Thực tế ấy đang đòi hỏi từng bảo tàng phải nhanh chóng tìm được biện pháp tháo gỡ. Vậy giải pháp nào để các bảo tàng thu hút khách? Tại sao trong bối cảnh chung nhưng một số bảo tàng tấp nập, còn đa số lại im lìm?
TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho rằng: “Bảo tàng không phải là một không gian chết mà chúng ta phải làm cho nó sống động”.
TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hà Nội
Vậy câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để bảo tàng trở nên hấp dẫn hơn với công chúng? Theo các chuyên gia đầu ngành về bảo tàng, điều đầu tiên và quan trọng nhất chính là những người làm bảo tàng phải tạo ra được một không gian văn hóa thực thụ, có tác động đến cộng đồng và phải hướng đến công chúng. Điều đó đồng nghĩa với việc khi xây dựng, lên phương án trưng bày cũng như thiết kế các chương trình hoạt động, những người làm bảo tàng phải đặt ra câu hỏi: Bảo tàng phục vụ ai? Ai sẽ là đối tượng tham quan chính? Họ sẽ làm gì ở bảo tàng? Điều gì khiến họ hấp dẫn, thích thú? Bảo tàng sẽ mang đến cho họ cảm xúc gì?… Chỉ khi làm được điều đó chúng ta mới tạo được sức hấp dẫn với du khách, tạo mối dây gắn kết với cộng đồng để bảo tàng không còn là những không gian khô cứng, lạ lẫm. Nhưng rất tiếc, từ thực trạng hoạt động của bảo tàng, khiến trong suy nghĩ của phần đông công chúng, bảo tàng chỉ còn là một không gian “chết”, là nơi mà chúng ta chỉ được thấy những gì thuộc về quá khứ, lịch sử, những thứ đã không còn tồn tại nên một bộ phận không nhỏ công chúng cảm thấy buồn hay nhàm chán khi đến bảo tàng.
Thực tế hiện nay, các bảo tàng đang đứng trước những khó khăn không nhỏ trong sự cạnh tranh khốc liệt với các thiết chế văn hóa khác. Lâu nay, quảng bá trong lĩnh vực bảo tàng là khía cạnh ít được đề cập đến. Bởi một số người “lãng mạn” quan niệm rằng “bảo tàng là thánh đường của tri thức” – nơi mà ai cũng phải ghé đến nên không cần quảng bá, và ngược lại một số khác thực dụng hơn “muốn quảng bá về bảo tàng nhưng không có kinh phí để làm”… Kết quả cuối cùng là hoạt động quảng bá về bảo tàng ở nước ta gần như không có. Theo nhận định của PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, đây là một lối thoát cho cảnh đìu hiu bảo tàng, nhưng đáng tiếc là chúng ta chưa làm được.
Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa các hoạt động trải nghiệm, trình diễn sẽ tạo điểm nhấn thú vị khiến không gian ở bảo tàng là một không gian mở thay vì bị bó hẹp trong phòng trưng bày cứng nhắc như cách làm thường thấy. Khách tham quan được tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, trẻ em có phòng riêng để khám phá các giá trị văn hóa – lịch sử phù hợp với lứa tuổi… Đây là việc khó “như cuộc cách mạng” nhưng không phải không làm được. Ở nước ta, điều đó đã được minh chứng bằng thực tế ở Bảo tàng Dân tộc học từ nhiều năm và cho tới giờ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam vẫn đang là một trong số ít những bảo tàng hút khách, bởi họ đã mạnh dạn thay đổi, đầu tư thiết kế không gian trưng bày theo cách “có ý tưởng, có cốt truyện, tạo ra kịch tính và sử dụng các thiết bị kỹ thuật hỗ trợ tương tác sinh động bằng hình ảnh, âm thanh” như đánh giá của PGS TS Nguyễn Văn Huy.
Một trong số hiếm bảo tàng ở TPHCM ngày nào cũng đông khách phải kể đến Bảo tàng chứng tích chiến tranh. Ngoài số hiện vật, tư liệu khổng lồ về chiến tranh khốc liệt mà bảo tàng này lưu giữ, thì các hoạt động có liên quan như trưng bày chuyên đề, giao lưu với nhân vật, đổi mới cách sắp xếp và trang trí hiện vật bằng ánh sáng, âm thanh với công nghệ 3D, 4D… là những yếu tố giúp bảo tàng luôn đông khách. Bảo tàng còn có phần song ngữ Việt – Anh khá chi tiết cho từng hiện vật, tư liệu để khách có thời gian tự tìm hiểu các nội dung trưng bày theo hướng khách quan, thể hiện các ý kiến đa dạng. Ông Châu Phước Hiệp, Phó Giám đốc Bảo tàng lý giải: “Yếu tố thu hút khách đến tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ngày càng đông là ở sự thay đổi hình thức bên ngoài, nội dung trưng bày, các dịch vụ kèm theo. Có thể nói, thời gian gần đây bảo tàng thường xuyên chỉnh lý các nội dung trưng bày, đưa thiết bị công nghệ vào để giúp khách nắm nội dung tốt nhất”.
