Ảnh bìa cuốn sách của nhà văn Refat Khaled
Nhà văn Ai Cập Refat Khaled yêu mến Việt Nam và đặc biệt ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Từ khi còn trẻ, ông đã ấp ủ tâm nguyện viết một cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Việt Nam và mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước.
Qua nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu và khi quan hệ hai nước Việt Nam - Ai Cập có những bước phát triển mạnh mẽ trong trong những năm gần đây, đặc biệt là hai chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al-sisi và Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến mỗi nước của nhau trong các năm 2017 và 2018 đã ghi dấu ấn lịch sử, tạo động lực và nguồn cảm hứng dồi dào cho nhà văn Refat Khaled viết nên cuốn sách với tựa đề: “55 Năm quan hệ hữu nghị Việt Nam - Ai Cập”.
Ảnh chụp chương 1 của cuốn sách, nói về lịch sử mối quan hệ VN-Ai Cập
Cuốn sách dài hơn 200 trang bằng tiếng Anh và Ả-rập; được bố cục thành 3 chương với nội dung phong phú, sinh động bao quát các lĩnh vực. Chương một lược tả lịch sử mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Ai Cập trong hơn 55 năm qua; nêu bật những mốc son trong phát triển quan hệ hai nước trên các lĩnh vực, trong đó ghi nhận về tiềm năng phát triển quan hệ chính trị, kinh tế giữa hai nước trong thời gian tới.
Nhấn mạnh tầm quan trọng về vị trí địa chính trị chiến lược của cả hai nước, ông Khaled đánh giá Ai Cập là cầu nối giữa Việt Nam với thế giới Ả-Rập và khu vực Trung Đông - Bắc Phi; trong khi đó Việt Nam đóng vai trò là cầu nối giữa Ai Cập với ASEAN và khu vực châu Á.
Một bài viết về VN ở chương 2
Chương hai viết về đất nước và con người Việt Nam với những dữ liệu cập nhật và hình ảnh minh họa hết sức sinh động; trong đó, một số bài viết đánh giá tiềm năng phát triển kinh tế biển Việt Nam và những thành quả mà Việt Nam đạt được trên nhiều lĩnh vực sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc “Đổi mới”.
Một số bài viết nêu bật vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế thông qua các sự kiện về đối ngoại tầm cỡ thế giới như 2 lần tổ chức thành công Hội nghị APEC và Việt Nam được chọn là điểm tổ chức lý tưởng của các hội nghị thượng đỉnh thế giới.
Cũng tại chương hai, tác giả có các bài phân tích những thế mạnh và tiềm năng về phát triển kinh tế biển và du lịch của Việt Nam và Ai Cập cũng như triển vọng hợp tác song phương trong lĩnh vực này.
Một trang trong chương 3 kể về những tình cảm dành cho Việt Nam và chủ tịch HCM của cố tổng thống Ai Cập Ramal Abdel Nasser
Chương ba tổng hợp các bài viết của các nhà ngoại giao, học giả, nghệ sỹ Ai Cập viết về Việt Nam với sự mến mộ đất nước, con người Việt Nam và yêu quý Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã đặt nền móng cho lịch sử quan hệ Việt Nam - Ai Cập phát triển tốt đẹp đến tận ngày nay.
Tác giả Refat Khaled chia sẻ: “Tôi rất vui khi mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Ai Cập có những bước phát triển đột phát trong những năm gần đây. Việt Nam đang đóng vai trò rất tích cực trong xây dựng hòa bình thế giới và Việt Nam cũng có mối quan hệ bền vững với Ai Cập. Điều này rất có ý nghĩa đối với tôi và là động lực giúp tôi viết nên cuốn sách về 55 quan hệ Việt Nam - Ai Cập. Tôi rất trân quý những hy sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một nhà lãnh đạo tài ba. Người đã cống hiến cả đời cho cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam và khơi nguồn cảm hứng cho các dân tộc thuộc địa Ả-rập, Châu Phi.”
