Đã từ lâu, thói quen đun nước mùi già để tắm vào dịp Tết đã trở thành một nét đẹp trong văn hoá của người Việt.
Theo quan niệm của người xưa, tắm nước lá mùi để xua tan những chuyện không may mắn trong năm cũ, để chuẩn bị đón một năm mới nhiều ý nghĩa hơn, cầu nhiều tài lộc, may mắn. Cũng có người đơn thuần mua mùi già về đun chỉ để được đắm mình trong mùi hương dễ chịu, đầy hoài niệm.
Mùi già thật đặc biệt, càng khô thì lại càng thơm. Chỉ đi ngang qua thôi là có thể biết ai đang xách bó cây mộc mạc ấy. Hương thơm ngát, rất dễ chịu, ấm áp. Người ta còn gọi mùi của mùi già là mùi hương của yêu thương, của ký ức. Sự thơm tho, sự ngọt lành đó sẽ theo ta trong suốt cả một năm mới, như một lời yêu thương mà mọi người dành cho nhau.
Để có một nồi nước tắm đảm bảo chất lượng, cây mùi được chọn phải là cây mùi già, được nhổ cả rễ, rửa sạch, bỏ hết lá nát, rồi cho vào nồi nước đun. Không cần cho quá nhiều lá mùi, một bó vừa phải đun lên là đủ dùng cho cả nhà. Cầu kỳ hơn, có gia đình còn cho thêm vào nồi nước ít vỏ bưởi hoặc bồ kết nướng.
Không chỉ mang ý nghĩa về mặt tinh thần, mùi già còn có nhiều công dụng tốt cho sức khoẻ. Cây mùi già, lá mùi già, hạt mùi già có tính sát khuẩn nên tắm nước mùi già không chỉ giúp làm cho da sạch sẽ mà còn có tác dụng chống viêm nhiễm cho da. Thậm chí, những người đang bị cảm cúm có thể dùng mùi già để xông sẽ giúp bệnh nhanh khỏi hơn.
Ngày nay, khi những hình ảnh thân thuộc với Tết cổ truyền đang dần mất đi, thay thế bằng hương vị của rượu tây, sắc hoa của xứ người thì hương mùi già vẫn níu chân người ở lại. Trong vô vàn mùi hương của Tết, hương mùi già vẫn mang đến một cảm giác bình yên, ấm áp đến lạ kỳ, để mỗi chiều 30, trước khi thắp hương cúng đất trời, các bà, các mẹ nhất định phải đun bằng được nồi nước mùi già để cả nhà cùng tắm trong mùi hương đón chào năm mới./.
Thu Hiền/Vietnam Journey