Tranh dân gian, vẻ đẹp gắn liền với ngôi nhà Việt |
Với đặc trưng nhà tranh vách đất xa xưa, tranh dân gian với màu sắc rực rỡ, hoa văn độc đáo và thông điệp giản đơn gắn liền với cuộc sống luôn đặc biệt hữu dụng mỗi dịp Tết đến xuân về. Thường người ta treo tranh để trang trí nhà, mang chút sắc thắm của mùa xuân đến với hy vọng “Tống cựu, nghinh tân”. Mỗi năm người ta lại thay tranh một lần.
Cứ như vậy, tranh dân gian không chỉ là một phần của Tết, hiện diện gần gũi và thân thương trong những ngôi nhà mộc mạc của người Việt, mà còn gắn liền với cuộc sống hàng ngày, mang đến những niềm vui và mong ước gửi gắm trong những hình tượng dân gian.
Nghệ nhân tranh dân gian trình diễn vẽ tranh ngày Tết
Trân quý là vậy, nhưng trước thăng trầm của lịch sử và những biến đổi trong cuộc sống, thú vui tao nhã này dẫn mai một, kéo theo là những dòng tranh thất truyền, chỉ còn trong ký ức…
Tranh dân gian Kim Hoàng, một trong những dòng tranh đang mai một...
Khôi phục tranh dân gian không dễ dàng |
Mới đây những người yêu nghệ thuật dân tộc, đặc biệt là dòng tranh dân gian được tiếp thêm sức sống mới, khi một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc dự án “Khôi phục dòng tranh dân gian Kim Hoàng” (gồm Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa, GS.TS Trịnh Sinh và nhiếp ảnh gia Lê Bích) đã cho ra đời cuốn sách “ Dòng tranh dân gian Kim Hoàng”.
Đây là một nỗ lực bảo tồn và giữ gìn văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, một dòng tranh đã từng ở thời cực thịnh như tranh Đông Hồ, Hàng Trống…rồi biến mất hoàn toàn vào năm 1947 cho tới năm 2016, khi dự án bắt đầu được khởi động.
Nhóm tác giả cuốn sách "Dòng tranh dân gian Kim Hoàng" tại lễ ra mắt
Bảo tồn tranh dân gian nên tập trung vào thế hệ trẻ |
Phát biểu tại lễ ra mắt cuốn sách “Dòng tranh dân gian Kim Hoàng”, nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội, chủ biên dự án lạc quan nhận định, nếu tìm được hướng đi đúng đắn, thời kỳ hoàng kim của tranh dân gian sẽ quay lại.
Để bảo tồn tranh dân gian, trước mắt, theo chị, cần tập trung vào việc bồi dưỡng, đào tạo thêm lớp nghệ nhân mới. Thêm vào đó, bản thân các nghệ nhân phải thích nghi với hơi thở cuộc sống mới, tạo thêm nhiều mẫu mã, khám phá những chất liệu mới để tranh dân gian dễ dàng tiếp cận cuộc sống hàng ngày, chứ không đơn thuần chỉ là thú chơi ngày Tết.
Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa
Đặc biệt là cần phát triển những chương trình trải nghiệm thực tế ở các làng tranh dân gian để tranh dân gian đến được với thế hệ trẻ em, những “khách hàng” tương lai của dòng tranh này.
Chị Thu Hòa nhấn mạnh: “Biết đâu năm, mười năm nữa chính các em sẽ là người kế thừa và tiếp tục những nghiên cứu mà chúng tôi hôm nay đặt nền móng về khôi phục dòng tranh dân gian Kim Hoàng”?
Kim chỉ nam của việc bảo tồn di sản là làm mới chính mình |
Là một họa sĩ giàu kinh nghiệm và luôn đau đáu với dòng tranh dân gian, họa sĩ Lê Thiết Cương cũng trăn trở với câu hỏi, làm thế nào để tranh dân gian vượt qua khuôn khổ của dòng tranh Tết và có chỗ đứng trong cuộc sống đương đại. Theo ông, kim chỉ nam của việc bảo tồn di sản chính là…làm mới chính mình.
