Văn hóa

Giỗ Tổ Hùng Vương tại Lào

18:19 - 06/04/2019
Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, ngày 6-4, nhằm ngày mùng 2 tháng Ba âm lịch, lần đầu tiên Lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức tại Lào trong khuôn khổ Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu năm 2019.

Từ ngàn đời nay, Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành ngày lễ trọng của dân tộc Việt Nam. Ai cũng mong đến tháng 3 để được một lần hành hương lên đỉnh non thiêng Nghĩa Lĩnh, thành kính dâng nén hương thơm, tri ân công đức các Vua Hùng có công dựng nước. 

Xuyên qua man mác khói mây huyền thoại mấy ngàn năm, trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt, như vẫn hiển hiện đâu đây hình ảnh đàn con của Mẹ Âu Cơ băng qua núi đồi, vượt qua chướng khí, khai phá đất đai, chí thú gieo trồng. Trên rừng dưới biển, đâu đâu cũng thấm đẫm mồ hôi, công sức của lớp lớp con Hồng cháu Lạc. Lịch sử đã khắc ghi công lao các Vua Hùng đời nối đời sinh cơ dựng nghiệp, để đất Phong Châu xưa thành miền đất Tổ. Lịch sử Hùng Vương được ghi dấu từ những việc nhỏ nhất  như dân cày ruộng, đi săn, đến những công trạng lẫy lừng trong công cuộc chiến chinh phục thiên nhiên, đánh đuổi ngoại xâm, giữ yên bờ cõi. Đó còn là dấu ấn không thể phai mờ của những giá trị văn hóa truyền thống được hun đúc qua nhiều thế hệ. Mà cao nhất và quý nhất là tinh thần cố kết cộng đồng. hai chữ “Đồng bào” vì vậy mà đã trở thành giá trị thiêng liêng. 

Cùng với đồng bào trong nước, từ bao năm nay, người Việt Nam ở nước ngoài vẫn luôn thành tâm hướng về nguồn cội. Nhưng không phải ai cũng vinh hạnh được về dự ngày Giỗ Tổ ở quê nhà. Vì vậy, việc tổ chức ngày Giỗ Tổ Hùng Vương ở nước ngoài để bà con có dịp hướng về với cội nguồn dân tộc là nhu cầu hết sức cần thiết.

 Đó là lý do vì sao ý tưởng tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của xã hội với mong muốn trở thành ngày đại đoàn kết dân tộc và tôn vinh giá trị Việt, để người Việt khắp 5 châu, dù là ai, chính kiến thế nào cũng không thể quên tổ tiên của mình mà mở lòng bắt tay nhau, hướng về nguồn cội. 

Từ kinh nghiệm tổ chức Lễ Giổ Tổ Hùng Vương trong cộng đồng người Việt Nam ở Liên bang Nga, Séc, Đức, Hungary..., năm nay, ngày Giổ Tổ Hùng Vương lần đầu tiên được tổ chức tại thủ đô Viêng chăn – Lào nhờ sự chủ trì, kết nối của Đại sứ quán Việt Nam và sự đồng tình, cho phép từ các cơ quan chức năng của Lào. 

Lễ giỗ với đầy đủ nghi lễ và 18 mâm phẩm vật đậm đà bản sắc văn hóa của lớp con cháu hôm nay dâng lên tri ân công đức các Vua Hùng; Tọa đàm Kiều bào với Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu và Giao lưu ca nhạc Về cùng nước Việt… 

Ông Nguyễn Duy Trung- Chủ tịch Tổng hội người Việt tại Lào - Chủ tế và 2 vị phụ tế trong Lễ giổ Tổ Hùng Vương tại Lào

Ban Điều phối Phật giáo Việt Nam tại Lào dâng hương các Vua Hùng

Ngày Quốc Tổ Hùng Vương toàn cầu là dịp để cộng đồng người Việt xa quê được dâng nén tâm hương hướng về Tổ tiên nguồn cội, vun đắp tình yêu đất nước, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam

Đại sứ Nguyễn Phú Bình -Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài và ban tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Lào, Ban điều phối Phật giáo Việt Nam  tại Lào chuẩn bị làm lễ

Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa đặc biệt giúp Cộng đồng người Việt Nam tại Lào dù ở xa quê hương, vẫn được tự tay được thắp nén tâm hương thành kính hướng về quê cha đất Tổ, hiểu thêm giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Di sản phi vật thể được thê giới vình danh, hun đúc tình yêu đất nước quê hương, lòng tự hào dân tộc, tình đoàn kết cộng đồng, tăng cường giao lưu văn hóa, thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết gắn bó giữa hai dân tộc Việt – Lào. 

Hát quan họ chào mừng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương tại Lào

Sau Viêng chăn- Lào, Lễ Giỗ Tổ sẽ tiếp tục được cộng đồng người Việt tổ chức tại tỉnh U đon- Thái Lan trong hai ngày 7 và 8 tháng 4, trong khuôn khổ của Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu tại Đông nam Á. 

Từ đây, Lễ giỗ Tổ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương sẽ theo chân những người con đất Việt tỏa đi khắp 5 châu, mang theo những giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, ẩm thực, đặc biệt là văn hóa tâm linh, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên...đến với cộng đồng, góp phần làm cầu nối giữa bà con Việt kiều với đồng bào trong nước. 

Đồng thời, còn là dịp để tăng cường giao lưu văn hóa giữa cộng đồng người Việt trong quá trình hội nhập với nhân dân nước sở tại, tạo động lực thúc đẩy việc học tập tiếng Việt cùng các hoạt động tìm hiểu, nghiên cứu về Việt Nam ở nước ngoài, giúp bè bạn năm châu hiểu thêm về văn hóa, văn hiến và cốt cách Việt Nam./.  

Vân Thiêng/VOV Viêng Chăn