Khung cảnh xanh ngút tầm mắt ở Phú Yên trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Ảnh: Galaxy Media Entertainment
Không thể phủ nhận điện ảnh đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá du lịch. Nếu trong phim xuất hiện những cảnh quay đẹp về địa điểm, thắng cảnh thì chắc chắn khán giả sẽ biết đến và yêu thích địa điểm đó hơn.
Trong nhiều bộ phim Việt Nam gần đây như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Lặng yên dưới vực sâu, phong cảnh Việt Nam hiện lên đầy chất thơ và không thua kém gì nước ngoài. Những thước phim này có tác động rất lớn đến người xem về nhiều mặt, trong đó có cả du lịch.
Những người yêu điện ảnh, đặc biệt là giới trẻ sẽ muốn đến ngay những vùng đất ấy để khám phá, chụp ảnh và trải nghiệm không khí "như trong phim".
Riêng Phú Yên, sau khi Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh phát sóng, đã trở thành điểm đến được săn lùng nhiều nhất.
Những thước phim điện ảnh với những cảnh quay đẹp, ấn tượng, có tác động lớn trong việc quảng bá văn hóa và du lịch Việt Nam. Không chỉ đối với người nước ngoài, mà còn tác động lớn đến việc thay đổi nhận thức của chính người dân Việt Nam về văn hóa nước mình.
Ninh Bình hiện ra đầy thơ mộng trong phim Tấm Cám, chuyện chưa kể
Không khó để nhận ra rất nhiều địa danh du lịch quen thuộc như khu du lịch Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, chùa Bái Đính, chùa Bồ Đề, chùa Bút Tháp (Ninh Bình), phủ Thành Chương, khu di tích Cổ Loa, đền An Dương Vương, chùa Trầm, vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội)... xuất hiện đẹp lộng lẫy trong các bộ phim Việt Nam gần đây.
Khán giả hẳn cũng chưa quên bộ phim Ngọc Viễn Đông (2011) của đạo diễn Việt kiều Cường Ngô với hàng loạt những danh lam thắng cảnh của Việt Nam, như phố núi Sa Pa (Lào Cai), biển Mũi Né (Bình Thuận), phố cổ Hội An (Quảng Nam), thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), tạo ra những khung hình đẹp xao lòng.
Một cảnh trong phim Ngọc Viễn Đông
Có thể nói, hiệu ứng nhanh nhạy và sống động của phim ảnh đã góp phần không nhỏ làm cho ngành du lịch thêm “khởi sắc”. Không phải tự nhiên mà những đất nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Italia, Pháp, Trung Quốc, Thái Lan… thu hút được lượng khách du lịch khổng lồ. Một phần làm nên thành tựu đó chính là sức hút của điện ảnh.
Nếu nói về điện ảnh du lịch, chưa cần tới những quốc gia đã trở nên lừng danh về du lịch như New Zealand với loạt phim "Chúa Nhẫn", hay "The Hobbit", mà Việt Nam có thể học hỏi ngay nước bạn Thái Lan ở khoảng cách rất gần.
Đất nước này có những bước đi đơn giản mà hiệu quả như: Thiết lập một trang web cung cấp mọi thông tin về thủ tục muốn quay phim ở Thái Lan, tranh thủ mọi cơ hội tại các LHP quốc tế để triển lãm, liên lạc với khách hàng tiềm năng...
Ví dụ, trong tất cả các tài liệu giới thiệu du lịch, hòn đảo Ko Tapu đều mang tên đảo James Bond. Và tất cả những lời giới thiệu về hòn đảo, dù của người dân địa phương hay trên những trang tin du lịch đều nhắc đến bộ phim như một niềm tự hào của họ.
Hay gần đây nhất, bộ phim Friend Zone của Thái Lan đã tạo nên cơn sốt khi đánh trúng tâm lý của giới trẻ. Đặc biệt, bối cảnh "không chê vào đâu được" trong mỗi phân đoạn là điểm nhấn thu hút các tín đồ xê dịch khi theo dõi phim.
