5h30 sáng 24 tháng Chạp, trước cửa chùa làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội), bà Hồng cùng những người dân trong làng lựa từng chiếc vành nón làm bằng tre, mặc cả từng trăm đồng. Làng Chuông có nghề làm nón đã hơn 3 thế kỷ, nổi tiếng vì sản phẩm được làm thủ công hoàn toàn, bền, đẹp và từng được chọn làm vật phẩm cung tiến cho vua chúa ngày trước.
Phiên chợ của làng họp vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24, 30 hàng tháng bán nón và nguyên liệu cung cấp bởi thợ thủ công đến từ các làng quanh Hà Nội
Ông Nguyễn Văn Hưu, Thanh Oai (trái) đã làm vành nón hơn 40 năm đang giới thiệu với khách sản phẩm của mình. Với những chiếc vành làm thủ công, một ngày ông Hưu có thể làm từ 70 đến 100 chiếc. Một chiếc vành có giá 1.200 - 2.200 đồng tùy độ khéo léo của người thợ, trong cả việc chọn tre và chế tác.
Một góc bán cật nứa, loại nguyên liệu để làm các vòng nón và chỉ khâu. Nón lá làng Chuông đặc trưng với 16 vòng gồm 15 vòng sử dụng cật nứa ở trên và 1 vòng tre làm vành nón cạp thêm loại nứa màu đỏ. Mỗi tiểu thương ở chợ thường chỉ bán từ một đến hai loại nguyên liệu, chia thành các khu vực nhỏ.
Gian hàng của chị Viện chuyên bán khuôn làm nón. Chị Viện kể, rất nhiều du khách đến tham quan chợ cảm thấy thích thú với mặt hàng này và đã mua làm quà lưu niệm. “Họ bảo từ trước đến nay chỉ biết đến nón lá nhưng không biết cái khuôn làm nón như thế nào”, chị tâm sự. Một chiếc khuôn có giá từ 70.000 đến 90.000 đồng tùy độ lớn, nhỏ.
Khu bán lá lụi nhìn từ cổng tam quan chùa làng Chuông. Đây là loại lá có nguồn gốc từ miền Trung, nguyên liệu chính tạo nên những chiếc nón. Khi lên khuôn, người thợ còn lót thêm một lớp vỏ cây vầu giữa hai lớp lá để tăng thêm độ cứng cho nón.
Để cho ra thành phẩm, những chiếc lá lụi phải trải qua rất nhiều công đoạn xử lý. Đặc biệt nhất là việc hun lá bằng lưu huỳnh để lá chuyển sang màu trắng. Những bao tải lá tại chợ khi bóc ra vẫn còn mùi rất khó chịu, du khách không quen với mùi này khi tiếp xúc gần lá có thể bị ho, khó thở.
Những lúc rỗi rãi, các tiểu thương tranh thủ làm phẳng lá như một cách để chiều khách khi người mua bớt được một công đoạn xử lý.
Bà Đào Thị Son, 80 tuổi, cầm theo những chiếc vành nón chọn được từ sáng sớm. Bà Son chia sẻ, nghề làm nón đã gắn bó với bà từ thuở lọt lòng. Đến nay, hàng ngày bà vẫn cố làm hai, ba chiếc nón để “vừa có thêm đồng ra đồng vào, vừa giữ được nghề”.
Một chiếc nón thành phẩm bán tại chợ có giá 35.000 - 45.000 đồng. Ngay giữa chợ, nón xếp thành từng chồng phục vụ cả khách lẻ và các thương lái bán buôn.
Khách hàng chọn lựa từng chiếc nón trên tay người bán. Chị Duyên, người làng Chuông, cho biết: “Chợ họp trong hơn 3 tiếng, từ khoảng 5h30 đến 9h nhưng khách chỉ cần đến lúc 7h đã không còn hàng đẹp để mua”.
Người bán tận dụng mọi vị trí có thể để bày nón. Các tiểu thương kể lại, điểm trái ngược ở chợ nón làng Chuông với các chợ khác ở chỗ, càng cuối năm lại càng vắng khách. Giải thích về điều này, bà Luận, một người đã bán hàng tại chợ 50 năm cho hay, những ngày cuối năm, khách ở xa không về đây mua nữa nên vắng vẻ hơn. Mùa cao điểm của làng Chuông là giữa năm.
Trước cổng tam quan chùa làng Chuông. Dù đã có thời được mệnh danh là “vương quốc nón lá”, nhưng làng Chuông cũng đang đứng trước nguy cơ nghề truyền thống bị mai một, cũng như bao làng nghề thủ công khác. Dù vậy, phiên chợ độc đáo này vẫn giữ nguyên “hồn quê", níu chân những người yêu văn hóa truyền thống của dân tộc tìm về mỗi dịp cuối năm âm lịch.
Anh Vũ, theo Vnexpress