Sắc màu làng nghề
Cùng với nhiều làng nghề ở Nam Định, người dân thôn Nhất vẫn lưu luyến với nghề làm khăn xếp của cha ông..
Lần theo những ghi chép ở địa phương và lời kể của các bậc cao niên ở thôn Nhất thì từ lâu, khăn xếp của thôn đã có mặt trên thị trường khắp cả nước. Theo các nghệ nhân thôn Nhất, khăn xếp có 3 loại: khăn dành cho nam, cho nữ và loại khăn cả nam và nữ đều đội được.
Trước đây khăn xếp chủ yếu được làm với duy nhất một màu đen cho đàn ông đội, nhưng để thích ứng với nhu cầu của xã hội, khăn xếp dần dần được chuyển sang đủ các loại màu và mẫu mã cho các mục đích sử dụng khác nhau. Ngoài khăn đội bình thường, còn có các loại khăn nam, nữ dùng cho việc tế, lễ, phục vụ lễ hội; và các loại khăn được sử dụng trong các vở diễn nghệ thuật dân tộc như chèo, tuồng, hát chầu văn…
Làm một chiếc khăn xếp có tới 7 công đoạn và đòi hỏi sự cần mẫn, tỉ mẩn. Ảnh: Viết Dư
Quy trình làm một chiếc khăn xếp có tới 7 công đoạn, như: cắt vải, máy, quấn, vẽ hoa... Đặc biệt, trong khâu quấn xếp, người làm phải cần mẫn, tỉ mỉ, chặt tay để các nếp không bị xô lệch và đều tăm tắp. Anh Đoàn Văn Phi (thôn Nhất) đã có mấy chục năm gắn bó với nghề làm khăn xếp, chia sẻ: “Đây là phần việc khó, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm nhất trong cả quy trình làm khăn xếp. Một chiếc khăn xếp sau khi hoàn thành phải chắc chắn, độ dày các lớp phải đều nhau, cao độ của từng lớp phải hợp lý. Những người chưa có kinh nghiệm hay cẩu thả thì không thể làm ra được những chiếc khăn đẹp”.
Trước đây, chất liệu để làm khăn là nhiễu, vải lượt hay sa tanh. Cốt khăn được làm bằng giấy. Bây giờ, khăn xếp được làm bằng chất liệu tốt hơn như sa tanh bóng, phi, nhung, gấm... ở bên ngoài, bên trong là vải sợi lót, cốt khăn làm bằng mút xốp.
Theo các nghệ nhân làm khăn xếp thôn Nhất, khăn xếp miền Bắc có điểm khác biệt với khăn xếp miền Trung và miền Nam. Khăn xếp miền Bắc giữ nguyên hình dạng vốn có từ cổ xưa, còn khăn xếp miền Trung và miền Nam được cách tân nhiều hơn. Điểm khác biệt rõ nhất là khăn miền Bắc có nếp quấn dày hơn và dựng ngang, khăn của miền Trung và Nam thì nếp quấn dựng đứng. Điểm khác thứ hai là phần lưỡi trai khăn xếp miền Bắc quấn, xếp thành hình chữ Nhân còn miền Trung, Nam là hình chữ Nhất. Khác biệt nữa là búi tó (búi để buộc tóc) khăn xếp miền Bắc đặt ở phần phía trên đỉnh đầu còn khăn xếp miền Trung, Nam đặt thấp hơn, lùi xuống phía sau gáy.
Làm giàu từ nghề truyền thống
Đã có những thời điểm, nghề khăn xếp ở thôn Nhất đứng trước nguy cơ “thất truyền”. Nhưng nhờ những nghệ nhân tâm huyết mà cái nghề “giữ hồn Việt” trong những chiếc khăn xếp mới không bị mai một. Trai gái thôn Nhất dù không sinh sống bằng nghề làm khăn xếp, nhưng ít nhất họ cũng được truyền dạy lại quy trình làm một chiếc khăn xếp như thế nào.
Anh Đoàn Văn Thủy là một trong 5 hộ sản xuất khăn xếp lớn nhất ở thị trấn Nam Giang. Ảnh: Viết Dư
Hiện nay, thôn Nhất có 5 cơ sở chuyên sản xuất khăn xếp. Mỗi cơ sở lại thuê khoảng 20 gia đình khác theo phương thức mỗi hộ chuyên làm một công đoạn của chiếc khăn. Giờ đây, mỗi công đoạn đều có sự hỗ trợ của máy móc, thiết bị. Năng suất lao động nhờ đó cũng tăng lên. Anh Đoàn Văn Thủy, chủ cơ sở sản xuất khăn xếp ở tổ dân phố số 3, thôn Nhất, cho biết: “Gia đình tôi hiện thuê 20 lao động làm khăn liên tục trong cả năm. Mỗi năm, chúng tôi xuất bán khoảng hơn 30 vạn khăn. Trừ chi phí, thu nhập vẫn cao hơn nhiều lần so với làm nông nghiệp. Cái hay của nghề này là mọi người, đặc biệt là người già và trẻ em đều có thể tham gia làm, tận dụng được thời gian rảnh rỗi trong ngày”.
Người trong thôn coi nghề làm khăn xếp của họ là nghề “câu dầm”, làm quanh năm để tập trung xuất bán vào các tháng 1, 2 và tháng 8 là dịp có nhiều lễ hội. Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, các cơ sở sản xuất khăn luôn chú trọng khâu chọn nguyên liệu. Các loại sơn, nhũ, kim sa, keo, mút… đều được lựa chọn công phu; vải được lấy từ làng Vạn Phúc (Hà Nội).
Anh Đoàn Văn Phi cho biết: “Tùy từng loại khăn mà có giá bán khác nhau. Đắt nhất vẫn là các loại khăn chầu dùng cho các giá đồng, khoảng 100 nghìn đồng/chiếc; các loại khăn còn lại dao động từ 20 nghìn đồng trở lên tùy loại lớn, nhỏ khác nhau. Hàng trong thôn được xuất bán chủ yếu ra phố Hàng Quạt, Hà Nội. Từ Hà Nội, hàng tỏa đi khắp các vùng miền trong cả nước. Chỉ cần người mua gọi điện đặt hàng, các cơ sở sản xuất trong thôn sẽ đóng hàng gửi đi kịp thời”.
Dù thị trường có lúc biến động, bấp bênh, song nghề làm khăn xếp của thôn vẫn được duy trì và mang lại nguồn thu nhập đáng kể, đời sống của bà con ngày một khấm khá. Và trên hết với tình yêu nghề của các nghệ nhân và người dân Giáp Nhất, “hồn Việt” trong những chiếc khăn xếp luôn được lưu truyền và lan tỏa./.
Vân Hồng - Lê Hải/Báo TNVN
Hôm nay, ngày 10/11/2024, Cuộc thi Giải toán trên máy tính cầm tay Lần thứ Nhất năm 2024 chính thức được phát...
Sáng ngày 6/7 tại Cần Thơ, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch thành phố Cần Thơ phối hợp với Liên Đoàn Cờ Việt...
Ngày 6/11/2023, tại Hà Nội diễn ra Lễ ký kết giữa Liên đoàn Cờ Việt Nam với Công ty Cổ phần MasterTran- nhãn...
Nằm cách trung tâm thủ đô Seoul của Hàn Quốc khoảng 35 phút đi tàu điện ngầm, công viên Seoul Land nằm ở...
Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, tối 18/3, đêm trao giải Cuộc thi Tiếng hát Người làm báo mở rộng năm...
Trải qua 4 tháng với nhiều vòng tuyển chọn, 18 tiết mục đặc sắc nhất đến từ 25 giọng ca chính thức tranh tài...
“Phiên chợ vùng cao” là hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội hoa Ban lần 6 do tỉnh Điện Biên tổ chức. Tham dự...
Thời điểm cuối tháng 2, sắc trắng tinh khôi của hoa sưa trở thành điểm nhấn phố phường Hà Nội.
Ngày 12/2 và 19/2 vừa qua, sự kiện HBDC Konnect thuộc mùa giải High School Best Dance Crew 2023 đã diễn ra...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định về việc xếp hạng Di tích cấp quốc gia đối với quần thể di...
Theo Thông tư 02/2023/TT-BYT sửa đổi Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm...
Trận động đất kinh hoàng xảy ra vào rạng sáng 6/2 (giờ địa phương) tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khiến hơn 11.000...