Khi vụ mùa thu hoạch xong, bà con dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, huyện A Lưới rộn ràng đón Tết Aza, cầu mong sự no ấm, sung túc đến với mọi nhà. Đây chính là di sản văn hóa tốt đẹp vừa Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bà con dâng sản vật cúng Giàng tại Nhà Dài
Cuối năm, thu hoạch xong mùa màng trên nương rẫy, các bản làng của đồng bào dân tộc Pa Cô, Tà Ôi ở huyện vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế rộn ràng đón Tết Aza, tạ ơn trời đất, thần linh. Già làng Hồ Văn Im, ở làng Pe Đụt, xã Hồng Trung, huyện A Lưới kể, Tết Aza còn được gọi là Lễ mừng cơm mới sau một năm lam lũ cùng nương rẫy. Không khí chuẩn bị Tết Aza chộn rộn khắp nơi. Đàn ông vào rừng đi săn, bắt cá; phụ nữ xay gạo làm bánh A Quát, dệt những tấm Zèng đẹp mắt dâng lên Giàng và làm quà Tết cho cả gia đình. Trước khi diễn ra lễ chính thức của làng, các gia đình, dòng họ tổ chức cúng tại nhà riêng.
Các lễ vật cúng Zàng tại lễ hội Aza Konh của người Pa Cô
Già làng Hồ Văn Im, cho biết thêm: Các già làng trong dòng họ đến từng gia đình, cầu chúc sức khỏe cho mọi người. Sau đó, các gia đình, họ tộc trong làng đưa lễ vật đến Nhà Dài cùng thực hiện nghi thức cúng chung của làng và đãi khách: “Vật lễ cúng mâm Giàng có các loại bắp, bí, lúa. Các loại thịt là thịt dê, lợn rồi gà…Vật lễ đó phải đầy đủ”.
Các sản vật mà bà con làm ra được dâng cúng tại lễ hội Aza Koonh
Lễ hội Aza có hai loại Aza Kăn và Aza Koonh. Aza Kăn được bà con tổ chức từng năm với quy mô hộ gia đình. Còn lễ hội Aza Koonh được tổ chức quy mô của làng, thường từ 3 đến 5 năm một lần, khi được mùa hoặc cuộc sống của bà con ấm no, đủ đầy. Đây là lễ hội lớn có tổ chức các nghi lễ đâm trâu, số lượng khách mời đông, từ con cháu trong làng ở xa và các già làng, trưởng họ, bạn bè của các làng kết nghĩa đến dự. Những lễ vật để cúng Giàng như: chuột hang, thịt nai, lợn, cá suối, gà trống luộc, cơm nếp được nướng trong ống tre, rượu đoác,… Già làng Hồ Văn Hạnh, người dân Pa Cô cho rằng, lễ Aza mọi người cùng cầu mong no ấm, sung túc, năm mới làm ăn phát đạt: “Quá trình lao động sản xuất mệt nhọc trong năm, cuối năm tổ chức cái lễ hội Aza chung của cả dòng tộc trong làng. Từ trong gia đình cho đến tập thể để cầu các thần linh, tạ ơn các thần linh trong năm vừa rồi và cầu mong thần linh phù hộ đến năm sau khí hậu ôn hòa, lúa, ngô của bà con được tốt tươi, cho nhiều hạt thóc, hạt gạo”.
Dâng lễ vật để cúng Giàng tại lễ hội Aza Koonh làng A Năm xã Hồng Vân, huyện A Lưới
Nhiều năm gần đây, thực hiện nếp sống mới, Lễ Aza Koonh không còn đâm trâu nữa, thay vào đó, đồng bào dâng lễ vật con dê. Vào ngày Tết Aza Koonh, các chàng trai, cô gái của làng mặc những bộ trang phục đẹp nhất hòa trong điệu múa, điệu nhảy, gắn kết tình anh em, bè bạn, cầu mong một mùa cơm mới no ấm, bản làng yên vui. Vào dịp lễ hội, để cầu cho một năm mới mùa màng bội thu, người dân thường phóng loại hoa tre lên trần nhà, mái nhà hay lên những tấm zèng. Nếu hoa tre không rơi xuống có nghĩa là những mong ước cho một năm mới sung túc đã được các thần linh, các Giàng chấp nhận.
