Văn hóa

Bạc trong đời sống của người Thái Tây Bắc

18:05 - 29/07/2019
Từ xa xưa, người Thái Tây Bắc đã rất coi trọng bạc. Vì thế, bạc được đồng bào sử dụng trong nhiều việc trọng đại như: xính lễ cưới hỏi, của hồi môn, cùng nhiều nghi lễ quan trọng khác...

Bạc tiếng Thái gọi chung là “Ngân”. Dù bạc là kim loại quý, có giá trị lâu dài, nhưng người Thái rất ít khi dùng bạc trong trao đổi, mua bán hàng hoá, mà chủ yếu là dùng để làm đồ trang sức, của hồi môn. Bà con cũng thường đeo dây chuyền bạc hay vòng đeo tay bằng bạc để “ kỵ gió”, “phòng bệnh”... 

Ông Tòng Văn Hịa, thầy cúng tại bản Mòng, xã Hua La, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La cho biết: “Bạc là thứ quý hiếm, có giá trị, và xã hội lúc bấy giờ cũng hay trao đổi mua bán bằng đồng bạc, nhưng không phải ai cũng có. Ngày nay, tuy ít sử dụng đồng bạc để trao đổi buôn bán hàng hoá, nhưng đã là bạc quý có từ xa xưa, nên nhà nào cũng muốn có đồng bạc trong nhà như của để dành, như vật báu để bảo vệ sức khoẻ, nhà cửa được bình an. Chẳng hạn khi trẻ nhỏ bị sốt, bị cảm, trúng gió thông thường thì theo kinh nghiệm bà con cũng thường đem đồng bạc gói trộn với lòng trắng trứng gà đã luộc chín, ít tóc rối để đánh gió, đánh cảm cho bệnh thuyên giảm”.

Đồng tiền và trang sức bằng bạc

Theo phong tục của đồng bào Thái, khi người con trai đi lấy vợ, ngoài đảm nhiệm bữa tiệc cưới bên gia đình nhà gái thì nhà trai (chú rể) còn phải mang theo đồng bạc (gọi là ngân hạo, ngân mằn thảu) để cầu hôn và làm quà biếu bố mẹ vợ. Nên trước đây, gia đình nào có nhiều món quà được chế tác từ bạc trắng mang tặng cô dâu, bố mẹ cô dâu nhân ngày cưới thì chứng tỏ gia đình đó thuộc dạng khấm khá, có của ăn của để. Và món quà này được coi là vật rất thiêng liêng, khi cô dâu hoặc bố mẹ cô dâu chết đi cũng sẽ được mang theo về nơi an nghỉ cuối cùng. Bà con không chỉ coi trọng, dùng đến đồng bạc lúc còn sống, mà khi nhắm mắt xuôi tay cũng cần đến đồng bạc để làm thủ tục theo đúng phong tục, tập quán dân tộc. 

Ông Tòng Văn Hịa, cho biết thêm: “Theo phong tục tập quán, người Thái đi cưới vợ, bên nhà trai phải chuẩn bị đôi búi tóc độn, cái châm cài tóc bằng bạc để làm lễ “tẳng cẩu” cho cô dâu. Ngoài ra, còn phải có đôi lắc tay bạc, đôi nhẫn bạc, nếu gia đình có điều kiện thì tặng thêm vòng bạc, hay dây xà tích bằng bạc cho cô dâu. Còn quà tặng cho bố mẹ vợ cũng không thể thiếu đó là đồng bạc. Tục này tuỳ từng nơi, có nơi thì 5 đồng 2 hào, có nơi thì 3 đồng 2 hào, nhưng không có cũng phải kiếm”.

Châm cài tóc của phụ nữ Thái bằng bạc 

Bạc trắng cũng là thứ trang sức để tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Thái đen. Có thể kể đến như cái châm cài tóc bằng bạc để dùng khi “tẳng cẩu”- búi tóc ngược lên đỉnh đầu để minh chứng cho người phụ nữ Thái đã có chồng; hàng cúc bướm bằng bạc cho chiếc áo cóm “xửa cỏm” mặc bó sát người; nhẫn, lắc đeo tay, hay dây chuyền, vòng cổ bằng bạc… Đặc biệt, sự duyên dáng của người con gái Thái càng thêm nổi bật khi đeo chùm dây xà tích bạc lấp lánh bên eo, diện cùng với bộ váy, áo cóm mỗi dịp lễ, tết, hội hè, biểu diễn văn nghệ. 

Dây xà tích bạc

Hàng cúc bướm áo cóm bằng bạc

Chị Quàng Thị Lợi, ở Bản Giảng Lắc, phường Quyết Thắng, thành phố sơn La nói: “Chị em phụ nữ Thái chúng tôi phải có lắc tay, nhẫn bạc, cái châm bạc cài tóc tẳng cẩu, nhất là khi đi ăn uống tiệc tùng vui vẻ, thì phải có xà tích bạc đeo eo. Nếu không có xà tích đeo khi đi hát, biểu diễn văn nghệ thì chị em cũng mượn nhau. Dây xà tích thì cũng phải có 4-5 vòng thì mới đẹp, mới đúng với phong tục của người Thái”.

Phụ nữ Thái với bộ trang sức bằng bạc

Xã hội ngày một phát triển, trên thị trường ngày càng có nhiều kim loại, đồ trang sức có giá trị như vàng, bạc, đá quý… Nhưng với đồng bào Thái Tây Bắc, bạc vẫn còn nguyên giá trị và không thể thiếu trong đời sống của bà con./.

Tòng Đức Anh/VOV Tây Bắc