Văn hóa

Hệ quả nâng điểm thi: Học sinh giỏi bị triệt tiêu cơ hội đỗ đại học top đầu

22:03 - 26/04/2019
Hà Giang 114, Hòa Bình 64, Sơn La 44, tổng số thí sinh được nâng điểm kỳ thi năm 2018 là 222 thí sinh. Số điểm nâng ít nhất là 3 điểm, nhiều nhất là gần 30 điểm. Hơn 200 em được nâng điểm đồng nghĩa triệt tiêu cơ hội của từng ấy em thi thực chất.

Những thí sinh được nâng điểm chủ yếu vào các ngành top đầu như Công an, Quân đội, Kinh tế, ngành y.

Ngành y, ngành liên quan tới sức khỏe và tính mạng của con người vậy mà có tới 3 thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi năm 2018, nâng cao nhất là 15,3 điểm, thí sinh này đỗ top 3 vào trường đại học Y Hà Nội.

Nhiều thí sinh khác đã bị mất cơ hội vào các trường top đầu, như Hoàng Bá Hùng (sinh năm 1998, quê Nam Định) thi đại học lần ba và thiếu 0,05 điểm, đã trượt Học viện An ninh nhân dân.

Cho tới thời điểm này đã có 25 thí sinh đỗ các trường công an bị loại, trong đó có 7 thí sinh thi đỗ Học viện An ninh, 7 thí sinh bị loại khỏi các trường Quân đội, 5 bị loại khỏi Đại học Kinh tế Quốc dân, 1 thí sinh loại khỏi đại học Ngoại thương, 

Hiện, các trường đều không có kế hoạch bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018, lý do sinh viên đã học gần hết một năm học. Điều này khiến nhiều em tiếc nuối khi chỉ cần thêm 0,05 điểm là có thể vào được trường.  

Ông Nguyễn Xuân Khang Uỷ viên Hội đồng Tư vấn Khoa học, Giáo dục, Môi trường, đồng thời là hiệu trưởng trường Marie Curie cho rằng: "Thực sự không thể đo đếm được hậu quả của vụ việc nâng điểm vừa qua, là một cán bộ trong ngành giáo dục, tôi thực sự xấu hổ cho những việc làm trên. Bộ giáo dục nên sửa sai bằng cách xét tuyển lại cho những em đủ điểm vào trường, khi đã loại các em không đủ điểm, đây là hành động nhân văn,  tránh thiệt hại cho những em thi chân chính."

Ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội, Ủy viên HĐTV Khoa học, Giáo dục và Môi trường. Ảnh: Kỳ Anh 

Ở một góc độ khác tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: "Thực sự cái “tội” của những người gian lận nặng lắm, đó là tội triệt tiêu cơ hội của những người tài giỏi đích thực có thể phát triển. Chỉ cần một việc làm sơ suất, chưa nói đến mưu đồ, trong giáo dục, hoặc chỉ cần pha một chút giả dối thôi cũng có thể làm nền giáo dục sụp đổ. Rõ ràng, việc gian lận đã làm mất đi nhiều cơ hội của con em công nhân, nông dân, những gia đình bình thường, thậm chí khó khăn đã nỗ lực vượt khó để học."

Ông Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Minh Đạt

Gian lận trong ngành giáo dục là một thứ bệnh khó chấp nhận. Nền giáo dục không dựa trên nền tảng đạo đức và trung thực đồng nghĩa một xã hội sẽ khó phát triển.

Làm mất đi cơ hội của những học sinh giỏi thực sự, những người tài, sau này cống hiến cho đất nước do việc nâng điểm cho những học sinh không xứng đáng là một cái tội khó tha thứ trên mọi phương diện.

Mai Lan/Vietnam Journey