Văn hóa

Cuộc khủng hoảng mang tên “Rác sau lễ hội”

15:43 - 20/02/2019
Mỗi dịp Tết đến xuân về, khắp cả nước tưng bừng diễn ra các lễ hội. Từ những lễ hội lớn cấp quốc gia cho đến các lễ hội nhỏ ở mỗi làng quê. Đây vốn là một truyền thống tốt đẹp cần được duy trì và phát huy. Tuy nhiên, việc rác tấn công vào mọi ngóc ngách sau mỗi dịp lễ hội là một hình ảnh xấu xí của Việt Nam trong mắt du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài.

Túi nilon, vỏ lon tràn lan dưới lòng đường… Ảnh: hanoimoi.com.vn

Con số gần 8.000 lễ hội mỗi năm cùng với những hình ảnh rác thải “mênh mông” sau lễ hội khiến nhiều người không khỏi thấy buồn.

Rác ở đâu ra?

Khăn ướt lau xong, vứt xuống đất. Chai nước uống xong, vứt xuống đất. Xúc xích ăn xong, vứt xiên xuống đất. Hoa quả ăn xong, vứt vỏ xuống đất. … Có những đoạn phố trở nên bốc mùi bởi một số người vô tư giải quyết nhu cầu cá nhân.

Các loại rác thải chủ yếu là rác sinh hoạt như túi nilon; hộp xốp; cốc và ống hút nhựa… Đây đều là những loại rác khó phân hủy và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Ảnh: dantri.com.vn

Sau đêm count down (đếm ngược) thì cây cỏ nát bươm, hàng rào gãy đổ, giày dép thất lạc tứ tung; những thảm cỏ, mặt đường đầy ni- long, vỏ chai, bã kẹo cao su bởi những nam thanh nữ tú chen lấn, xô đẩy, thậm chí là cãi cọ, mắng chửi nhau để có được một chỗ đứng tốt.

Không chỉ rác thải do người dân, lượng rác thải nhiều nhất phải kể đến là lượng rác thải từ việc kinh doanh của các quán ăn nhà hàng. Do nhiều ngày không được thu gom, những bãi rác tự phát bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Hình ảnh rác thải chồng chất, vứt ngổn ngang tại điểm du lịch Bình Liêu. Ảnh N.T

Rác đến tự sự thiếu ý thức?

Tham dự lễ hội có đủ thành phần lứa tuổi, già có trẻ có, nam có nữ có, tiểu thương có sinh viên có, dân văn phòng có và dân lao động cũng có. Sự thiếu ý thức có thể bắt gặp ở nhiều đối tượng khác nhau. Nhưng nếu quan sát kỹ thì hành vi thiếu ý thức, gây mất trật tự, mất mỹ quan lại đa phần được thực hiện bởi những người trẻ tuổi. Những thùng rác công cộng với thông điệp “Hãy cho tôi xin rác” dường như không được đếm xỉa.

Du khách tham gia hội Lim vô tư xả rác ngay tại chỗ ngồi

Bạn Nguyễn Hồng Nhung, sinh viên Học viện Báo chí và tuyên truyền- sinh viên tình nguyện chia sẻ: “Chúng tôi đã rất cố gắng để tuyên truyền giữ vệ sinh môi trường cũng như làm sạch các điểm tham quan nhưng vẫn có rất nhiều người không vứt rác đúng nơi quy định”.

Chị Trần Huyền, Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết: “Mặc dù công ty huy động gấp hai lần số công nhân so với ngày thường nhưng vẫn không dọn xuể lượng rác người dân xả ra.”

Ngã ba Đinh Tiên Hoàng nơi tập chung nhiều hàng quán ăn nhanh thường xuyên bị rác bủa vậy dịp lễ Tết

Những điểm lễ hội lớn như Đền Trần, chùa Hương, Yên Tử, Hội Lim hay quần thế danh thắng Tràng An đón hàng ngàn, thậm chí là hàng chục ngàn du khách mỗi ngày. Một hành động vứt rác xuống đường không đủ đánh giá bạn tốt hay xấu nhưng nó góp phần tạo nên một thói quen không tốt cho chính bạn và thậm chí là cả các thế hệ sau. Văn hóa ứng xử không được tôn trọng dẫn đến hậu quả là thảm cảnh nhếch nhác sau khi những “cơn bão” lễ hội đi qua.

Mặc dù công tác quản lý và bảo vệ môi trường của các cơ quan chức năng có phát huy hiệu quả nhưng cũng không thể đủ để “quản” hàng ngàn người đổ dồn về lễ hội cùng một lúc. Do đó, ý thức của mỗi du khách đóngvai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên. Và nếu cần thiết, kinh nghiệm bảo vệ môi trường bằng “kỷ luật thép” là điều chúng ta có thể học hỏi từ Singapore.

Phạm Dương (t/h)