Cuốn sách được giới học giả và chính khách Ai Cập đánh giá rất cao và thực sự bổ ích khi nó có rất nhiều thông tin về một đất nước Việt Nam thân thiện và về lịch sử quan hệ song phương giữa Ai Cập và Việt Nam. Cuốn sách có ý nghĩa quan trọng trong việc chứng minh Việt Nam là một quốc gia có vai trò trong khu vực Đông Nam Á; vai trò trong châu Á, trong APEC, cũng như những bước phát triển mới nhất để nâng cao mức sống của người dân Việt Nam. Giám đốc Thư viện Quốc gia Ai cập Reda El Taify nhận xét:
“Cuốn sách rất thú vị và người dân Ai Cập chúng tôi cần biết nhiều; về cuộc sống đang diễn ra như thế nào; Chúng tôi có 17 thư viện cấp tỉnh. Sẽ là một ý tưởng hay nếu chúng ta gửi những cuốn sách như thế này đến thư viện ở các tỉnh trên khắp Ai Cập để đọc giả có thể đọc về Việt Nam và tăng cường hiểu biết về Việt Nam. Người Ai Cập sẽ rất thích đọc cuốn sách này vì một số lý do: Thứ nhất, chúng tôi không có những cuốn sách như thế này ở Ai Cập. Thứ hai, người Ai Cập bây giờ rất muốn tìm hiều về Việt Nam. Tôi cho rằng Việt Nam là một con hổ đang vươn lên ở châu Á và trên thế giới. Việt Nam có một nền kinh tế đang trỗi dậy, vì vậy chúng tôi rất muốn biết những gì đang diễn ra ở Việt Nam và làm thế nào bạn có thể đạt được một sự phát triển kì diệu từ nền văn minh sông Hồng.”
Một bài viết về chủ tịch Hồ Chí Minh
Cuốn sách cũng được đánh giá sẽ rất hữu ích, cung cấp thông tin chuẩn xác về kinh tế, đầu tư giúp các doanh nghiệp tại Ai Cập có cái nhìn chính xác hơn về tiềm năng và chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam, cơ hội hợp tác kinh doanh. Ông Hissan El-Feky, Giám đốc điều hành Công ty Thương mại Quốc tế ITC của Ai Cập cho biết:
“Cuốn sách này có thể giúp tôi thúc đẩy kinh doanh với các đối tác Việt Nam. Hiện tại, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Ai Cập đạt khoảng 450 triệu USD. Tôi hy vọng cuốn sách này có thể cung cấp cho các doanh nghiệp Ai Cập những thông tin cần thiết về Việt Nam để thúc đẩy kim ngạch thương mại lên 1 tỷ USD trong tương lai gần. Sau khi đọc cuốn sách này, tôi hy vọng đến thăm Việt Nam để tìm kiếm cơ hội mới với các đối tác mới tại Việt Nam.”
Đây là lần đầu tiên một nhà văn Ai Cập xuất bản sách viết riêng về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Việt Nam và mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Ai Cập. Tác giả kỳ vọng cuốn sách sẽ cung cấp các thông tin bổ ích cho độc giả Ai Cập, nhất là giới trẻ và những người yêu mến Việt Nam. Cuốn sách cũng được kỳ vọng sẽ góp phần mở ra triển vọng phát triển quan hệ song phương tốt đẹp hơn và xứng tầm với tiềm năng to lớn của hai quốc gia; đồng thời là cầu nối thu hẹp khoảng cách địa lý xa xôi giữa hai nước nói riêng và Việt Nam với các nước trong thế giới Ả-rập và châu Phi nói chung. Dự kiến, cuốn sách sẽ sớm được ra mắt tại Ai Cập nhân dịp kỷ niệm 129 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu./.
Ngọc Thạch, Thế Nguyễn/VOV Cairo