80% thị phần đặt phòng ở Việt Nam thuộc về những trang web quốc tế |
Du lịch trực tuyến đã mang tới cho khách hàng những trải nghiệm mới. Thay vì phải đăng ký trực tiếp qua đại lý du lịch, giờ chỉ với một cú nhấp chuột là có thể đặt phòng, đặt vé máy bay, đặt tour…
Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trong 5 năm trở lại đây, nhu cầu tìm kiếm các thông tin về du lịch trên mạng tại Việt Nam tăng hơn 32 lần, trung bình mỗi tháng có hơn 5 triệu lượt tìm kiếm, những tháng cao điểm như mùa hè, số lượt truy cập có thể lên tới 8 triệu lượt.
Tuy nhiên, thực tế, các nền tảng du lịch trực tuyến Việt Nam vẫn ở thế yếu so với nước ngoài, cả về vốn và công nghệ, có nguy cơ “thua ngay trên sân nhà” trong cuộc cạnh tranh giành thị phần.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam. Ảnh: Hà Thu
Tại Ngày Du lịch trực tuyến 2019 diễn ra tại Hà Nội ngày 26.6, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam nhận định, các ứng dụng về công nghệ thông tin cũng như sử dụng các công cụ trực tuyến để phát triển du lịch đang nằm trong tay các công ty đầu tư nước ngoài, chứ ko nằm trong thế mạnh của các doanh nghiệp Việt.
Các đại biểu tại thảo luận tại Ngày du lịch trực tuyến 2019. Ảnh: Hà Thu
Theo thống kê, hiện hai trang web quốc tế là Agoda và Booking.com đang chiếm đến 80% thị phần đặt phòng ở Việt Nam. Cụ thể, Agoda có hơn 7.600 khách sạn đối tác ở Việt Nam, còn Booking.com cũng có hơn 6.000 khách sạn đối tác. Trong khi đó, việc tiếp cận đối tác Việt của các nền tảng du lịch trực tuyến như Gotadi, TripU của Việt Nam còn chưa hiệu quả.
Anh Dũng, đại diện khách sạn Palmy Hà Nội, một trong những đối tác lớn của booking.com tại Việt Nam chia sẻ: “Hiện nay, 87% công suất phòng của khách sạn chúng tôi được bán qua booking.com. Họ hỗ trợ chúng tôi rất nhiều về quảng bá trên các trang mạng như facebook. Ví dụ khi tôi ấn tìm kiếm khách sạn của tôi trên facebook, sẽ hiện ra một loạt khách sạn phố cổ xung quanh và khách sạn của tôi hiện ra ngay trang đầu tiên."
"Chúng tôi cũng muốn dùng những platform của Việt Nam, ủng hộ sản phẩm của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam phải chứng minh được sự hiệu quả của mình, nếu chúng tôi bán sản phẩm cho Gotadi và TripU, liệu sẽ có những ưu điểm hơn so với booking.com?” anh Dũng đặt câu hỏi.
“Doanh nghiệp chuyển đổi, Nhà nước cũng phải chuyển đổi?” |
Trong quá trình chuyển đổi từ kinh doanh du lịch từ offline sang online, thực tế doanh nghiệp Việt Nam rất khó khăn trong cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài về cả nguồn nhân lực, nguồn vốn và quan trọng nhất là sự hỗ trợ cơ chế của Nhà nước.
“Các đối thủ nước ngoài rất mạnh, hơn chúng ta đủ mọi thứ. Đến Việt Nam, họ canh tranh bằng đủ mọi hình thức, kể cả mua 10, bán 7,8… Do đó, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp khó có thể cạnh tranh công bằng được.” – ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch Gotadi chia sẻ.
Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch Gotadi. Ảnh: Hà Thu
Chưa kể đến sự hỗ trợ cơ chế kinh doanh, việc quản lý thủ tục hành chính trong lĩnh vực du lịch hiện nay cũng còn khá rườm rà, chưa thực sự tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Ông Minh Thế Long, Giám đốc điều hành Công ty Kim Liên nêu ví dụ, theo quy định, mỗi tháng các doanh nghiệp phải nộp báo cáo ngành định kỳ trực tiếp tại Sở du lịch Hà Nội. Có rất nhiều doanh nghiệp từ Ba Vì, Chùa Hương...hàng tháng đều phải về HN nộp báo cáo trực tiếp để có được con dấu xác nhận là đã nộp?
"Chưa nói đến phát triển du lịch trực tuyến, tôi chỉ mong Sở Du lịch Hà Nội chấp thuận phương án báo cáo online để doanh nghiệp du lịch bớt khó khăn,” ông Long đề nghị.
Tại Ngày du lịch trực tuyến 2019, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh: “Chuyển đổi hình thức du lịch truyền thống sang trực tuyến là xu hướng tất yếu của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, không chỉ doanh nghiệp du lịch chuyển đổi mà Nhà nước cũng phải chuyển đổi. Hiện nay có những vi phạm trên mạng trực tuyến chúng ta chưa xử lý được triệt để do chưa có sự quan tâm, đầu tư tương xứng. Cơ quan Nhà nước cần đặt ra một chiến lược chuyển đổi cách quản lý rõ ràng.”
Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát biểu tại Ngày du lịch trực tuyến 2019. Ảnh: Hà Thu
Với tiềm năng về cảnh quan, văn hóa và ẩm thực, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, thực tế, quy mô thị trường du lịch của việt Nam mới đứng thứ 5/6 nước được xếp hạng trong khu vực, xếp thứ 4 về tốc độ tăng trưởng sau Indonesia, Thái Lan, Singapore.
Báo cáo mới nhất của Google và Temasek cho thấy, quy mô du lịch trực tuyến Việt Nam năm 2018 đạt 3,5 tỷ USD (tăng trưởng 15%), năm 2025 có khả năng đạt doanh thu 9 tỷ USD. Cần rất nhiều việc phải làm để du lịch trực tuyến có thể đạt đến mục tiêu đó./.
Anh Vũ/ Vietnam Journey
Cận Tết, cả làng nghề Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) nhộn nhịp, tất bật, đi đến đâu cũng nghe tiếng đục đẽo lách...
Năm nay thời tiết khá thuận lợi, ít mưa có nắng hanh khô nên hầu hết các gốc bưởi Diễn của người dân Phú Diễn...
Các hoạt động của Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2022 cần được tổ chức trang trọng, sáng tạo, độc đáo thu hút...
Ngày 8/9, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội vinh dự được đề cử và nhận Giải thưởng “Điểm đến du...
Những ngày này, trong không khí Kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, 50 năm thực hiện Di...
Vở diễn "Tấm Cám" chuẩn bị cho dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6 tới của sân khấu Lệ Ngọc sẽ không có nhân vật Bụt mà...
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được thế giới công nhận là một trong những vị tướng lỗi lạc nhất mọi thời đại. Ông...
Chiều 27/4 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây phối hợp với Sở Thông...
Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2022 được tố chức từ ngày 29/4/2022 - 1/5/2022 tại khu vực tuyến phố đi bộ...
Sáng 16/4, tại Khu du lịch Ao Vua, UBND huyện Ba Vì tổ chức Lễ khai trương du lịch huyện Ba Vì năm 2022 với...
Trang tin chuyên về du lịch của Đức Travelbook.de vừa đăng bài viết nêu 6 điểm hấp dẫn khiến du khách phải...
Ngày 7/4, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội đã xây dựng phương án đón khách du lịch quốc tế trong...