Cuộc triển lãm mang đến cho khán giả 250 bức kí họa về Hà Nội xưa và cuốn sách “Tập thể Hà Nội - Ký họa & hồi ức”. Đây là những bức tranh do các hoạ sỹ chuyên và không chuyên của nhóm Urban Sketchers Hanoi thực hiện một năm qua.
Bà Trần Thị Thanh Thuỷ - Trưởng nhóm Urban Sketchers Hanoi chia sẻ: “Triển lãm và cuốn sách để đánh dấu một giai đoạn, giữ lại những bức hình trong 1 năm hoạt động của nhóm. Chúng tôi muốn những người tham quan được sống lại một thời Hà Nội. Nhà tập thể là minh chứng của thời đổi mới, gắn với kỷ niệm của một thế hệ nên nhóm ký hoạ lại để ghi lại ký ức xưa”.
Những nét vẽ tinh tế và chân thực đã tạo nên một không gian ngập tràn ký ức về một thời Hà Nội nghèo khó bình dị và ấm áp tình người
Những hình ảnh như thế này gợi cảm giác thân thuộc với bất cứ người Hà Nội nào sống tại Hà Nội vài chục năm trở lại đây
Đó có thể là những khu nhà tập thể hình tổ ong, là quán phở phố cổ người mua phải xếp hàng, là cửa hàng mậu dịch, là bàn thờ Tết với bánh pháo, hộp mứt, gói thuốc lá… Ai đã sinh ra và lớn lên ở Hà Nội suốt một thời bao cấp, hẳn sẽ có nhiều ký ức đẹp về mảnh đất này. Một đô thị cổ kính với rất nhiều nét văn hóa truyền thống, thậm chí nhiều phong tục tập quán trở thành “mẫu mực” cho văn hóa ứng xử giao tiếp cũng như sự bài bản trong các hoạt động lễ Tết.
Cuốn sách nhiều tác giả này là điểm nhấn tạo nên triển lãm
Các thế hệ sau này đến với triển lãm sẽ biết thêm về một Hà Nội đẹp hơn
Đến với triển lãm, khách tham quan còn có cơ hội thưởng thức những món ăn mang phong vị Hà Thành xưa.
NSƯT Hồng Liên, một người Hà Nội tham dự triển lãm cho biết: “Tôi thực sự xúc động khi được trải nghiệm những thứ mà lâu nay tưởng như đã quên trong tiềm thức Nhìn mâm cơm bao cấp với những món ăn quen thuộc, ký ức lại ùa về, biết bao kỷ niệm tuổi thơ bên bố mẹ ông bà và những người thân yêu”.
Trải qua những biến đổi của thời cuộc, nhiều thứ đã thay đổi nhưng chắc chắn những giá trị văn hóa cốt lõi làm nên bản sắc riêng của người Việt Nam sẽ còn mãi.
Triển lãm “Ký ức Hà Nội” sẽ kéo dài đến ngày 31/1/2019 tại số 70 Nguyễn Du, Hà Nội.
Bài và ảnh: Lê Mai