Cách đây 6 năm, kịch bản sân khấu “Chuyện tình Khau Vai” của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ được NSND Triệu Trung Kiên chuyển thể thành tác phẩm cải lương cùng tên, được nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng biểu diễn ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Mối tình trong truyền thuyết giữa nàng Út và chàng Ba, mối tình bất hủ trong đời sống tinh thần của con người vùng cao nguyên đá được tái hiện sống động trong kịch bản sân khấu “Chuyện tình Khau Vai”.
Tiểu thuyết "Chuyện tình Khau Vai" của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ
Và giờ đây được tác giả phát triển lớp lang hơn trong tiểu thuyết cùng tên do NXB Văn học vừa ấn hành. Tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã dày công xây dựng “Chuyện tình Khau Vai” trở thành cuốn tiểu thuyết độc đáo, vượt qua các mô típ quen thuộc của tiểu thuyết tình yêu để tạo nên sự hấp dẫn, giữ được độc giả tới trang cuối cùng.
Cùng với phiên bản được dàn dựng và biểu diễn ở phía Bắc từ năm 2013, tháng 6 năm 2019, NSND Triệu Trung Kiên, Quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam đã dựng một phiên bản mới của vở cải lương “Chuyện tình Khau Vai” giới thiệu tới khán giả phía Nam. Anh cho biết nhóm sáng tạo mong muốn làm phong phú thêm không gian truyền tải của “Chuyện tình Khau Vai” bởi câu chuyện độc đáo này khơi gợi cảm xúc của khán giả.
“Chuyện tình Khau Vai” giống như Romeo & Juliet của phương Tây, một chuyện tình hay, độc đáo duy nhất trên thế giới cho nên chúng tôi muốn “Chuyện tình Khau Vai” phải tạo nên một nét văn hoá mà người Việt Nam nào cũng biết. Tại sao khi nàng Út trong vở “Chuyện tình Khau Vai” chết đi, người ta lại thương xót đến thế, tác phẩm phải khơi gợi cho người ta cảm xúc”, NSND Triệu Trung Kiên chia sẻ.
Câu chuyện tình yêu đẹp và bi tráng giữa chàng Ba và nàng Út đã chiếm trọn cảm tình của khán giả
"Khâu Vai" là tên gọi của một xã thuộc huyện Mèo Vạc, huyện xa nhất của tỉnh Hà Giang. Người Nùng thường gọi Khâu Vai là Khau Vai nghĩa là rừng mây hoặc đèo mây, cũng có ý nói tình cảm của đôi trai gái gắn bó quấn quýt như cây song, cây mây trên các ngọn núi quanh vùng. Nơi đây khoảng 100 năm nay đã diễn ra phiên chợ "Phong lưu" mà người Nùng, người Giáy gọi là "Pày hửa liu" nghĩa là đi chợ phong lưu còn người Mông gọi là "Mù cửa khư phong lìu" cũng có nghĩa là đi chợ phong lưu sau gọi là Chợ tình Khau Vai. Phiên chợ gắn với câu chuyện tình dang dở của đôi trai gái yêu nhau mà không lấy được nhau tạo nên sức hấp dẫn lạ kì, đi vào tâm thức không chỉ với những chủ nhân của cao nguyên đá độc nhất vô nhị này.
Không biết phiên chợ Khau Vai đã bao nhiêu tuổi để những mối tình thức ngủ với thời gian. Lấy cảm hứng từ mối tình trong truyền thuyết ấy, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ đã viết một bài thơ có tên “Góc nhỏ Khau Vai” rồi dần phát triển thành kịch bản sân khấu, rồi giờ đây là tiểu thuyết “Chuyện tình Khau Vai”. Ông kể lại: “Năm 1997, lần đầu tiên tôi lên với cao nguyên đá Đồng Văn và về chợ tình Khau Vai. Hình như trên thế giới, đến bây giờ không có chợ tình nào như chợ tình Khau Vai. Chợ tình này là dành cho những người đã có vợ, có chồng. Hàng năm vào ngày 27/3 âm lịch, gặp gỡ hàn huyên với người yêu cũ của mình. Nhiều khi ta nói đến các dân tộc thiểu số, cứ nghĩ rằng là họ có thể lạc hậu hơn, đi theo sau nhưng với chợ tình Khau Vai, tôi nghĩ là họ hơn hẳn người Kinh và thậm chí là họ hơn hẳn các nước văn minh khác. Từ chợ tình Khau Vai, tôi có viết bài thơ “Góc nhỏ Khau Vai”:
“Tháng Ba Khau Vai hò hẹn
Chợ tình chẳng mua chẳng bán
Vẹn nguyên lối cũ góc xưa
Vẹn nguyên chín đợi mười chờ
Vẹn nguyên tình đầu dang dở
Gom nhặt cả điều lầm lỡ
Thành men kỉ niệm chiều nay...”
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ từ mối tình trong truyền thuyết ở phiên chợ tình, ông đã viết nên bài thơ có tên "Góc nhỏ Khau Vai" rồi dần phát triển thành kịch bản sân khấu và tiểu thuyết "Chuyện tình Khau Vai"
Tiểu thuyết “Chuyện tình Khau Vai” được xây dựng có đầu cuối lớp lang hơn, không chỉ còn là truyền thuyết truyền miệng kể vài câu là hết. Khác biệt với các mô típ thường thấy trong tiểu thuyết về đề tài tình yêu là bi kịch hoặc kết thúc có hậu. Câu chuyện tình giữa nàng Út, con tộc trưởng dân tộc Giáy và chàng trai tên Ba, người dân tộc Nùng là một bi kịch nhưng cái kết lại đẩy đến một cái hậu khác lạ. Đôi trai gái mãi mãi chia lìa song lời hẹn thề sẽ gặp nhau mỗi năm một lần trong phiên chợ Khau Vai đã được thời gian giữ lại cho tới tận hôm nay. Những người còn sống ở thế hệ nối tiếp đã tiếp tục nối dài cuộc hò hẹn ấy làm nên một phiên chợ có một không hai trên thế giới.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ đánh giá, cùng với mô típ mang tính phát hiện, việc tác giả xây dựng hệ thống nhân vật trong “Chuyện tình Khau Vai” cũng là điểm độc đáo. Ở đây tác giả đã tạo thêm nhân vật trung tâm là tộc trưởng của người Giáy bên cạnh các nhân vật chính, phát triển câu chuyện xung quanh hệ thống nhân vật này, vừa đảm bảo tính logic, vừa khiến câu chuyện thêm sinh động, hấp dẫn đến trang cuối cùng.
Người đọc sẽ thấy ở “Chuyện tình Khau Vai” không khí của vùng cao Tây Bắc, văn hoá dân tộc bản địa qua những đoạn thoại ngắn trực diện, giàu ngữ điệu và qua các trường đoạn về đám ma, đám cưới của đồng bào Giáy, Nùng: đó là trường đoạn về đám ma của mẹ Út và đám cưới của Út. Tác giả tái hiện tinh tế tập tục của đồng bào dân tộc thiểu số chứ không đơn thuần là kể chuyện sao cho hiện thực trong tiểu thuyết gần với sự thật của đời sống. Đọc “Chuyện tình Khau Vai” ta đau đáu trong lòng cảm giác luyến tiếc cho những chuyện tình dang dở nhưng ta lại ánh lên một niềm vui vì tấm lòng bao dung của người vợ, người chồng chấp nhận cho người chung chăn gối tìm lại với người xưa ở một phiên chợ. “Cuộc đời hạnh phúc buồn đau/ Khau Vai đến hẹn tìm nhau chợ tình”.
Tác giả Nguyễn Thế Kỷ có lẽ là cán bộ chính trị cao cấp ít ỏi hiện nay vừa làm quản lý vừa say mê nghiên cứu lý luận và sáng tạo văn học nghệ thuật. Liên tục từ năm 2013 đến nay ông đã viết thành công tập sách dày dặn lý luận về văn hoá, văn nghệ, 2 tập thơ, 7 kịch bản sân khấu được nhiều nhà hát ngoài Bắc, trong Nam dàn dựng và biểu diễn: đó là “Chuyện tình Khau Vai”, “Mai Hắc Đế”, “Hừng đông”, “Hoa lửa Truông Bồn”, “Huyền thoại Gò Rồng Ấp”, “Ngàn năm mây trắng”,...
NSƯT Bùi Thục Anh, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Văn hoá văn nghệ Trung Ương khâm phục sức sáng tạo của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: “Những năm tháng trước, khi còn làm ở Ban Tuyên giáo Trung Ương, mặc dù là nghệ sĩ thật, có những thời gian sáng tác vô cùng vất vả để có những vở hay. Thế nhưng anh Kỷ làm công tác ở địa vị là một nhà chính trị mà đã dành thời gian sau những giờ phút căng thẳng để sáng tác, để viết. Bản thân là một nghệ sĩ, tôi vô cùng khâm phục. Bằng tấm lòng chia sẻ của người nghệ sĩ, tôi thấy rằng anh là một người rất yêu nghệ thuật”.
Sau tiểu thuyết đầu tay “Chuyện tình Khau Vai”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ sẽ lần lượt tổ chức lại các kịch bản sân khấu, bổ sung thêm các tình tiết, tình huống và nhân vật, sáng tạo một số cuốn tiểu thuyết cùng tên hoặc khác tên để giới thiệu đến độc giả./.
Ái Kiều/VOV1 (VOV.VN)
Hôm nay, ngày 10/11/2024, Cuộc thi Giải toán trên máy tính cầm tay Lần thứ Nhất năm 2024 chính thức được phát...
Sáng ngày 6/7 tại Cần Thơ, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch thành phố Cần Thơ phối hợp với Liên Đoàn Cờ Việt...
Ngày 6/11/2023, tại Hà Nội diễn ra Lễ ký kết giữa Liên đoàn Cờ Việt Nam với Công ty Cổ phần MasterTran- nhãn...
Nằm cách trung tâm thủ đô Seoul của Hàn Quốc khoảng 35 phút đi tàu điện ngầm, công viên Seoul Land nằm ở...
Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, tối 18/3, đêm trao giải Cuộc thi Tiếng hát Người làm báo mở rộng năm...
Trải qua 4 tháng với nhiều vòng tuyển chọn, 18 tiết mục đặc sắc nhất đến từ 25 giọng ca chính thức tranh tài...
“Phiên chợ vùng cao” là hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội hoa Ban lần 6 do tỉnh Điện Biên tổ chức. Tham dự...
Thời điểm cuối tháng 2, sắc trắng tinh khôi của hoa sưa trở thành điểm nhấn phố phường Hà Nội.
Ngày 12/2 và 19/2 vừa qua, sự kiện HBDC Konnect thuộc mùa giải High School Best Dance Crew 2023 đã diễn ra...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định về việc xếp hạng Di tích cấp quốc gia đối với quần thể di...
Theo Thông tư 02/2023/TT-BYT sửa đổi Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm...
Trận động đất kinh hoàng xảy ra vào rạng sáng 6/2 (giờ địa phương) tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khiến hơn 11.000...