Theo Nghệ nhân ưu tú Dương Ngọc Tiển, làng đúc đồng Phước Kiều, tỉnh Quảng Nam, để đúc được cồng chiêng thường có 10 bước cơ bản. Đầu tiên là làm khuôn trong và khuôn ngoài từ các nguyên liệu đất sét, trấu, đất thịt. Sau khi làm khuôn xong, để có thể đúc được, người thợ phải pha chế hợp kim gồm đồng, thiếc, kẽm; sau đó nấu cho hợp kim chảy loãng, khi thấy độ tinh thì đổ hợp kim nóng chảy vào khuôn. Hợp kim sau khi nấu được đổ vào khuôn đã tinh đặc, tháo khuôn ra sẽ được phôi cồng chiêng. Qua các bước gia công, làm sạch, so âm, thẩm âm, bôi hóa chất sẽ có bộ cồng chiêng hoàn chỉnh. Nghệ nhân ưu tú Dương Ngọc Tiển nhấn mạnh, hiện nay làng nghề chỉ còn 3 nghệ nhân biết đúc cồng chiêng Tây Nguyên và cả 3 nghệ nhân đã trên 60 tuổi. Đây cũng là nỗi trăn trở của những nghệ nhân làng nghề về lưu giữ, phát huy nghề truyền thống đã có từ lâu đời.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Đặng Gia Duẩn cho biết, hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng chưa có nghệ nhân nào biết đúc chiêng và chưa có hộ gia đình, doanh nghiệp nào đứng ra mở cơ sở nghề, truyền nghề đúc chiêng. Việc bảo vệ cồng chiêng, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đang đứng trước những nguy cơ, thách thức lớn. Lễ trình diễn đúc cồng chiêng của người Ê Đê nhằm tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá đến nhân dân, bạn bè, du khách trong nước và quốc tế về Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, về nguồn gốc, giá trị, ý nghĩa lịch sử ra đời của những bộ chiêng quý, đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Hoạt động trình diễn diễn ra trong 3 ngày 11 – 13/3, xen lẫn là các tiết mục văn nghệ của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, đánh cồng chiêng, thu hút sự tham quan, theo dõi của đông đảo du khách và người dân.
Phạm Hằng, theo TTXVN