Có lẽ do cuộc sống gắn liền với thiên nhiên, núi rừng, mà từ bao đời nay, người Thái Tây Bắc đã biết tạo ra các vật dụng thủ công bằng tre nứa rất độc đáo, mang nét đặc trưng của dân tộc.
Hầu hết các chàng trai người Thái, ngay từ nhỏ đã học đan lát, để tạo ra các vật dụng thủ công thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày, trong đó có ép khảu (đồ đựng xôi). Để đan được một cái ép khảu bền, đẹp, ưng ý cũng không hề đơn giản, đòi hỏi người đó phải khéo tay, kỳ công trong từng công đoạn từ chọn tre nứa, cách chẻ, vót, kỹ thuật đan cho đến lúc thành phẩm.
Ông Tòng Văn Hịa, một già làng giỏi nghề đan lát ở Bản Mòng, xã Hua La, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La cho biết, theo phong tục tập quán của người Thái không có ép khảu không được. Làm ép khảu không phải là dễ. Phải vào rừng tìm cây tre, nứa, cây giang, tìm cây tre không bị sâu, mọt, gióng dài, thẳng mang về chẻ sao cho lạt đan thật đều nhau, mềm, mỏng, mịn để dễ đan, không bị gãy. Nếu lạt chẻ sợi to, thô thì khó đan, ép không được đẹp. Thân 1 cái ép khảu được gập đôi lại thành 2 lớp, có hình hoa văn đẹp mắt. Phần đáy ép đan riêng, có một thanh tre nhỏ uốn tròn buộc chặt làm chân ép. Một người đan thành thạo, nếu làm không nghỉ tay thì hết một ngày rưỡi đến 2 ngày mới hoàn chỉnh một cặp ép khảu đẹp.
Nhà đông người thường thường sẽ đan ép to, dùng nhiều cặp ép hơn; nhà ít người sẽ dùng ép nhỏ và số lượng tuỳ theo nhu cầu thực tế của gia đình. Mỗi cặp ép khảu có 2 ép rời, một ép to, một ép nhỏ, có thể mở ra, úp vào một cách dễ dàng. Ép được dùng đựng xôi, đựng cơm trong bữa ăn hàng ngày, những lúc bà con đi nương rẫy, hay những dịp có cỗ bàn, cưới xin, ma chay. Ép khảu đựng xôi giữ được nhiệt lâu, xôi không bị hấp hơi, không bị ướt, đảm bảo độ dẻo thơm của xôi nếp, nhất là nếp tan, nếp nương.
Ép khảu bây giờ không chỉ có trong mỗi gia đình người Thái, mà còn được dùng thường xuyên tại các nhà hàng ẩm thực dân tộc. Bởi hầu hết, các món ăn dân tộc như gà nướng, cá nướng, thịt hun khói, rau rừng, măng luộc… khi ăn với nắm xôi nếp đựng trong ép khảu thì rất ngon.
Chị Tòng Thị Vinh, Chủ nhà hàng các món ăn dân tộc ở Bản Mòng, xã Hua La, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La cho biết, Ép khảu không chỉ là vật dụng được sử dụng trong gia đình, mà những người làm nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống các món ăn dân tộc cũng không thể thiếu được ép khảu. Vì cơm xôi cho vào ép nó mềm, dẻo, giữ được vị thơm của xôi nếp, vừa đẹp nữa, đúng với bản sắc dân tộc. Khách hàng khi ăn cũng thấy ngon miệng hơn, nhiều người còn mua về làm quà biếu anh em, người thân nữa.
Ép khảu còn được giới thiệu, trưng bày trong Bảo tàng dân tộc, bày bán trên thị trường, các hội chợ, chợ phiên vùng cao. Theo chị Hoàng Thị Tiên, chủ cửa hàng bán các sản phẩm mây tre đan tại Tổ 3, phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La, hàng ngày vẫn có khách đến mua ép khảu, đặc biệt là các nhà hàng để làm đám cưới, tiệc cỗ các loại. Có gia đình mua về sử dụng để đựng xôi, nhưng cũng có người thì mua về để làm quà tặng bạn bè, có người thì mua về để sưu tập, nghiên cứu, trưng bài, giới thiệu sản phẩm dân tộc Thái. Giá bán bình quân của ép khảu từ 30-150 ngàn đồng tuỳ theo loại và mẫu mã sản phẩm khác nhau”.
Xã hội ngày một đổi thay, đồ gia dụng phục vụ gia đình ngày một phong phú đa dạng về mẫu mã, chủng loại được bày bán trên thị trường, nhưng trong mỗi gia đình của người Thái Tây Bắc nói chung vẫn gìn giữ, duy trì việc sử dụng cái ninh (đồng hoặc nhôm), chõ gỗ xôi cơm, và đặc biệt là không thể thiếu ép khảu đựng xôi như một nét văn hoá đặc trưng của dân tộc mình./.
Tòng Đức Anh/VOV Tây Bắc