Mông Cổ nhìn từ trên cao là những đồi cát hùng vĩ, thảo nguyên bao la bị nhiều nhánh sông cắt xẻ. Không gian tổng thể phản ánh sự khắc nghiệt của tạo hóa, của thiên nhiên, nhưng cũng qua đó tôi rèn nên những con người Mông Cổ mạnh mẽ, giàu sức chiến đấu.
Du khách ở khu phức hợp tượng đài và bảo tàng Thành Cát Tư Hãn
Đại công trình dang dở
Mông Cổ không phải là điểm đến du lịch nghỉ dưỡng hay mua sắm. Khi quyết định chọn Mông Cổ, tôi mong muốn sẽ được trải nghiệm chu du trên sa mạc, ngủ trong những nhà lều giữa tứ bề trời đất bao la chỉ cát hoặc tuyết. Thế nên tôi phải tự chuẩn bị mọi thứ: Xe cộ, quần áo ấm, túi đựng thức ăn đủ loại, nước uống và cả các loại thuốc căn bản nhất.
Từ Tân Sơn Nhất, chúng tôi bay đến Hong Kong rồi theo tuyến bay kết nối đến sân bay quốc tế Thành Cát Tư Hãn. Sân bay sầm uất nhất Mông Cổ nhập nhòe ánh sáng như muốn lọt thỏm giữa không gian đầy cát hoặc đất cằn cỗi. Thủ đô Ulaanbaata (hay còn gọi là Ulan Bator, có nghĩa là Anh Hùng Đỏ) nằm ở độ cao 1.350 m hiện ra trước mắt với những tòa nhà mới xây còn đậm mùi sơn tường, những khu công nghiệp chỉ mới được đổ móng. Tất cả như một đại công trình còn dang dở.
Rời khỏi sân bay, chúng tôi có dịp thưởng thức tình trạng kẹt xe ô tô mà theo người bản xứ mô tả: “Lúc nào cũng là giờ cao điểm và năm nào cũng là năm cao điểm kẹt xe”. Những tuyến xe buýt và xe điện hiếm hoi ỳ ạch lăn bánh giữa tiết trời lạnh cóng, buồn hiu càng khiến không gian Ulaanbaata ảm đạm.
Vậy nhưng thành phố ấy không “chết”. Là nơi phồn thịnh và đông đúc nhất đất nước này (với dân số khoảng 1,4 triệu dân, tức gần nửa dân số của Mông Cổ), Ulaanbaata là trung tâm kinh tế, tài chính và văn hóa của đất nước. Tuy sống ở thành phố được mệnh danh là lạnh nhất thế giới (do có khí hậu cận Bắc Cực, có khi nhiệt độ âm dưới 20 độ C) nhưng người dân Ulaanbaata vẫn bình thản vượt qua mọi khắc nghiệt của thời tiết, bởi vùng đất này được tạo ra là để dành cho chính họ.
Một góc của khu chợ nhộn nhịp tại thủ đô Ulaanbaata
Một gia đình Mông Cổ chuẩn bị bữa ăn trong nhà lều ở rìa sa mạc Gobi
Đi đâu cũng gặp tượng đài
Thành Cát Tư Hãn là vị vua khai sinh ra đế quốc Mông Cổ, là người khởi đầu cho quá trình chinh phục và ngự trị khắp các quốc gia và khu vực châu Á lẫn châu Âu vào giai đoạn thế kỷ thứ 13 - 14. Cứ hình dung đế chế La Mã cổ đại rộng lớn bao nhiêu thì đế quốc Mông Cổ khi ấy còn rộng lớn hơn rất nhiều.
Tại Ulaanbaata, tượng Thành Cát Tư Hãn ở khắp mọi nơi, từ những vị trí trang nghiêm đến những nơi bình dị, trong nhà lều và đặc biệt luôn hiện diện trong các món đồ trang trí sinh hoạt của nhiều người du mục. Xe khách đưa chúng tôi từ Ulaanbaata qua nhiều cung đường trùng điệp núi non, thảo nguyên vô cùng hẻo lánh chừng năm bảy chục cây số, đến khu phức hợp Thành Cát Tư Hãn nằm bên bờ sông Tuul ở Tsonjin Boldog ngọt ngào và dịu mát.
