Trải nghiệm

Hành trình vạn lý đến thượng nguồn Mekong – Lan Thương (phần 5)

11:46 - 22/10/2020
Dòng Trát Khúc, sông đầu nguồn của Mekong - Lan Thương đi qua 2 huyện thuộc Châu tự trị dân tộc Tạng Ngọc Thụ ở tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc. Đó là Tạp Đa và Nang Khiêm. Có lẽ do sự tiện lợi trong đi lại, người dân của cả 2 huyện này đều thích sử dụng xe máy, đặc biệt là ở huyện Nang Khiêm.

Chùa Gaer nằm ở lưng chừng núi tại Nang Khiêm 

Nang Khiêm là huyện nằm ở cực Nam của tỉnh Thanh Hải trên độ cao hơn 4.000m so với mực nước biển. Nơi đây được mệnh danh là “cái nôi văn hóa” của Châu tự trị dân tộc Tạng Ngọc Thụ, với dân số gần 120.000 người tính đến cuối năm 2019.

Sản phẩm gốm đen Nang Khiêm

Địa phương này nổi tiếng với gốm đen Tây Tạng có lịch sử hơn 4.000 năm cùng công nghệ trộn đất sét và nung 3 lần bằng phân bò đặc biệt, cùng với đó là điệu múa cổ Trác Căn Mã (Zhuogenma) từng được mệnh danh là múa cung đình và hiện là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của tỉnh Thanh Hải.

Trích đoạn múa cổ Zhuogenma

Phụ nữ Tạng trong trang phục truyền thống ở Nang Khiêm 

Đàn ông Tạng trong trang phục truyền thống 

Những bộ trang phục truyền thống luôn là niềm tự hào của người Tạng

Nhưng có lẽ một trong những điều gây ấn tượng mạnh đối với những người lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này là xe máy. Người dân Tạng ở đây sử dụng khá nhiều loại phương tiện này, từ đàn ông, phụ nữ, đến học sinh và cả các Lạt ma, tức các vị sư của Phật giáo Tây Tạng.

Xe máy xếp dọc vỉa hè trên đường phố huyện lỵ Nang Khiêm

Một vị Lạt ma sử dụng xe máy

Chị Ích Tây, một nhân viên khách sạn người Tạng tại Nang Khiêm 

Chị Ích Tây (Yixi), một nhân viên khách sạn người Tạng ở Nang Khiêm, hàng ngày đều đi làm bằng xe máy chia sẻ: “Từ đây đến nhà tôi chỉ có 5km, rất gần. Do vậy, mỗi ngày tôi đều đi xe máy đi làm. Tôi thấy đi xe máy rất tiện lợi và cũng an toàn. Nhưng khi ra đường phải đội mũ bảo hiểm, vì đây là quy định của chính quyền.” 

Cảnh sát giao thông được bố trí nhiều trên đường phố

Có lẽ do người dân sử dụng nhiều xe máy nên lực lượng cảnh sát giao thông ở huyện lỵ Nang Khiêm cũng được bố trí dày hơn so với các thành phố lớn khác ở Trung Quốc. Đã có xe máy thì phải có các hàng sửa chữa xe máy và tắc đường cũng là “đặc sản” không thể thiếu ở đây, dù chỉ xảy ra cục bộ. 

Ùn tắc cục bộ trên đường phố Nang Khiêm

Người ta có thể thấy xe máy được để ở mọi nơi tại huyện lỵ Nang Khiêm, nhưng đa phần không có biển số. Trao đổi với phóng viên, một người dân đi xe có biển số cho biết, vì xe của anh phân khối lớn nên phải đăng ký, còn những chiếc xe khác thì không.

Anh còn chia sẻ thêm, đợt này cảnh sát giao thông địa phương đang ra quân xử lý nghiêm các lỗi như không đội mũ bảo hiểm hoặc chở quá 2 người, nên vấn đề đăng ký biển xe hiện chưa thấy nhắc đến. 

Điều này ngay lập tức đã được kiểm chứng bởi một nhóm người tham gia giao thông bị công an chặn lại đưa vào lề đường. Những người đi sai làn cũng bị nhắc nhở.

Một chiếc xe phân khối lớn hiếm hoi có biển số

Cảnh sát giao thông người Tạng tên Tài Nhân Trát Tây (Cairen Zhaxi) 

Anh Tài Nhân Trát Tây (Cairen Zhaxi), một cảnh sát giao thông đang xử lý các trường hợp vi phạm nói: “Gần như mỗi gia đình ở đây đều có từ 2-3 chiếc xe máy. Họ bị giữ xe chủ yếu là do không đội mũ bảo hiểm. Chúng tôi sẽ giải thích cho họ hiểu, sau đó cho đi.”

Các địa phương dọc sông đầu nguồn Mekong - Lan Thương ở tỉnh Thanh Hải thường không quá lớn, đường xá đi lại khá nhỏ với địa hình phức tạp, nên xe máy là phương tiện được người dân ở đây ưu tiên lựa chọn.

Phụ nữ Tạng di chuyển bằng xe máy là điều rất phổ biến ở Nang Khiêm

Có lẽ hiếm có vùng nào trên đất Trung Quốc sử dụng nhiều xe máy đến vậy như ở Nang Khiêm. Điều này khiến những người đã từng đến Đông Nam Á có cảm giác như đang đi ở một nơi nào đó trên đất Việt Nam hay Thái Lan. Đặc biệt hơn khi chủ nhân của những chiếc xe máy này là người dân tộc Tạng, một dân tộc luôn gắn với Phật giáo Tạng truyền huyền bí. 

Và phải chăng sử dụng xe máy rộng rãi cũng là một đặc điểm chung của những người dân sinh sống dọc dòng Mekong - Lan Thương, dù ở vùng núi cao hanh khô, lạnh lẽo nơi đầu nguồn trên cao nguyên Thanh Tạng, Trung Quốc hay những vùng đất ấm áp, trù phú nơi hạ nguồn tại các quốc gia Đông Nam Á.

Bích Thuận/VOV Bắc Kinh