Văn hóa

Du lịch ẩm thực nhìn từ Hội thi "100 món ăn từ rau và hoa Đà Lạt"

16:38 - 15/04/2021
Du lịch ẩm thực đang là một xu hướng lớn của thế giới, bởi thưởng thức ẩm thực là sở thích của hàng triệu triệu người và ngày càng được chú trọng trong mỗi chuyến du lịch. Du lịch ẩm thực mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy kinh tế địa phương của điểm đến; đóng góp đáng kể vào chuỗi giá trị du lịch, từ lữ hành - vận chuyển, nhà hàng - quán ăn, khách sạn - cơ sở lưu trú... đến sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm; đồng thời, thúc đẩy giao lưu văn hóa ẩm thực vùng miền.

Đầu bếp khắp mọi miền đã tụ hội về Đà Lạt giao lưu ẩm thực

Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt, cho biết: Hội thi ẩm thực đương đại Đà Lạt, chương trình xác lập kỷ lục Việt Nam, sự kiện chế biến và công diễn cùng lúc “100 món ăn từ rau và hoa Đà Lạt”, đã thực sự trở thành ngày hội của rất nhiều loại hình kinh doanh trong xã hội. 

Hội thi đã tạo nên thương hiệu ẩm thực cho thành phố Đà Lạt, với sự góp sức của các hội nghề trực thuộc Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt, Chi hội Lữ hành Đà Lạt, Chi hội Bếp chuyên nghiệp Lâm Đồng. Sự thành công của Hội thi tạo không khí phấn khởi cho hoạt động nghề du lịch của tỉnh Lâm Đồng.

Ban Tổ chức Hội thi chọn 100 món ăn từ 130 món ăn đăng ký dự thi sử dụng nguyên liệu rau, củ, quả, hoa, dược liệu đặc trưng của Đà Lạt - Lâm Đồng; được chế biến bởi các đầu bếp, chủ doanh nghiệp kinh doanh ăn uống, chủ doanh nghiệp dịch vụ, chủ cơ sở du lịch, chủ nhãn hàng thực phẩm, chủ nông trang trại, đang làm việc tại các khách sạn, resort, nhà hàng, quán ăn, khu điểm du lịch, trường cao đẳng, trường đại học, trường dạy nghề, nhãn hàng thực phẩm, trang trại rau hoa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và các địa phương cả nước, cho thấy thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” là nơi có thể tổ chức nhiều chương trình quảng bá ẩm thực tầm cỡ hơn.

Ban giám khảo chấm điểm món chính

Trong Hội thi, các thí sinh sơ chế, chuẩn bị món ăn trước khi đến địa điểm công diễn. Món ăn được chấm điểm theo 7 tiêu chí là đúng chủ đề, kỹ năng, sáng tạo, tác phong chuyên nghiệp (10 điểm/tiêu chí) và mùi vị, trạng thái - màu sắc, trình bày món ăn (20 điểm/tiêu chí). Nhưng, dường như các món ăn chỉ cạnh tranh nhau ở 3 tiêu chí có số điểm 20. Ban Giám khảo cho biết: Nhiều món ăn rất đáng tiếc, tuy mang đặc trưng Đà Lạt, rất sáng tạo, có mùi vị đậm đà, nhưng màu sắc lại nhạt nhòa, nên gần như mất luôn cả điểm trình bày.

Mặc dù Hội thi rất thành công từ sự đồng thuận, chung tay góp sức, tích cực tham gia chương trình của nhiều cá nhân và đơn vị, từ các cấp lãnh đạo, cơ quan quản lý, các Hội và Chi hội, nhà tài trợ, cơ quan truyền thông, các thí sinh dự thi...; nhưng, Hội thi còn có thể thành công hơn nữa, nếu địa điểm rộng rãi hơn, cơ sở vật chất đầy đủ để mỗi thí sinh có được không gian tốt nhất để trình bày và làm nổi bật tinh hoa của món ăn, cũng như tập trung tối đa sự đặc sắc cho phần công diễn.

