Con đèo bi hùng và lãng mạn
Đèo Ngang nằm trên dãy núi Hoành Sơn - dải núi chạy từ dãy Trường Sơn phía tây đâm ngang ra tới biển Đông. Do tính chất địa lý và địa hình đặc biệt như vậy nên từ xưa Hoành Sơn và đèo Ngang luôn là chốt giữ hiểm yếu trên con đường thiên lý Bắc - Nam. Qua những thăng trầm của lịch sử và bao cuộc chiến tranh, ngày nay đèo Ngang là ranh giới giữa tỉnh Hà Tĩnh (phía bắc, thuộc xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh) và tỉnh Quảng Bình (phía nam, thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch).
Sách Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn), quyển 4 - Đạo Hà Tĩnh chép về Hoành Sơn và đèo Ngang như sau: “Hoành Sơn: Ở địa phận xã Hoằng Lễ về phía nam huyện Kỳ Anh, là chỗ phân chia địa giới giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, một dải núi liên tiếp chắn ngang đến biển; phía đông có núi Đao, đường quan đi qua trên núi, xưa là chỗ phân định địa giới giữa Giao Chỉ và Chiêm Thành, ở đây có thành bằng đá”.
“Đường quan đi trên núi” như trong sách chép chính là đèo Ngang. Con đèo này có chiều dài 6km, cao 256m so với mực nước biển, đường dốc quanh co, hiểm trở, rất khó đi. Khởi nguyên, đèo Ngang qua dãy Hoành Sơn được xây dựng năm 992, dưới sự chỉ đạo của Ngô Tử An, một quan đại thần thời tiền Lê. Trong lịch sử, đèo Ngang từng nhiều lần là nơi giao chiến giữa hai quốc gia Đại Việt và Chăm Pa.
Đèo Ngang và dãy Hoành Sơn còn gắn liền với việc tiên chúa Nguyễn Hoàng nghe lời sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, vượt dãy Hoành Sơn vào trấn thủ Thuận Hóa (năm 1558), mở mang bờ cõi và lập nên nhà Nguyễn sau này. Trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh giữa Đàng Ngoài - Đàng Trong (1570 - 1786), sông Gianh thuộc Quảng Bình là ranh giới phân chia Nam - Bắc, nhưng chốt án ngữ quan trọng của quân Trịnh ở bờ bắc chính là đèo Ngang.
Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi, lập nên triều Nguyễn và đóng đô ở Phú Xuân (Huế) thì đèo Ngang với dãy Hoành Sơn vẫn là một điểm trấn thủ quan trọng ở mặt bắc. Năm Minh Mạng thứ 14 (1833), vua cho xây Hoành Sơn quan trên đỉnh đèo Ngang. Cùng với Hải Vân quan ở mặt nam (trên đèo Hải Vân - ranh giới giữa Huế và Đà Nẵng) và Trấn Hải thành ở mặt đông (cửa biển Thuận An), Hoành Sơn quan ở mặt bắc là biểu tượng của cửa ngõ vào đất kinh sư. Năm Mậu Tuất, Minh Mạng thứ 19 (1838), vua cho đúc 9 đỉnh đồng lớn (cửu đỉnh) đặt ở Đại Nội (Huế), hình tượng Hoành Sơn - đèo Ngang được chọn khắc vào “Huyền đỉnh”.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ ở thế kỷ XX, đèo Ngang là trọng điểm đánh phá ác liệt. Đây là nơi chứng kiến bao cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của lực lượng thanh niên xung phong và bộ đội công binh ngày đêm bám trụ để giữ cho mạch máu giao thông thông suốt. Mặc dù có lịch sử bi hùng nhưng đèo Ngang vẫn được coi là con đèo đậm chất thi ca lãng mạn nhất Việt Nam, là cảm hứng của bao văn nhân thi sĩ, trong đó có bài thơ Qua đèo Ngang nổi tiếng của Bà huyện Thanh Quan...
Điểm du lịch tiềm năng
Đã hơn một ngàn năm từ khi con đường đèo trên dãy Hoành Sơn được mở, đèo Ngang bây giờ đã khác xưa, cảnh vật không còn hoang sơ, u tịch như trước. Dưới chân núi, người đã đông hơn, nhà cửa cũng nhiều hơn. Con đường thiên lý xưa giờ là đường quốc lộ xe chạy suốt ngày đêm. Các phương tiện không còn phải vất vả leo đèo nhờ hầm đường bộ Đèo Ngang xuyên lòng núi được hoàn thành năm 2004 đã rút bớt quãng đường đèo dốc quanh co dài 6km thành đoạn đường bằng phẳng dài 500m. Nhưng vẫn còn đó những dấu ấn lịch sử không phai mờ. Dưới chân đèo phía nam thuộc địa phận Quảng Bình có đền thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh, một trong “tứ bất tử” của người Việt. Và trên đỉnh đèo, Hoành Sơn quan vẫn sừng sững, uy nghiêm giữa đất trời.
Mặc dù là danh thắng quốc gia nhưng đèo Ngang hiện vẫn là điểm du lịch chưa được khai thác nhiều bởi một số hạn chế. Đó là khoảng cách khá xa tới thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), cách 75km về phía bắc, và thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), cách 80km về phía nam. Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch còn khiêm tốn.
Tuy nhiên, những năm gần đây ngành Du lịch của tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình đã quan tâm nhiều tới điểm đến này, đưa đèo Ngang vào một số tour tham quan. Chị Trần Hoàng Lan, du khách ở thành phố Huế bày tỏ: “Tôi tới đèo Ngang theo lời giới thiệu của nhân viên khách sạn khi đi du lịch Hà Tĩnh. Quả thật, phong cảnh đèo Ngang rất đẹp và lãng mạn. Dù còn rất hoang sơ nhưng đó lại là điều hấp dẫn đối với tôi”.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, tầm nhìn 2025, Khu di tích - danh thắng đèo Ngang cùng với Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nằm trong tuyến du lịch được quy hoạch là một trong những sản phẩm du lịch chính.
Hiện đã có một số đơn vị lữ hành thiết kế tour du lịch tâm linh 1 ngày với các điểm đến: Viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đèo Ngang, đền Thánh mẫu Liễu Hạnh và bãi biển Đá Nhảy. Anh Trần Văn Bình, hướng dẫn viên du lịch ở Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết: “Thời gian gần đây nhiều người đến với đèo Ngang hơn, có cả các bạn trẻ đi “phượt” riêng lẻ và các tour theo đoàn. Tôi cũng thường dẫn khách đi tuyến này. Đây là một tuyến du lịch tiềm năng và sẽ phát triển trong tương lai”...
Với vẻ đẹp riêng có cùng những lợi thế nhất định, đi kèm với những giải pháp, chiến lược phát triển du lịch đồng bộ cùng sự liên kết giữa hai tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình, chắc chắn đèo Ngang sẽ trở thành điểm đến thu hút du khách trong tương lai...
Theo hanoimoi.com.vn
Tỉnh Quảng Bình vừa cho phép thử nghiệm sản phẩm du lịch “Trải nghiệm cuộc sống mùa lụt” tại xã Tân Hóa,...
Dịp đầu năm Nhâm Dần 2022, du lịch Quảng Bình đã đón hơn 33.000 lượt khách tham quan. Kích cầu du lịch, tỉnh...
Theo Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, tới ngày 11/1, đơn vị khai thác duy nhất sản phẩm du lịch “Chinh phục Sơn...
Tỉnh Quảng Bình đã đồng ý giảm từ 20 - 50% giá vé tham quan một số sản phẩm du lịch tại tỉnh này.
Sáng 1/1, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình phối hợp với Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng tổ chức lễ đón những...
Quảng Bình và các doanh nghiệp du lịch sẽ thực hiện giảm sâu mức thu phí, giá các dịch vụ tham quan danh lam...
Tỉnh Quảng Bình sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình "Chào đón năm mới 2022" với chuỗi sự kiện...
Các điểm, tour tuyến du lịch tại tỉnh Quảng Bình đã trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới, du...
Chương trình chào đón năm mới 2022 là sự kiện nổi bật để đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, phát động...
Tối 15/10, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình phối hợp với Công ty TNHH MTV Chua Me Đất tổ chức đón đoàn khách du...
Tỉnh Quảng Bình quyết định thí điểm triển khai các hoạt động du lịch xanh, du lịch theo nhóm, theo gia đình...
Ngày 29/9, tại Ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng,...