Tại Việt Nam, dã quỳ đã được người Pháp đưa vào các đồn điền ở Lâm Đồng. Thân dã quỳ chứa nhiều chất nên làm phân hữu cơ khá tốt cho cây cà phê. Nhờ hạt dễ phát tán, cây dễ trồng nhờ giâm cành nên loài cây này dần dà chiếm lĩnh các nơi hoang dại ở khắp Tây Nguyên.
Tên dã quỳ xuất hiện trên văn chương từ thập niên 1970, trước đó người ta gọi nó là sơn quỳ.
Ở Việt Nam, dã quỳ thường ra hoa vào mùa đông, vàng rực cả triền đồi và thảo nguyên. Loài cây này có thể coi như là một loài cây báo hiệu cho sự xuất hiện của mùa khô, khi hoa dã quỳ nở có nghĩa là mùa khô đã đến rất gần.
Thế nhưng, dường như chỉ có ở Đà Lạt, ngay giữa cái rét lạnh của mùa đông, người ta mới thấy màu vàng của loài hoa nay trở nên rực rỡ vô cùng.
Chính vì vậy, dã quỳ cũng đã trở thành biểu tượng của xứ sở ngàn hoa.
Những ngày này, đi dọc các con đường huyện Đơn Dương, đèo Tà Nung, dọc tuyến đường đi Cầu Đất, đèo Dran, cảng hàng không Liên Khương, làng hoa Vạn Thành… du khách có thể thưởng lãm cũng như ghi lại những bức hình rất Đà Lạt bên loài hoa vàng này.
Theo laodong.vn