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đông khách
Để giải cứu bảo tàng trước tình trạng đìu hiu vắng khách, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia, điều quan trọng là cần thay đổi tư duy, cách quản lý điều hành, cần xem bảo tàng như một đơn vị kinh tế độc lập có thu. Chỉ khi bài toán kinh doanh nghệ thuật được đặt ra một cách nghiêm túc và sát sườn mới buộc được các giám đốc, quản lý bảo tàng thay đổi cách nghĩ, cách làm: “Chúng ta đang tồn tại trong nền kinh tế thị trường, các thiết chế văn hóa muốn tồn tại phải nghĩ đến câu chuyện sinh lợi. Chúng ta phải thay đổi tư duy, cách thức quản lý. Khi hướng đến người tham quan thì phải biết nhu cầu của họ thế nào? Chẳng hạn người tham quan muốn xem những tác phẩm nổi tiếng thì chúng ta phải có những tác phẩm nổi tiếng. Người ta muốn bảo tàng trông bắt mắt hơn thì hình thức trưng bày của chúng ta phải khác”.Du lịch bảo tàng được xem như con đường ngắn nhất trong việc tìm hiểu văn hóa của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Xếp hàng dài và chờ nhiều giờ đồng hồ mới vào được bảo tàng là giấc mơ xa xỉ ở nước ta, nhưng đó lại là hiện thực ở bảo tàng Lourve của Pháp, bảo tàng London của Anh hay rất gần chúng ta là Bảo tàng khủng long tại Singapore. Bảo tàng Khủng Long chỉ mở cửa từ tháng 6 đến hết tháng 8/2019. Đây là bảo tàng do hãng điện tử Philips của Hà Lan kết hợp với Trường Đại học Quốc gia Singapore tổ chức. Khoảng thời gian hữu hạn (chỉ có 3 tháng) tưởng là điểm yếu, hóa ra lại “thỏi nam châm” hút khách đến với Bảo tàng khủng long.
Hệ thống ánh sáng hiện đại ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh khiến không gian trưng bày trở nên thu hút
Xã hội hoá công tác bảo tàng, đổi mới cách trưng bày, tổ chức các hoạt động trình diễn, trải nghiệm, mở rộng không gian “động” tại các bảo tàng, tăng cường quảng bá …v.v sẽ khiến bảo tàng có sức sống. Tất cả những điều đó đều đúng, rất đúng. Nhưng, để làm được cần lắm những cú hích, cần lắm một “cuộc cách mạng” để thay đổi tư duy, trước hết từ chính những người làm bảo tàng. Khi tư duy sáng tạo, xác định đúng trọng trách, chúng ta sẽ tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, tự khắc sẽ thay đổi “cái nhìn” của công chúng cũng như các nhà quản lý về hoạt động bảo tàng. Và đổi mới tư duy, đó chính là lối thoát hữu hiệu giúp các bảo tàng hết cảnh đìu hiu.
Các bảo tàng, bên cạnh chức năng trưng bày, có thể biến thành một sàn giới thiệu sản phẩm để đưa các tác phẩm nghệ thuật đương đại giới thiệu cho công chúng. Khi đó, các nghệ sỹ được hưởng lợi khi tìm đến bảo tàng, công chúng được hưởng lợi khi tìm đến bảo tàng, bản thân bảo tàng cũng có lợi vì kết nối được bên bán – bên mua. Đó là câu chuyện mà anh Vũ Tuấn Anh, nhà sáng lập và giám đốc điều hành Nhà đấu giá nghệ thuật chọn chia sẻ: “Doanh số của toàn bộ thị trường nghệ thuật năm 2017 trên toàn thế giới khoảng gần 70 tỷ USD, nghĩa là gần gấp đôi GDP nền kinh tế Costa Rica. Giá trị mang lại từ tài chính và ảnh hưởng đối với kinh tế xã hội là quá lớn. Các nhà đấu giá nghệ thuật sẽ đưa ra trưng bày các tác phẩm quí giá cả về giá trị mỹ thuật, giá trị lịch sử, văn hóa, thổ nhưỡng… là đại diện tinh thần của mội dân tộc thể hiện qua các tác phẩm nghệ thuật”.
Nhóm PV/VOV2