Nực cười là những mẫu áo này lại được chính một vài NTK nổi tiếng “khoác” lên những danh từ mỹ miều, mang tính định hướng người sử dụng là “áo dài nam truyền thống”.
Tại Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại đang diễn ra tại Vườn hoa Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội), nhóm Đình làng Việt tổ chức gian hàng trưng bày áo dài nam truyền thống. Theo họa sĩ Nguyễn Đức Bình, tiếp nối các hoạt động quảng bá áo dài nam đã được nhóm triển khai, trưng bày áo dài nam trong lễ hội là một sự kiện tiếp tục tạo thêm sức lan tỏa, khẳng định sức sống bền bỉ của trang phục. Nhiều hoạt động được tổ chức như giao lưu về áo dài nam truyền thống, lịch sử, đặc điểm, bản sắc văn hóa của áo dài ngũ thân nam giới.
CLB cũng giới thiệu về cách may, mặc, những vấn đề bảo tồn và phát huy trang phục này. “Tại không gian này chúng tôi cũng đón tiếp các vị khách quan tâm đến trang phục áo dài nam, giúp mọi người mặc thử, quấn khăn và trao đổi các vấn đề liên quan đến áo dài; đặc biệt là việc tư vấn địa điểm may, tư vấn đo để mọi người có thể may cho mình những trang phục áo dài nam đúng chuẩn truyền thống”, họa sĩ Nguyễn Đức Bình chia sẻ.
CLB Áo dài nam truyền thống giới thiệu áo dài ngũ thân tại LH Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại
Thời gian qua, CLB Áo dài nam truyền thống đã tích cực quảng bá, giới thiệu đến công chúng những địa chỉ may vẫn giữ được bí quyết, công thức cổ truyền từ xa xưa để lại. Theo ông Nguyễn Đức Bình, nhóm hoạt động ngày càng tích cực bởi nhận thấy sức lan tỏa của những bộ trang phục áo dài ngũ thân trong đời sống ngày càng rộng rãi. Đồng thời, để tạo nên những định hướng đúng đắn khi thực tế đang xuất hiện những sưu tập trang phục áo dài lệch chuẩn tệ hại, nhưng vẫn được tung hô là áo dài nam truyền thống.
Anh Đinh Hồng Cường, một thành viên tích cực của CLB Áo dài nam truyền thống trong bài viết chủ đề “Áo dài nam bị hiểu lệch chuẩn” đã đề cập đến bài báo phản ánh việc một NTK khá nổi tiếng thiết kế áo dài cho hai gương mặt cầu thủ được người hâm mộ yêu mến...
Theo tác giả Đinh Hồng Cường: Có hai cụm từ khiến anh đặc biệt để tâm, đó là: dáng áo được thiết kế theo kiểu truyền thống; các cầu thủ thích thú với tà áo dài Việt Nam… Anh viết, năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát là người đặt nền móng cho tà áo dài ngũ thân nam. Áo dài ngũ thân được coi là truyền thống bởi nhà Nguyễn kế nghiệp, có công hoàn thiện, trải dài vài ba trăm năm. Nó là bộ Quốc phục của Việt Nam bởi chính lệnh do chúa, vua ban, có hiệu lực lâu dài ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài. Sang đến thời nhà Nguyễn (1802 - 1945), chiếc áo dài ngũ thân đã được kế thừa và phát triển đến mức toàn thiện, từ kiểu dáng đến cách ứng xử với nó, được quy định cụ thể trong “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”.
“Vì sao lại gọi là áo dài ngũ thân?”, tác giả Đinh Hồng Cường lý giải, bởi thời đó, khổ vải chỉ rộng từ 35 - 55cm, buộc phải gá, nối sống vải lại với nhau, bao gồm hai thân trước, hai thân sau và một thân con bên trong phía tay phải. Cổ áo đứng tròn, vuông cạnh, cao chừng 4cm, khi mặc ôm vừa vặn lấy cổ tạo thành nét kín đáo, lịch sự, nghiêm túc. Chiếc áo có 5 khuy cài, gồm một khuy ở cổ, một khuy ở xương đòn bên phải, 3 khuy còn lại được cài ở dọc sườn phải cách đều nhau. Khổ vải tuy hẹp nhưng được phủ hết vai xuống đến khuỷu tay. Một đoạn vải nữa được nối từ khuỷu tay tới quá cổ tay chừng 2cm, ống tay hẹp (bó chẽn). Hai thân trước của áo được để dài quá đầu gối chừng 5 - 7cm, lượn hình cánh cung, rất nghệ thuật. Vì được nối sống, đối sóng trước sau tạo thành dáng áo cứng cáp, oai nghiêm, đường vệ của đấng nam nhi. Tà áo dài ngũ thân nam tuyệt nhiên không có nối cầu vai để tạo ra sự hài hòa, mềm mại.
“Qua một vài nét mô tả về kiểu dáng áo dài ngũ thân nam, chúng ta dễ dàng nhận diện ra thế nào là chiếc áo dài nam truyền thống. Nhưng khi xem hai chiếc áo dài mà các cầu thủ mặc trên người, ai cũng dễ dàng phát hiện ra sự khác biệt, từ cổ áo đã bị cắt lượn, nối cầu vai theo kiểu raglan Ấn Độ, thân trước chỉ còn một thân, cổ tay quá rộng và dài, đuôi áo để thẳng, không khăn… Hai cầu thủ xênh xang trong bộ trang phục áo dài, miệng cười rất tươi, dĩ nhiên họ chẳng hiểu về nguồn gốc xuất xứ của nó. Cứ được tặng, mặc và chụp ảnh là thích rồi. Giống như mới đây, một hãng thời trang của Trung Quốc đã nhận vơ, nhận xằng, đúng hơn là ăn cướp thương hiệu tà áo dài của Việt Nam mà đa phần người Việt mình, sau sự kiện ấy, tỏ ra phẫn nộ nhưng cũng chẳng biết ứng phó thế nào do thiếu hiểu biết, chủ quan và nhẹ dạ nữa…”, Đinh Hồng Cường nhận định. Anh cũng đặt câu hỏi, phải chăng NTK nói trên đã ngộ nhận đây là áo dài truyền thống Việt Nam?
Đáng tiếc là, đây cũng không phải lần đầu tiên xuất hiện những bộ trang phục áo dài cách tân sai lệch nhưng vẫn được “khoác” danh áo dài truyền thống. Họa sĩ Nguyễn Đức Bình nêu, từng chi tiết trên áo dài ngũ thân từ xa xưa đều được tính toán kỹ lưỡng nhằm tôn phong thái, sự phóng khoáng, oai vệ của đàn ông. Không như bây giờ, các NTK đã cho người mặc những trang phục đàn ông mà quá … nữ tính, tà nhỏ, may liền, hoa văn lòe loẹt… Đây là những nội dung mà CLB Áo dài nam truyền thống luôn nhắc nhở và định hướng khắc phục.
Bảo Anh/ baovanhoa.com.vn