Trải nghiệm

"Cây cầu sống" đan bằng rễ cây có thể đứng vững qua nhiều thế kỷ

18:18 - 18/07/2019
Dưới bàn tay khéo léo của người dân bản địa, những rễ cây đại thụ được kết lại thành "cây cầu sống" treo lơ lửng bắc ngang qua sông, tạo thành một kiệt tác nghệ thuật từ thiên nhiên.

Ở nơi được mệnh danh là ẩm ướt nhất thế giới, du khách không băng qua sông bằng một cây cầu được xây dựng bằng bê tông cốt thép mà là một “cây cầu sống” hình thành từ rễ các cây đại thụ xung quanh.

Nằm ở phía Đông Bắc Ấn Độ dọc biên giới Bangladesh, bang Meghalaya có hai thị trấn là nơi có lượng mưa hàng năm cao nhất thế giới (theo Sách Kỷ lục Guinness Thế giới). Trong suốt mùa mưa ở Ấn Độ từ tháng 6 đến tháng 9, các dòng sông ở bang Meghalaya thường dâng cao tạo thành lũ lụt khiến người dân bản địa bị mắc kẹt. 

Trước đây, người Khasi bản địa ở vùng này thường dựng những cây cầu bằng tre để đi lại, nhưng những cấu trúc nhân tạo đó không thể trụ vững được qua những trận bão, và nhanh chóng mục nát. Thế nên để khắc phục hoàn cảnh đó, người Khasi đã dựa vào một loài cây được gọi là cây cao su Ấn Độ, có bộ rễ ngoài rất dẻo dai, có thể buộc, xoắn và tạo hình thành những cấu trúc giống như cây cầu treo. 

Tuy nhiên, quá trình hình thành cây cầu không hề nhanh và đơn giản. Phải mất từ 10 đến 30 năm để bộ rễ cây phát triển, gắn kết với nhau thành cây cầu vững chắc. Nhưng một khi đã được hình thành, thì cây cầu rễ cây có thể sống qua nhiều thế kỷ và đủ khỏe để chịu tải trọng của 35 người cùng lúc (theo National Geographic).

Theo truyền thống, người Khasi bắt đầu quá trình tạo ra cây cầu bằng cách trồng cây ở hai bên bờ sông. Sau đó, họ luồn và xoắn rễ cây của chúng vào một cây cầu gỗ tạm thời để dẫn rễ cây đến phía bên kia của dòng sông. Khi đủ dài chạm tới bờ bên kia sông, rễ sẽ tự cắm xuống đất. Theo thời gian, rễ phát triển và khỏe dần, khiến cây cầu trở nên vững chắc hơn. 

Không ai biết "cây cầu sống" đầu tiên được tạo ra như thế nào, nhưng các bản ghi chép về cấu trúc cây cầu xuất hiện từ khoảng hơn 100 năm trước (theo National Geographic).

Người Khasi vẫn đang chăm chỉ duy trì sự sống cho cây cầu rễ cây này và tiếp tục tạo thêm tầng thứ 3, dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng một thập kỷ tới.

"Cây cầu sống" đã trở thành điểm nhấn du lịch ở bang Meghalaya, thu hút du khách đến tham quan, tạo nguồn thu cho địa phương.

Thu Hiền, theo Insider