Bà Lê Thị Thêm, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới cho hay: Lễ hội Aza tập trung khá đầy đủ các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian như: âm nhạc, múa, hội họa... mang đậm đặc trưng truyền thống, bản sắc của dân tộc Pa Cô: “Lễ Aza Koonh là một trong những lễ hội lớn của đồng bào dân tộc Pa Cô. Lễ Aza Koonh thường tổ chức trong khoảng từ 5 năm/lần. Khi bà con trong làng được bội thu, sức khỏe, ấm no hạnh phúc, thì lúc đó để tạ ơn thần lúa, mẹ lúa đã phù hộ cho dân làng được ấm no, với ý nghĩa đó bà con trong làng tiến hành tổ chức lễ hội Aza Koonh. Đến thời điểm bây giờ, lễ hội này được bảo tồn nguyên vẹn về giá trị, về quy mô trong cộng đồng”.
Người dân chuẩn bị lễ vật trong lê hội Aza Kooh của người Pa Cô
Trong lễ Aza Koonh, người Pa Cô còn tôn vinh và tạ ơn các vị thần như: thần trời, đất, gió, mưa, sấm chớp, lửa, nước... Lễ hội Aza Koonh trở thành một nét đẹp thể hiện tính nhân văn giữa con người với các thế lực siêu nhiên, đặc biệt là thần lúa cùng các vị thần đã che chở cho người dân trong cuộc sống thường nhật. Ngày tết Aza còn là dịp để mọi người trong các bản làng thể hiện tình đoàn kết, xóa đi những mâu thuẫn, bất đồng và chung sức, chung lòng, xây dựng bản làng no ấm.
Nhà Dài (Đung Târ Đăh) của người Pa Cô, nơi bà con tổ chức lễ hội Aza
Ông Lê Anh Tuấn, Phó Phân viện trưởng, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế, cho biết: Với những nét riêng có và đặc sắc của mình, lễ hội Aza Koonh đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhằm bảo tồn và phát huy một lễ hội thiêng liêng nơi đại ngàn Trường Sơn: “Lễ hội Aza Koonh của người Pa Cô ở huyện A Lưới, tổ chức theo chu kỳ từ 3-5 năm, với hai ý nghĩa quan trọng đó là tạ ơn và cầu mùa. Khi vụ mùa kết thúc thì đó cũng là dịp mà người dân họ tổ chức lễ giống như lễ Tết của người Kinh ở vùng đồng bằng. Đây là nghi lễ phản ánh nguồn gốc cũng như nền tảng văn hóa của cư dân nương rẫy. Chính vì vậy trong lễ hội Aza Koonh vị thần được thờ cúng chính là vị thần lúa”.
Bếp lửa than không thể thiếu trong lễ hội Aza của người Pa Cô
Không khí rộn ràng của Tết Aza đang bừng lên trên khắp các bản làng xa xôi giữa đại ngàn Trường Sơn. Sắc xuân ấm áp cùng những lời ca, điệu múa đặc sắc, đắm say lòng người./.
Lê Hiếu/VOV-Miền Trung/VOV.VN
Quần thể Di tích Cố đô Huế tập hợp các công trình kiến trúc đồ sộ, nằm rải rác trên địa bàn rộng với nhiều...
Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế vừa thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Tu bổ, tôn...
Tỉnh Thừa Thiên Huế miễn phí tham quan đối với công dân Việt Nam khi tham quan các điểm di tích thuộc Quần...
Trong 2 ngày 26 và 27/7, Chương trình Trại hè Việt Nam 2022 tổ chức một số hoạt động tại thành phố Huế, tỉnh...
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế có...
Ngành Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế vừa hợp tác, xúc tiến khai thác thị trường khách Thái Lan đến Huế bằng...
Tối 30/6 tại Cồn Dã Viên, đêm gala giã bạn “Chào Huế!" khép lại tuần lễ trọng điểm Festival Huế 2022 - “Di...
Tuần lễ Festival Huế 2022 chủ đề "Di sản văn hoá với hội nhập và phát triển" đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong...
Tối ngày 27/6, trong không gian di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Chăm Phú Diên, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên...
Tuần lễ Festival Huế 2022 diễn ra từ 25 đến 30/6 đang mang đến cho cộng đồng, du khách những trải nghiệm thú...
Nằm trong chuỗi sự kiện của Tuần lễ Festival Huế 2022, tối 23/6, tại Công viên Thương Bạc, thành phố Huế,...
Festival Huế 2022 được tổ chức với nhiều chương trình, hoạt động mang tầm quốc gia, quốc tế, dự kiến thu hút...