Họa sĩ Lê Thiết Cương khẳng định, việc in những hoa văn, họa tiết của những bức tranh dân gian lên những vật dụng quen thuộc hằng ngày: áo dài, chặn giấy, những viên sỏi, những miếng gỗ trưng bày là một hướng đi mới mẻ và đúng đắn.
Họa sĩ Lê Thiết Cương
Nên gắn gìn giữ tranh dân gian với phát triển du lịch làng nghề |
Là một trong ba tác giả của cuốn sách “Dòng tranh dân gian Kim Hoàng” và cũng là một người đam mê với nghệ thuật dân tộc, đặc biệt là các làng nghề truyền thống, nhiếp ảnh gia Lê Bích cho biết, ngay bản thân cái tên “tranh dân gian” đã nói lên nhiều điều, thể hiện ước vọng của người dân ngày xưa qua các đề tài phong phú, đa phần là gắn với cuộc sống và sinh hoạt thường ngày.
Nhiếp ảnh gia Lê Bích giới thiệu về dự án "Khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng"
Tuy nhiên, anh thừa nhận, việc phát hiện và đào tạo được lớp nghệ nhân kế cận thực sự đủ đam mê gìn giữ lửa nghề là rất khó.
Trong quá trình thực hiện dự án “Khôi phục dòng tranh dân gian Kim Hoàng”, đã đào tạo được 5 nghệ nhân trẻ. Tuy nhiên sau đó phần lớn bỏ nghề. Hiện giờ cả làng Kim Hoàng chỉ còn duy nhất nghệ nhân Đào Đình Trung và 1 nghệ nhân trẻ là vẽ chính.
Nghệ nhân Đào Đình Trung của làng tranh dân gian Kim Hoàng
Cùng chung nhận định “phải làm mới di sản” với họa sĩ Lê Thiết Cương, nhiếp ảnh gia Lê Bích cho rằng, bảo tồn và khôi phục dòng tranh dân gian Kim Hoàng nên gắn với phát triển du lịch làng nghề.
Theo anh, làng Kim Hoàng nằm ở một khu vực được cho là đẹp nhất của xứ Đoài, gần nhiều danh lam nổi tiếng trong vùng như chùa Tây Phương, chùa Thày, lại gần cả trung tâm Hà Nội. Đó là tiền đề, là cơ sở vô cùng thuận lợi để khôi phục và quảng bá nghề tranh dân gian Kim Hoàng xa xưa. Khi ấy, nghệ nhân có thể sống được và sống khỏe bằng nghề vẽ tranh dân gian, còn tranh dân gian thì có thể vươn ra ngoài cổng làng mà tiếp cận với bè bạn khắp nơi.
Nhiếp ảnh gia Lê Bích chia sẻ, làng Kim Hoàng có thể tìm hiểu và học hỏi mô hình quảng bá tranh dân gian gắn với du lịch của làng tranh Đông Hồ, Bắc Ninh. Điển hình như mô hình của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, người đã thuê mảnh đất 6000 mét vuông để mở xưởng tranh, đồng thời biến xưởng tranh thành một điểm du lịch nổi tiếng.
Các hoa văn dân gian xuất hiện tại triển lãm tranh dân gian và ứng dụng tại Văn Miếu 2018
Trong tâm thức, chúng ta vẫn quen với việc đến tết, tranh dân gian mới gần như được “lên ngôi”. Nhưng với những tín hiệu đáng mừng gần đây, như khôi phục được dòng tranh dân gian Kim Hoàng, hay được ngắm nhìn những họa tiết, hoa văn tranh dân gian hiện diện ở khắp nơi, ở những vật dụng thường ngày trong cuộc sống, trên những tà áo dài thướt tha của những người con gái khi xuân về…, chúng ta hoàn toàn có thể trông chờ vào ngày mà dòng tranh dân gian thực sự quay trở lại thời hưng thịnh xưa kia, để “màu dân tộc" lúc nào cũng "sáng bừng trên giấy điệp.”
Anh Vũ/ Vietnam Journey