Với đồng bào Kinh miền xuôi, bánh giầy thường được làm trong các dịp lễ hội, tết nguyên đán, có hình tròn, tượng trưng cho trời, trong truyền thuyết Lang Liêu và là hoạt động gắn kết tình làng, nghĩa xóm trong những dịp sinh hoạt cộng đồng. Nhưng với đồng bào dân tộc Mông Tây Bắc, bánh giầy thường được làm trong dịp tết truyền thống hoặc trong những dịp quan trọng như tết cơm mới, tết xuống đồng. Ngày nay, bánh giầy còn được đồng bào Mông làm khi gia đình có công việc hệ trọng hoặc làm phục vụ thương mại, bán cho du khách khi về thăm và là nét đặc trưng của mỗi bản làng. Để có những chiếc bánh giầy ngon, đồng bào Mông thường chọn những loại gạo nếp nương đầu vụ. Đồng bào Mông sử dụng lá chuối rừng để làm lá đệm cho những chiếc bánh giầy. Cối giã bánh giày được đồng bào sử dụng bằng những thân cây to, có độ cứng và độ dẻo dai để khi giã không bị vỡ. Mỗi dịp như thế này, những người đàn ông là lực lượng chính đảm nhiệm những phần việc nặng nhọc như giã bánh, đưa cơm nếp vào cối... ...thì những người phụ nữ lại đảm nhận việc làm bánh. Không chỉ đàn bà, đàn ông dân tộc Mông cũng khéo tay không kém khi cùng tham gia cắt lá bánh. Dưới bàn tay khéo léo của người Mông, những chiếc bánh dần thành hình, dẻo thơm hấp dẫn. Mỗi chiếc bánh làm ra đều được kết tinh từ tinh túy của đất, khí hậu nơi núi rừng Tây Bắc và có mùi vị thơm đặc trưng. Được kết tinh từ thổ nhưỡng, khí hậu nơi núi rừng, bánh giầy không thể thiếu trong đời sống của nhiều cộng đồng dân tộc Tây Bắc và đây cũng là nét văn hóa ẩm thực riêng vốn có của đồng bào dân tộc Mông. Những chiếc bánh giày của đồng bào Mông Tây Bắc có mùi vị riêng của gạo nếp nương và là nét văn hóa ẩm thực riêng của đồng bào Mông. Hoạt động giã bánh giầy trong các dịp lễ hội, sinh hoạt văn hóa cộng đồng thường thu hút đông đảo người dân tham gia và là dịp để thắt chặt tình đoàn kết dân tộc.
Khắc Kiên-Ngọc Thắng/VOV-Tây Bắc