Những ngày văn hóa Việt Nam tại Cu Ba sẽ mang đến những tiết mục nghệ thuật đậm bản sắc, văn hóa, dân tộc Việt Nam nhằm giới thiệu tới bạn bè Cuba về đất nước con người Việt Nam qua từng vùng, miền văn hóa Việt Nam.
Mở đầu chương tình là màn hát múa "Việt Nam quê hương tôi" sáng tác Đỗ Nhuận, và "Cuba tươi đẹp". Tiếp đến là "Những cô gái Quan họ" với hình ảnh những cô gái ở vùng đất Quan Họ Bắc Ninh cùng làn điệu Dân ca Quan họ độc đáo - đã được tổ chức UNESCO vinh danh là Văn hóa phi vật thể của Thế giới từ năm 2009; Độc tấu đàn Bầu: "Tình khúc đêm trăng", "La Habana mến yêu" (nhạc Cu Ba); "Múa cúng hoa đăng" - điệu múa trên nền Nhã nhạc Cung đình Huế đã có hơn 300 năm lịch sử và đã được tổ chức UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể của thế giới vào năm 2003.
Bên cạnh đó là Hòa tấu dàn nhạc: "Chiếc khăn Piêu" và "Siboney" (nhạc Cu Ba); "Xuống chợ mùa yêu" tái hiện cảnh vui vẻ, nhảy múa, hát ca bên nhau của nam nữa dân tộc H'mông miền Bắc Việt Nam, khi hàng tháng phiên chợ Tình được nhóm họp, họ lại được gặp gỡ và ở bên nhau; "Rico Vacilon" (nhạc Cu Ba); "Múa Hồi ức Chăm" - điệu múa cổ của những vũ nữ dân tộc Chăm bên cạnh những tháp Chàm cổ kính sừng sững dọc 2 tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận của miền Trung Trung Bộ Việt Nam.
Ngoài ra là các tiết mục Độc tấu "K'long put: mùa xuân đến" và "Múa lửa tình Cao Nguyên" là vũ điệu nồng nhiệt, phóng khoáng của nam nữ thanh niên dân tộc Tây Nguyên, họ nhảy múa, hát ca bên những đống lửa lớn cạnh nhà Rông, mừng được mùa hái, lượn, săn bắn… cùng với sự vang vọng của nghệ thuật Cồng chiêng Tây Nguyên, năm 2005 đã được UNESCO vinh danh là Văn hóa phi vật thể của thế giới…
Cuối cùng là màn kết với các tiết mục: "Chào Việt Nam", "Guantanamera" (nhạc Cu Ba) và "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng".
Chương trình được thực hiện bởi Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam. Chỉ đạo nghệ thuật NSUT Quỳnh Trang.
Theo Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam