Lễ tơ hồng là nghi lễ kết duyên, kết số và báo cáo với thần linh trong đám cưới của người Dao. Trong suốt nghi lễ, cô dâu và chú rể không được nhìn thấy nhau
Dù cô dâu là dân tộc nào thì cũng phải mặc đồ truyền thống của người dao khi về nhà chồng
Nghi lễ bắt đầu từ lúc đón dâu về nhà chồng. Dù cô dâu là người dân tộc nào, khi cưới chồng người Dao Lô Gang thì phải theo phong tục ở nhà chồng. Hai phù dâu đi cùng cũng phải mặc trang phục truyền thống của người Dao.
Gần đến cổng nhà trai, cô dâu phải khoác lên bộ trang phục truyền thống của người Dao, gồm váy áo, mạng che mặt và một chiếc mũ đặc biệt
Bà Đặng Thị Liễu – một người bà họ hàng của chú rể là người chuẩn bị tất cả những trang phục này, đích thân ra ngoài ngõ mặc giúp và dặn dò cháu dâu tương lai.
Theo truyền thống, chỉ có những người uy tín mới được các đám cưới "mượn mũ", "mượn tay" sắp xếp, chỉ bảo cô dâu trong ngày cưới như vậy
Bà Đặng Thị Liễu cho biết, theo tục lệ ở đây, cô dâu phải che kín mặt, "để không cho người lạ thấy mình, kẻo sau này về nhà vợ chồng hay cãi nhau"
Chiếc khăn để dắt cô dâu đến cửa nhà chồng
Vì mặt bị che kín nên người phù dâu dùng một chiếc khăn dắt cô dâu vào đến cửa nhà chồng. Đi cùng cô dâu là đoàn nhà gái và đội kèn của nhà trai thổi vang những khúc nhạc chào mừng.
Thầy cúng chờ trước cửa nhà để làm lễ tơ hồng
Hôm nay, nghi lễ tơ hồng được thực hiện bởi thầy Hồng "Hợp Tiến", người mà "hơn 20 năm rồi không đếm nổi đã làm cho bao nhiêu đám cưới nữa".
Trước khi bước vào nhà, thầy cúng sẽ yêu cầu tân nương bước qua con dao và chiếc bát nước đặt ở cửa chính
Thầy Hồng giải thích, bát nước và con dao là để tà ma không thể vào được trong nhà
Sau khi cô dâu bước qua, thầy cúng tiếp tục làm phép. Con dao được đặt trước cửa nhà để canh giữ, 3 ngày sau mới được cất đi
Bát nước được hắt đi và úp xuống, hàm ý thách đố ma tà nếu muốn vào nhà thì phải làm đầy bát nước trở lại
Cô dâu, chú rể đều che kín mặt, có người đứng sau hỗ trợ thực hiện nghi lễ
Thầy Hồng rải một chiếc chiếu ra trước ban thờ gia tiên và làm phép lên chiếc chiếu sau này hai vợ chồng nằm chung
Lễ tơ hồng trước đây làm rất lâu vì chú rể phải vái gia tiên hàng chục lần, tuy nhiên ngày nay đã đơn giản hóa xuống còn 12 lần. Suốt buổi lễ, cô dâu hầu như chỉ đứng im
Hai thầy kèn ngồi phía sau thầy cúng, thổi nhiều khúc nhạc khác nhau theo suốt quá trình làm lễ
Rượu gan lợn - loại rượu không thể thiếu trong nghi lễ tơ hồng của người Dao. Rượu này để thỉnh thánh và gia tiên, cùng với các món thịt gà, thịt lợn
Hai chén rượu dành cho vợ chồng được đong qua đong lại, với ý nghĩa hai vợ chồng sẽ hòa hợp, mọi chuyện dung hòa
Cô dâu, chú rể phải uống những chén rượu này ngay tại buổi lễ
Nếu không thể uống hết thì có thể hắt xuống chiếu, "vì đằng nào sau này hai vợ chồng cũng phải nằm chung".
Thầy Hồng miệng lẩm nhẩm làm phép lên hai chiếc chén đôi vợ chồng trẻ vừa uống cạn
Cô dâu cầm một dải khăn hoa, có họa tiết giống áo chú rể
Chú rể cầm một dải khăn trắng, có họa tiết giống với thắt lưng của cô dâu
Thầy Hồng đi vòng quanh nhà để giải hết những điều xui xẻo
Khi làm phép không được nói to, nếu không sẽ mất hiệu nghiệm. Những tờ giấy làm phép được ném đi để hóa giải xung khắc.
Phần cuối của buổi lễ, thầy Hồng ngậm nước vào miệng và phun ra xung quanh để phù phép sao cho vợ chồng quấn quýt không thể bỏ nhau
Kết thúc buổi lễ
Kết thúc lễ tơ hồng, tân lang và tân nương trở về phòng để thay đồ đi mời trà, mời rượu, mời cơm và cảm ơn các thầy cúng, ông bà, bố mẹ và mọi người trong đám cưới. Lúc này, thầy kèn lại thổi lên khúc nhạc mời cơm, mời rượu. Nghi lễ cuối cùng của thầy cúng là đốt tiền vàng, báo thần linh cho con dâu mới nhập khẩu về gia đình.
Chiếc khăn đỏ được thầy đặt lên bàn thờ làm lễ
Chiếc khăn màu đỏ vốn đeo trên đầu thầy cúng được đặt lên ban thờ để bảo vệ hai vợ chồng trẻ, 3 ngày sau mới được gỡ ra./.
Theo VOV.VN