Văn hóa

Bảo vật quốc gia - Cần lan tỏa giá trị

17:16 - 09/02/2020
Sau đợt công nhận Bảo vật quốc gia mới nhất của Thủ tướng Chính phủ (đợt 8, năm 2019), thành phố Hà Nội có thêm 3 hiện vật được ghi danh. Như vậy đến nay, Hà Nội đã có 15 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia. Đa dạng, phong phú về loại hình, mỗi Bảo vật quốc gia đã và đang cần thêm nhiều sáng kiến, giải pháp để gìn giữ, phát huy giá trị một cách hiệu quả.

Du khách tham quan bia Tiến sĩ - một trong 15 hiện vật, nhóm hiện vật của Hà Nội được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Quang Thái

Thách thức trong bảo quản

Góp mặt trong số 27 bảo vật vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận, thành phố Hà Nội có 3 hiện vật, gồm: Chuông Nhật Tảo ở đình Nhật Tảo (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm); tượng đôi sư tử đá và khám thờ gỗ sơn son thếp vàng tại đền - chùa Bà Tấm (xã Dương Xá, huyện Gia Lâm). Các bảo vật này đều là những di sản độc bản, có niên đại từ rất lâu đời, hàm chứa những giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu. Theo Bí thư Đảng ủy xã Dương Xá Dương Thị Hiền, việc xã có 2/3 di sản của Hà Nội được công nhận Bảo vật quốc gia đợt này là niềm tự hào to lớn của địa phương. Tuy nhiên, đi kèm với đó là không ít thách thức, làm sao để gìn giữ, phát huy giá trị, xứng tầm bảo vật có một không hai của đất nước.

Đây cũng là trăn trở của nhiều địa phương đang có trọng trách bảo quản, gìn giữ Bảo vật quốc gia, nhất là trước những khó khăn thường trực, như: Hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất, thiếu kinh phí, thiếu đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm, chuyên môn... Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Thất Nguyễn Trường Giang cho biết, ngoài việc lắp đặt thêm hệ thống camera, tăng cường phòng, chống cháy nổ, việc bảo quản tượng phật giáo thời Tây Sơn tại di tích chùa Tây Phương, xã Thạch Xá không có gì khác so với trước khi được công nhận là Bảo vật quốc gia. Vì là nhóm tượng thờ, hệ thống di sản này không thể tách rời vai trò tâm linh, tín ngưỡng, đồng nghĩa với việc khó tránh khỏi những tác động của thời tiết, khí hậu, con người...         

Tương tự, theo Phó Chủ tịch UBND xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai Nguyễn Văn Nghĩa, từ khi bộ tượng di đà Tam Tôn tại chùa Thầy được công nhận là Bảo vật quốc gia (năm 2015) đến nay, địa phương chưa được hướng dẫn kỹ thuật cũng như hỗ trợ kinh phí cho bảo quản hiện vật. Tuy nhóm tượng chưa có biểu hiện xuống cấp, song trong tương lai rất khó bảo đảm.

Hiện, hầu hết các Bảo vật quốc gia ở Hà Nội hiện được lưu giữ tại nhiều di tích trên địa bàn thành phố. Mỗi bảo vật có đặc thù khác nhau, trong khi việc bảo quản hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện của các địa phương, cơ sở tôn giáo, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ xuống cấp, mai một và khó phát huy giá trị một cách trọn vẹn. Có thể kể đến, bức giá tượng chạm khắc hình tượng đức Lạc Long Quân và các nhân vật thời kỳ Hùng Vương luôn được cất kỹ trong hậu cung đền Nội (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai), nên người dân và du khách rất ít cơ hội được chiêm ngưỡng, thưởng lãm. Trường hợp ngược lại là pho tượng Trấn Vũ tại đền Quán Thánh (quận Ba Đình), thường xuyên chịu sự xâm phạm của những người đi lễ thiếu ý thức. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc (ở phố Trấn Vũ, quận Ba Đình) chia sẻ: “Dù di tích đã đặt biển khuyến cáo và thường xuyên có người nhắc nhở, song có không ít người vẫn cố tình xoa vuốt, khiến chân tượng bị mòn bóng”.     

