Bị ‘cấm cửa’ vì nội dung bạo lực
Ngày 15/2, tờ South China Morning Post cho biết tác phẩm Parasite nhiều khả năng không được chiếu tại Trung Quốc, vốn là một thị trường điện ảnh "béo bở" mà nhiều nhà làm phim trên thế giới mong muốn. Là phim châu Á, đồng thời là phim không nói tiếng Anh đầu tiên thắng giải quan trọng nhất trong lịch sử 92 năm của Oscar, thế nhưng South China Morning Post cho biết nội dung Parasite có những yếu tố không phù hợp để được chiếu ở đại lục.
Tác phẩm Parasite của đạo diễn Bong Joon Ho đào sâu vào hố ngăn cách giàu, nghèo trong xã hội xứ kim chi hiện đại, nửa đầu phim pha trộn tiếng cười và mánh khóe nhưng càng về cuối lại trở nên dữ dội, gai góc và có phần bạo lực. Đó chính là yếu tố đầu tiên khiến cho giới duyệt phim Trung Quốc không đoái hoài tới tác phẩm thứ 7 trong sự nghiệp của "quái kiệt" điện ảnh Hàn. Không chỉ nội dung có phần bạo lực, đen tối, tờ này còn chỉ ra yếu tố sex cũng góp phần khiến "điểm trừ" của phim trong mắt những người làm kiểm duyệt càng lớn.
Parasite thắng giải Phim hay nhất tại Oscar 2020 diễn ra vào ngày 9/2. Ảnh: Reuters
Tờ này chỉ rõ quan điểm duyệt phim của Trung Quốc: "Cơ quan kiểm duyệt phim ảnh đại lục không chấp nhận những tác phẩm chứa đựng yếu tố sex, bạo lực, các vấn đề chính trị nhạy cảm, những ý đồ mê tín nhằm làm rối loạn trật tự xã hội, chơi thuốc, cờ bạc và cả một danh sách rất dài những điều gây ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia".
Hiện tại, Parasite đã chu du qua nhiều thị trường phim ảnh sôi động như Mỹ (doanh thu trên 39,4 triệu USD), Nhật Bản (trên 14,5 triệu USD), Pháp (trên 11,9 triệu USD), thậm chí là phim không nói tiếng Anh có doanh thu cao nhất tại xứ sở sương mù (trên 1,8 triệu USD), trước đó, hàng triệu người dân Hàn Quốc đã giúp cho Parasite thu về hơn 72,3 triệu USD. Tổng doanh thu toàn cầu của phim hiện trên 170 triệu USD. Theo như cập nhật trên các trang thông tin phim ảnh như Box Office Mojo, IMDb... không thấy thông tin thị trường Trung Quốc có tên trong danh sách mà Parasite sẽ được chiếu, càng cho thấy nhiều khả năng phim bị "cấm cửa" tại thị trường này.
Không xem rạp thì đành xem... lậu
Song bên cạnh việc Parasite chứa đựng những nội dung không phù hợp để chiếu ở Trung Quốc, vẫn còn yếu tố khác góp phần vào đó là thị trường phim ảnh Hoa ngữ đang "lao đao" vì dịch bệnh Covid-19. Hậu giải Oscar 2020, blogger chuyên viết về phim ảnh Yu Ni bày tỏ trên trang web Jiliuwang rằng nhiều khán giả Trung Quốc tỏ ra thất vọng khi không được thưởng thức phim của Bong Joon Ho, cũng như rất nhiều phim khác của Hollywood không được chiếu ở Trung Quốc trước đó.
Tuy có khả năng không được chiếu rạp, thế nhưng người dân đại lục vẫn còn cơ hội để xem Parasite qua nền tảng chiếu phim trực tuyến. South China Morning Post dẫn nguồn đáng tin cậy cho rằng một trong những trang chiếu phim trực tuyến lớn nhất ở Trung Quốc là iQiyi sẽ phát sóng bộ phim thế nhưng vẫn chưa rõ đến bao giờ tác phẩm này mới được phát chính thức. Ở Mỹ, đến hiện tại, bên cạnh việc chiếu rạp, Parasite còn có bản Bluray và thậm chí được chiếu trực tuyến, giúp cho khán giả nào chưa xem sẽ có cơ hội thưởng thức "siêu phẩm" này.
Nếu quá bí bách trong khi thế giới đã "ngây ngất" với Parasite, tờ này nhận định, người hâm mộ đại lục có thể xem bản “lậu” của Parasite được tải lên mạng hoặc "vượt" Phòng hỏa trường thành (dự án của chính phủ Trung Quốc trong việc kiểm duyệt mạng) bằng năng lực cá nhân để xem phim trên các trang trực tuyến khác.
Những phim Hàn chịu số phận "hẩm hiu" ở đại lục Nam diễn viên Song Kang Ho "kém duyên" với thị trường điện ảnh Trung Quốc khi các phim có mặt anh là The Attorney, A Taxi Driver đều bị "cấm cửa". Parasite sẽ tiếp tục là tác phẩm khiến cho tên tuổi nam nghệ sĩ 53 tuổi trở nên xa cách với khán giả đại lục. Ảnh: Showbox Trong quá khứ, nhiều dự án điện ảnh đến từ xứ kim chi tuy làm nức lòng khán giả thế giới nhưng bị "ngó lơ" bởi cơ quan kiểm duyệt phim Trung Quốc. Bộ phim có yếu tố sex, đồng tính và ngôn ngữ nhạy cảm là King and the Clown (2005) của đạo diễn Lee Joon Ik không được chiếu ở rạp Trung Quốc nhưng sau đó giới kiểm duyệt cho phép phát hành ở dạng DVD. Sau đó khá lâu, tác phẩm The Attorney (2013) của đạo diễn Yang Woo Seok tiếp tục số phận bị "cấm cửa". Bộ phim Train to Busan (2016) của đạo diễn Yeon Sang Ho, có doanh thu toàn cầu hơn 92,6 triệu USD (thu hơn 80,4 triệu USD ở thị trường Hàn Quốc) từng bị "khai tử" trước khi cập bến thị trường điện ảnh tỉ dân. Chung số phận với Train to Busan, hai tác phẩm Thử thách thần chết 1 (2017) và Thử thách thần chết 2 (2018) đều của đạo diễn Kim Yong Hwa (có doanh thu lần lượt là 109,3 triệu USD và 97,9 triệu USD toàn cầu) bị giới kiểm duyệt phim Trung Quốc liệt vào hàng phim tuyên truyền sự mê tín. May mắn hơn những phim trên, trong năm 2017, tác phẩm A Taxi Driver của đạo diễn Jang Hoon được chiếu một thời gian ở đại lục, nhưng sau đó khán giả so sánh nội dung phim với sự kiện chính trị ở Thiên An Môn năm 1989 khiến cho bộ phim ngay lập tức bị giới kiểm duyệt đại lục rút khỏi hệ thống rạp chiếu. |