt tròn mẩy óng ả, tựa người thiếu nữ đang thả dáng độ xuân tràn trề.
Còn những cánh đồng vùng đồng bằng, nếu nhìn từ xa, không còn có thể phân biệt được đâu là bờ vùng bờ thửa. Những cánh đồng vàng như bất tận đưa cả mùa vàng quê hương gần gũi với tôi hơn.
Trên đường làng quê tôi giờ này là những xe công nông chở lúa chất cao ngất đầu người, chạy bon bon cùng với những nụ cười rạng rỡ và niềm vui khó giấu nổi hiện rõ trên từng nét mặt người, đó hẳn là sự phấn khởi trước mùa vàng bội thu. Không khí mùa vụ sao mà rộn rã như lời một bài hát tươi vui trong không khí thời chiến:
“Ngày mùa vui thôn trang,
Lúa reo như hát mừng.
Lúa không lo giặc về,
Khi mùa vàng thôn quê.
Ngày mùa vui thôn xóm,
Đầy đồng giáo với gươm,
Súng tỳ tay anh đứng,
Em ngừng liềm trông sang.
(Ngày mùa – Văn Cao)
Thật vậy! Mùa gặt không chỉ là mùa vui, mà đối với tôi là những ký ức thân thương gắn với những giọt mồ hôi ướt đầm vai áo cha và dáng mẹ gầy, với gánh lúa trĩu nặng oằn vai trên đường về nhà. Tôi nhớ từng cọng rơm vàng bà ngồi vuốt tỉ mẩn, bện những chiếc chổi để sử dụng dần cho đến mùa vụ sau. Nhớ cả từng hạt lúa tần tảo chắt bóp chất sống từ bao thớ đất để nuôi tôi khôn lớn nên người.
Tôi yêu tha thiết ngày mùa!
Trần Sơn Nam/ cpv.org.vn
Cận Tết, cả làng nghề Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) nhộn nhịp, tất bật, đi đến đâu cũng nghe tiếng đục đẽo lách...
Năm nay thời tiết khá thuận lợi, ít mưa có nắng hanh khô nên hầu hết các gốc bưởi Diễn của người dân Phú Diễn...
Các hoạt động của Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2022 cần được tổ chức trang trọng, sáng tạo, độc đáo thu hút...
Ngày 8/9, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội vinh dự được đề cử và nhận Giải thưởng “Điểm đến du...
Những ngày này, trong không khí Kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, 50 năm thực hiện Di...
Vở diễn "Tấm Cám" chuẩn bị cho dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6 tới của sân khấu Lệ Ngọc sẽ không có nhân vật Bụt mà...
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được thế giới công nhận là một trong những vị tướng lỗi lạc nhất mọi thời đại. Ông...
Chiều 27/4 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây phối hợp với Sở Thông...
Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2022 được tố chức từ ngày 29/4/2022 - 1/5/2022 tại khu vực tuyến phố đi bộ...
Sáng 16/4, tại Khu du lịch Ao Vua, UBND huyện Ba Vì tổ chức Lễ khai trương du lịch huyện Ba Vì năm 2022 với...
Trang tin chuyên về du lịch của Đức Travelbook.de vừa đăng bài viết nêu 6 điểm hấp dẫn khiến du khách phải...
Ngày 7/4, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội đã xây dựng phương án đón khách du lịch quốc tế trong...