Lan tỏa giá trị báu vật đến công chúng

Trống đồng Hoàng Hạ được tìm thấy tại huyện Phú Xuyên (Hà Nội) là một trong những Bảo vật quốc gia được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Ảnh: Lê Hiếu

Các Bảo vật quốc gia ở Hà Nội mang trong mình dấu ấn văn hóa, giá trị thẩm mỹ của từng thời kỳ trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội, ngành Văn hóa Thủ đô có trọng trách quảng bá, lan tỏa sâu rộng các giá trị đó tới công chúng. Để làm được như vậy, không thể thiếu vắng vai trò của cộng đồng sở hữu di sản. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết, theo quy định, Bảo vật quốc gia sau khi được công nhận phải đi liền với chế độ “bảo quản đặc biệt”, song trên thực tế, nhiều địa phương chưa có phương án bảo quản cũng như kế hoạch lâu dài để phát huy giá trị. Nhiều nơi, tấm biển đề “Bảo vật quốc gia” cũng không có, khiến người dân không thể biết được giá trị của hiện vật đang trưng bày.

“Để thay đổi thực trạng, các địa phương sở hữu Bảo vật quốc gia cần sớm bắt tay vào nhiệm vụ này, đồng thời có báo cáo định kỳ về việc bảo vật được trông nom, phát huy giá trị ra sao. Ngành Văn hóa Hà Nội nên đề xuất thành phố có những quy định cụ thể về cơ chế, kinh phí dành riêng cho việc bảo quản, phát huy giá trị Bảo vật quốc gia”, ông Tống Trung Tín góp ý.

Trong khi đó, Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng: “Cần có nhiều hình thức để tôn vinh, quảng bá, như: Xây dựng các mô hình trưng bày riêng để nhận diện, tôn vinh; phát triển du lịch di sản gắn với các điểm đến sở hữu Bảo vật quốc gia; đưa Bảo vật quốc gia vào chương trình giáo dục ngoại khóa; đẩy mạnh giao lưu trưng bày Bảo vật quốc gia giữa các địa phương... để góp phần lan tỏa tới công chúng.

Đây cũng là cách gìn giữ giá trị bảo vật" 

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền thông tin, sau Công văn số 1909 BVHTTDL-DSVH ngày 20-5-2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị của Bảo vật quốc gia, ngành Văn hóa Thủ đô đã yêu cầu các địa phương xây dựng, hoàn thiện và triển khai phương án bảo vệ cũng như ưu tiên kinh phí cải tạo, nâng cấp công trình, bảo đảm Bảo vật quốc gia được đặt trong chế độ bảo quản đặc biệt. Đồng thời xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình quảng bá giá trị gắn với việc tuyên truyền bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

"Thời gian này, Bảo tàng Hà Nội, nơi lưu giữ 4/15 Bảo vật quốc gia cũng đang gấp rút hoàn thiện phần trưng bày, thể hiện dáng vẻ, hồn cốt và văn hóa Thủ đô suốt chiều dài lịch sử. Trong chuỗi chuyện kể ngàn năm Thăng Long - Hà Nội ấy, không thể thiếu sự hiện diện của nhiều Bảo vật quốc gia. Cùng với đó, Bảo tàng Hà Nội sẽ tiếp tục giới thiệu tới công chúng cuốn sách về Bảo vật quốc gia Thăng Long - Hà Nội; chế tác mô hình thu nhỏ các Bảo vật quốc gia như một cách tôn vinh, quảng bá, góp phần lan tỏa giá trị bảo vật”, bà Bùi Thị Thu Hiền cho biết.

Thanh Thủy/ hanoimoi.com.vn