Đảo Krabi (Thái Lan) xuất hiện trong Friend Zone
Ở Hàn Quốc, phim truyền hình cũng tham gia quảng bá rất hiệu quả cho hoạt động du lịch. Trong các tour du lịch tham quan Hàn Quốc, chương trình của khách cầm trên tay luôn có các điểm tham quan: Đảo Jeju, đảo Nami, công viên Lotte World, bến phà Abai... từng xuất hiện trong các phim: Nấc thang lên thiên đường, Trái tim mùa thu, Bản tình ca mùa đông, Nàng Dae Jang Geum...
Bức tượng 2 nhân vật chính trong phim Bản tình ca mùa đông trên đảo Nami
Ở các điểm từng làm phim, họ dựng pano lớn chụp hình diễn viên và bối cảnh cùng các lời chú thích thú vị. Và du khách nườm nượp xếp hàng đợi chụp hình do tò mò và do tên tuổi của các ngôi sao.
Bên cạnh các bộ phim điện ảnh, phim tài liệu cũng đóng vai trò to lớn trong việc quảng bá du lịch.
Đạo diễn, NSND Nguyễn Như Vũ - Quyền Tổng Giám đốc Hãng phim Tài liệu Khoa học TW, cho biết, phim tài liệu, đặc biệt là phim tài liệu khoa học mang đặc thù là phản ánh hiện thực, phản ảnh một cách sinh động, nghệ thuật để hấp dẫn người xem.
Đạo diễn, NSND Nguyễn Như Vũ tự hào vì Hãng phim Tài liệu Khoa học TW nhiều năm qua đã đóng góp một phần không nhỏ vào quảng bá văn hóa, du lịch thông qua điện ảnh
"Không ít phim của hãng phim của chúng tôi đã quảng bá các vùng miền tổ quốc đến với khán giả trong và ngoài nước. Đã có những phim mang đến hiệu ứng rất tốt như Cao nguyên đá Đồng Văn, sau này Đồng Văn trở thành công viên địa chất toàn cầu. Phim Trở lại Ngư Thủy gây tiếng vang rất lớn và đã làm thay đổi cả một vùng đất, khơi dậy danh tiếng làng quê. Những bộ phim của chúng tôi tự hào vì nhiều năm qua đã đóng góp một phần không nhỏ vào quảng bá văn hóa, du lịch", đạo diễn Nguyễn Như Vũ chia sẻ thêm.
Chính vì lẽ đó, nhiều bộ phim tài liệu của Hãng phim Tài liệu Khoa học TW đã đưa các vùng miền tổ quốc đến gần hơn với khán giả trong và ngoài nước, thông qua những thước phim sống động. Chẳng hạn như bộ phim Ông Tây nước mắm của đạo diễn Đào Đức Thanh được trình chiếu trong đợt này mang đến cho người xem những khung hình đẹp về các vùng làm mắm của Việt Nam.
Phim kể câu chuyện về tình yêu đối với nước mắm của một người đầu bếp nước ngoài, nếu được quảng bá rộng rãi, câu chuyện trong phim sẽ khiến khán giả cảm thấy yêu món ăn Việt, yêu nước mắm hơn.
"Âu, Mỹ, Nhật quan tâm bảo vệ cá ngừ như thế nào thì người Việt Nam cũng cần có chính sách để giữ nguồn cá cơm cho thế hệ mai sau. "Đó là một di sản cần giữ gìn để các thế hệ sau có thể tiếp tục sản xuất nước mắm và được ăn nước mắm ngon" - Nhân vật trong phim nói một cách đơn giản, thành thực.
Trong tương lai, khán giả Việt Nam có thể hy vọng sự kết hợp giữa điện ảnh và du lịch sẽ mang đến những thành tựu lớn cho cả 2 lĩnh vực. Không chỉ để những cảnh đẹp hùng vĩ, thơ mộng của đất nước sẽ thường xuyên xuất hiện trên các bộ phim ở trong và ngoài nước, mà còn mang lại cho du lịch nước nhà những cơ hội mới.
Tiểu Dương/Vietnam Journey