Đất nước còn nghèo nhưng Mông Cổ dám bỏ ra trên 4 triệu USD để đầu tư khu tượng đài kết hợp bảo tàng hoành tráng, như vậy đủ thấy họ thần tượng Thành Cát Tư Hãn và các vị vua của cựu đế chế ra sao. Tượng Thành Cát Tư Hãn cao khoảng 40 m, mang gương mặt uy nghiêm, quyền lực cưỡi trên lưng ngựa dáng đầy oai vệ hướng mặt về phía Đông là nơi ông sinh ra.
Muốn nhìn lại văn hóa người Mông Cổ? Rất dễ. Khu phức hợp dùng nhiều phòng để trưng bày cổ vật và phục dựng lại sa bàn về đời sống của người dân Mông Cổ: Từ những đoàn người du mục đến các nhà lều, vật nuôi (như cừu, bò, lạc đà, chó săn), thức ăn đồ uống, tác phong lao động đặc thù của người dân xứ này. Mặc y phục truyền thống Mông Cổ, cưỡi lạc đà, cưỡi ngựa, bắn cung, uống sữa dê nóng, tham quan các nhà lều (có khoảng 200 nhà lều xung quanh khu phức hợp) giữa tiết trời rét buốt cũng là những trải nghiệm “rất Mông Cổ” tại khu phức hợp rộng hàng trăm hecta này.
Sa mạc Gobi - “trái tim” Mông Cổ
Đến Mông Cổ không ai có thể bỏ qua chuyến thăm đến Gobi, vùng sa mạc được mệnh danh là “trái tim” của đất nước này. Bạn sẽ thắc mắc về cái tên Gobi? Xin thưa rằng trong tiếng Mông Cổ đó có nghĩa là “vùng đất không có nước”.
Cái tên đã mô tả phần nào sự khắc nghiệt của vùng đất này, khi mùa hè thời tiết lên đến 40 độ C còn mùa đông thì hoàn toàn trái ngược, âm 40 độ C. Sa mạc hùng vĩ được tạo hóa dựng nên bằng những cồn cát xen kẽ các đồng bằng sỏi và có cả nhiều núi đá sừng sững, tạo nên cảnh quan tuy có vẻ thiếu vắng sự sống nhưng vô cùng ấn tượng.
“Bên dưới cát có những sinh vật sống quanh năm, rất nhộn nhịp, chứ không phải chỉ là chết chóc” - một người bản xứ bật mí. Đất đai cằn cỗi, khí hậu nóng lạnh thất thường không thể làm khó người dân chọn nơi này làm chốn sinh nhai. Tính tình của họ vẫn ngọt ngào, ấm áp không thua kém những bát sữa dê hay những bếp lửa hồng giữa trời rét đậm. Có lần gần hai giờ sáng, chúng tôi lạc đường khi tìm đến khu nhà nghỉ ở vùng rìa Gobi. May thay, gõ cửa “cầu cứu” thì được một người đàn ông Mông Cổ giúp đỡ tìm nơi ngủ qua đêm mà không đòi chút thù lao nào.
Đến Gobi bạn sẽ cảm nhận được nét đẹp của những cái nhà lều (mà người Mông Cổ gọi là ger hay yurts) truyền thống đặc trưng của người du mục. Bên trong có bếp, các trang thiết bị cơ bản, dù thô sơ nhưng đủ tạo ra không gian ấm cúng với lối sống tối giản. Ở đây, người dân chủ yếu nuôi cừu, bò, ngựa hay lạc đà và tất nhiên chúng trở thành nguyên liệu thường xuyên trong các bữa ăn của họ. Một người, một xe máy và một chú chó và có thể thêm một chú đại bàng, họ “cai quản” cả một bầy gia súc hàng trăm con, ở những vùng đất rộng hút hết tầm mắt.
Giữa không gian bao la nhưng vắng lặng bóng người, nhấp ngụm sữa nóng và nhìn những người du mục miệng thường xuyên cười, ân cần thết đãi khách, quá đủ để người ta tạm quên đi phần thế giới bận rộn còn lại của nhân gian./.
Đại Thắng/plo.vn