Món Xà lách rau, củ Đà Lạt nướng gan ngỗng, cá hồi sốt dâu tây của đầu bếp Quan Phú Nam (KS Colline) là một trong 3 món ăn đoạt giải Nhất

100 món ăn tham gia công diễn đều không trùng lắp, gồm có 26 món gỏi/xà lách, 7 món súp, 57 món chính và 10 món tráng miệng; trong đó, có 46% sử dụng rau - củ - quả, 15% kết hợp rau và hoa ăn được, 19% sử dụng hoa atiso và cây dược liệu, 20% sử dụng trái cây Đà Lạt. Các món ăn được chế biến theo phong cách đương đại, có những món ăn định vị thương hiệu ẩm thực Đà Lạt. Dù vậy, theo đa số nhận xét của du khách, rau củ quả thường chiếm khoảng 50% lượng thực phẩm trong mỗi bữa ăn của các gia đình Việt - nhất là người Đà Lạt, nhưng các món ăn trong Hội thi chưa sử dụng tỷ lệ rau nhiều và chưa sử dụng nhiều loại rau...

Xà lách sò điệp tam hoa của đầu bếp Nguyễn Thị Vân Anh (Nhà hàng Anavillas Đà Lạt) đoạt giải Nhì

Theo ông Nguyễn Hữu Hường - Chủ tịch Chi hội Bếp chuyên nghiệp Lâm Đồng: Hội thi xác lập kỷ lục “100 món ăn từ rau và hoa Đà Lạt”, cùng nhiều giải thưởng của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng và của Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt. 

Nhưng, ngoài giải thưởng là cơ hội giao lưu, gắn kết tình cảm trong giới đầu bếp; thỏa mãn được nhu cầu ấp ủ từ lâu của đội ngũ đầu bếp chuyên nghiệp ở Lâm Đồng là để người trẻ được thể hiện đam mê, người lớn tuổi có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm...; và trên hết là chung tay cùng ngành du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt tạo nên sự kiện ẩm thực mang dấu ấn đặc trưng, đưa ẩm thực trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương.

Món Salad sắc màu Đà Lạt của đầu bếp trẻ nhất Hội thi Đoàn Mạnh Hiếu của Nhà hàng Fujiya Đà Lạt

Còn theo ông Hoàng Ngọc Huy - Trưởng phòng Quản lý Du lịch (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng): Đây là chương trình tuyệt vời! Mọi người nghĩ ăn chay mới sử dụng nhiều rau, củ, quả, nhưng qua chương trình này rõ ràng là rau, củ, quả kết hợp rất đa dạng với các nguyên liệu khác tạo nên nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng và rất đẹp mắt. 

Qua Hội thi, những loại nguyên liệu đặc biệt và nơi sản xuất, các nhà hàng có đầu bếp đoạt giải... được quảng bá và có cơ hội thu hút du khách. Hội thi cũng góp phần lan tỏa và tự hào về giá trị ẩm thực của Đà Lạt - Lâm Đồng, kết nối giữa lĩnh vực ẩm thực với các lĩnh vực khác trong ngành du lịch và giúp các doanh nghiệp du lịch có thêm nhiều ý tưởng trong khai thác ẩm thực địa phương phục vụ khách du lịch, như phát triển các tour du lịch chinh phục 100 món ăn từ rau, hoa Đà Lạt trong thời gian tới.

Sự kiện xác lập kỷ lục ẩm thực mang tầm quốc gia, chương trình công diễn cùng lúc “100 món ăn từ rau và hoa Đà Lạt”, đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho du khách, các đội thi, khách mời và bạn bè khắp cả nước. Sự kiện là điều kiện rất tốt để nâng tầm và định vị thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” với rau, hoa, củ, quả Đà Lạt; định danh các món ăn ngon, đẹp, bổ dưỡng từ nông sản và các loại rau dược liệu đặc trưng Đà Lạt, bổ sung vào thực đơn ẩm thực đương đại Đà Lạt thu hút thực khách trong và ngoài nước.

Theo Báo Lâm Đồng

Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV